Đã có thời hình thành câu thành ngữ "Mong như mong mẹ về chợ". Thành ngữ đó của riêng nông thôn, mà cũng thuộc về quá khứ rồi. Mong mẹ về chợ để được ăn quà, đơn giản thế thôi.
Tôi rời thôn xóm đi học sau khi tốt nghiệp phổ thông, và cũng để lại luôn câu thành ngữ cho các em ở nhà.
Vùng quê tôi, chợ huyện thuộc thị trấn họp 5 ngày một phiên, còn chợ khu vực các xã thì họp ngày 3 ngày 5 âm lịch hàng tháng. Không biết ai cắt đặt ra cái lịch ấy nhưng khi tôi biết đến chợ thì nó thế rồi. Thời chưa mậu dịch, không hợp tác xã mua bán. Cũng hay vì khoảng cách 3 ngày ấy, rau vừa héo lại có rau tươi. Khi ấy không ai có thể nghĩ ra cái tủ lạnh cất giữ đồ ăn như ngày nay.
Thời chưa tủ lạnh cũng có cái văn minh của nó. Thức ăn chỉ dùng hai bữa, còn thì đổ đi chăn lợn hoặc cho chó, nên dù thiếu đói cũng không ai phải ăn đồ ôi thiu!
Không chạy chợ chuyên nghiệp, nhưng không người mẹ nào bỏ chợ phiên vì nhà nào cũng cần cái ăn, tí mắm tôm, con cá mắm, cân muối, tôm moi, mắm tép, miếng đường phên, nước mật... Tất cả chỉ mua ở chợ. Con gà, con vịt, rổ trứng, chó mèo con, mớ rau, rổ cà, rổ khoai lang, mớ khoai sọ, mẻ tép… muốn bán chỉ mang ra chợ mới có chỗ trao đổi. Toàn là món tự sản tự tiêu. Người mẹ nào tháo vát hơn thì thêm "chạy chợ". Mua chợ nọ, bán chợ kia. Mỗi thứ chênh nhau vài xu, thêm tí vốn tích lũy là quý rồi. Mua chợ nọ, bán chợ kia có thể coi là mầm mống của thương nhân Việt, đất nước của nghề nông.
Những buổi chợ phiên như thế, lũ trẻ chúng tôi không cần biết mẹ mua bán gì, mà chỉ thường ngóng mẹ về chợ để được ăn quà. Nào có gì quý hóa lắm đâu. Quà mẹ đem ở chợ về có khi là miếng bánh đúc, cái bánh tẻ, củ từ luộc, rong giềng, tấm mía, củ đao. Cái bánh xắt bốn, tấm mía chia đôi. Nhoáng cái sạch lẻm mà ôi chao, ngon và nhớ.
Không người mẹ nào ở nông thôn đi chợ lại quên đồng quà tấm bánh cho con. Hôm nào rau ế về muộn, mẹ không kịp mua quà là bọn trẻ tìu nghỉu thất vọng. Buông gánh hàng còn ế vài thứ, mẹ ngồi lật nón ra quạt buồn thiu.
Nhưng cảnh ấy ít xảy ra lắm. Không rõ nông thôn giờ còn cảnh chờ mẹ về chợ như bọn trẻ tôi ngày xưa không. Chắc ít vì nay thì xó xỉnh rừng núi có đường đi qua là có quán bán đủ thứ phục vụ thói ăn vặt của trẻ con từ gói bim bim đến quy xốp, kẹo nọ bánh kia.
Về nơi thị thành bây giờ buổi sáng thấy mẹ ốp con đến trường. Trước khi vào lớp, mua quả trứng vịt lộn hoặc bát bún ở quán bên đường, vừa bón vừa quát, con thì ngái ngủ, miệng mím chặt, phun phì phì, trái ngược với cảnh hóng món quà quê đói khát ngày xưa.
Ấy thế mà thời gian đã ba phần tư thế kỉ.
Tags