Nơi tôi ở là một xã ngoại thành. Khi nâng lên nội thành thì xã thành phường, còn huyện thành quận. Vẫn con người ấy, địa dư ấy nhưng từ "ngoại" sang "nội" là có một loạt thay đổi hành chính.
Về hình thức thì phường là phố phường, sang trọng hơn xã. Chủ tịch phường cũng oách hơn chủ tịch xã vì vai trò, trách nhiệm cao hơn, dù địa bàn vẫn như cũ.
Nhưng mấy năm, rồi mấy chục năm trôi qua, mà dường như quê tôi vẫn chưa thực sự thành phường đúng nghĩa. Không thành là đang nói về văn hóa làng xã với văn hóa phường khóm.
Vì gốc gác là làng, nơi sâu gốc bền rễ, toàn họ hàng thân thích, không nội thì ngoại, không nội ngoại thì thông gia, không thông gia thì là hàng xóm mấy đời liền kề. Cho nên gốc gác củ tỉ của nhau đều thông tỏ đến chân tơ kẽ tóc và thói quen làng xã kiểm soát nhau một cách tự nhiên vẫn như thế.
Thành phường rồi mà ma chay, cưới xin vẫn rải chiếu tổ tôm, tài bàn thâu đêm suốt sáng. Người ta tò mò với nhau: Nhà ấy hôm nay mấy khách đến chơi, ai thế nhỉ, con cháu hay bồ bịch. Rồi sau đó là đồn đoán, là đưa chuyện. Nhất là những ai mới nhập cư, càng kín cổng cao tường càng bị soi!
Thế đấy, qua hàng thế hệ mà cốt cách văn hóa thì khóm đấy nhưng vẫn là xóm xưa, phường đấy mà vẫn là làng xưa. Về văn hóa nó vẫn không thành phường khóm được.
***
Xưa có câu, đèn nhà ai nhà ấy rạng, chỉ việc sống thu mình, chỉ biết mình còn mặc nhà người. Cứ tưởng đó là chuyện của làng xã, hóa không phải, mà đó là văn hóa chung cư.
Chung cư thời nay là nhà nào biết nhà nấy. Nhà chung cư giống như nhà trọ. Cạnh nhau nhưng vẫn như người xa lạ. Thiện cảm thì mỉm cười chia sẻ khi gặp nhau trên thang máy, còn lại thì rất ít sang nhà nhau, không có nhu cầu tìm hiểu về nhau.
Có lần tôi ví chung cư như cái ấp ngoài soi bãi khi xưa, khi ấp chưa thành xóm. Nhưng dù sao ấp ấy, con người vẫn gần nhau hơn. Vì cuộc sống ấp còn bần hàn, đôi lúc cần dựa vào nhau, cần đến nhau nên phải bắt quen, để có lúc có gì khó còn che chắn cho nhau. Và khi ấp lớn dần thành đơn vị hành chính thành thôn của làng thì nó sang dần văn hóa làng. Còn chung cư thì tính độc lập cao, phần lớn vững vàng về kinh tế, vững chãi trước xã hội, lo làm lo ăn hơn lo các quan hệ tì dựa nên thường ráo hoảnh bên nhau.
Tôi nghĩ làng xã lên phố phường bây giờ vẫn có một khoảng cách văn hóa. Ngẫm nghĩ để biết thôi chứ văn hóa nó hình thành do các mối quan hệ trong từng thời đoạn. Làng xóm mãi không chịu trở thành phố phường dù bản đồ hành chính thay đổi là việc không lạ. Vì đó là bản chất cuộc sống làng xã khó thay đổi khi các mối quan hệ dằng dịt vẫn còn đấy. Có chăng chỉ đổi tên gọi, hoặc địa chí thay đổi.
Văn hoá sống luôn có căn cước, như rễ cây bám vào lòng đất, cái ngọn có thể thay nhưng gốc thì vẫn còn nguyên đó!
Tags