Ngẫm ngợi cuối tuần: Mùa hái quả

Thứ Bảy, 31/08/2024 17:00 GMT+7

Google News

Sau mùa Hạ kết trái đến Thu là mùa hái quả.

Tôi nhớ câu thành ngữ mẹ nói về cách lựa quả ngon của mùa này, đó là "Hồng tròn, khế méo, thị vẹo trôn". Nghĩa là quả hồng tròn trặn, quả khế phải không to đều 5 múi, thị thì vẹo trôn chứ không tròn trĩnh, đó mới là quả ngon. Tôi cũng chưa khi nào thử xem lựa chọn đó có đúng không, mà có cơ hội là cứ quả to là nhặt!

Có một thứ quả như chứa thời gian trong nó là quả mít. Ít ai để ý điều này! Bất kể là mít dai hay mít mật, cứ có thị chín là mít bắt đầu sượng. Mít sượng thì ăn rất chán, không chỉ nhạt mà nửa múi sần sật như gỗ mục. Khi mít sượng là biết thời tiết đã sang Thu. Mít sượng là do thời tiết tác động, nhưng quả thị lại bị đổ trách nhiệm làm cho mít sượng, chỉ vì quả thị chín là báo hiệu Thu sang.

Quả thị có hai loại tên tuổi khác nhau: thị sáp và thị bình. Thị sáp bèn bẹt, nhỏ, thị bình thì tròn to như quả vú sữa. Có lần tôi đã thấy hai loại quả này trên cùng một cây. Chưa biết  vì sao thế vì vẫn nghĩ là hai giống khác nhau thì phải ở hai cây khác nhau.

      ***

Trong 2 loại thị này thì thị sáp nhỏ và chát sít, không ăn được, chỉ là đồ chơi thích thú của đám con gái cất trong túi để thỉnh thoảng hít hà mùi thơm của nó. Thị bình thì ăn được.

Ngẫm ngợi cuối tuần: Mùa hái quả - Ảnh 1.

Ảnh: Internet

Nhưng một số loại quả không phải cứ cầm là bỏ mồm ăn ngay được, thì thị cũng vậy. Thị bình mà không biết cách ăn thì cũng chát sít, không nuốt khỏi miệng được. Muốn ăn quả thị hãy nắn bóp nó như cách ăn quả vú sữa. Khi quả thị nẫu nhừ ra rồi thì dùng que tăm châm khoanh rốn quả, bỏ nó đi.  Lúc ấy mới ghé miệng mút nước bột trong trái thị từ từ cho đến hết. Nước thị không ngọt lịm như hồng, nhưng với tuổi thơ đồng quê đó cũng là thứ quả ngon tuyệt.

Đã nhiều năm nay rồi thị vắng bóng. Bây giờ lại thấy thị hồi sinh trên những chợ xanh. Câu nói "Thị ơi, thị rơi bị bà, bà để bà ngửi chứ bà không ăn" trong  cổ tích "Tấm Cám" đang mai một dần trong những câu chuyện của trẻ thơ nhưng… quả thị còn thì "Tấm Cám" còn.

                                                                              ***

Mùa Thu còn thêm trái đặc trưng nữa là trám đen. Trám đen ngày xưa nhặt trên rừng về, ăn không hết còn cho nhau. Nhưng giờ trám đen thành hàng hóa. Ban đầu người ta bán trám đếm chục, bây giờ bán cân. Giá cân trám gần tương đương cân thịt.

Trám đen có hai loại: Trám bầu và trám thoi. Trám bầu quả to, hai đầu múp, thịt mỏng, vị chua. Trám thoi thì quả dài, hình con thoi. Trám này cùi dày, vị béo.

Trám đen có nhiều cách chế biến, nhưng ngon nhất vẫn là trám ỏm. Trám ỏm chấm tương là món ăn suốt tuổi thơ của tôi.

Ỏm trám không khó nhưng rất dễ hỏng. Cách ỏm cũng đơn giản: Đun nước lăn tăn sủi rồi bắc xuống, đổ trám đã rửa sạch vào. Nước cao hơn mặt trám chừng hai đốt ngón tay. Cho nắm muối vào khoắng đều, lấy vung đậy kín. Chỉ sau hai ba giờ là quả trám mềm. Để nguyên đó sang hôm sau. Khi bẻ quả trám thấy thịt trám tím sẫm là lấy ra ăn được.

Trước đây, vùng núi sẵn trám đen. Trám ỏm xong, người ta bẻ đôi bỏ hạt rồi cho vào mỗi miếng vài hạt muối, đem phơi khô, cất ống nứa treo gác bếp để dành ăn dần. Còn làm xôi trám thì lấy trám ỏm trộn với gạo nếp đã ngâm, cho vào chõ đồ. Xôi chính dỡ ra đánh đều lên là xong. Chỉ còn việc thưởng thức vị xôi cộng trám bùi, béo, chát.

Người Thái còn biết làm món trám cá. Cá ỏm xong bóc ra, cá sông loại to lấy khúc giữa luộc chín bỏ xương dùng thìa đánh nhuyễn với cá. 3 cá hai trám là ngon. Còn ít trám hơn cũng được. Tất nhiên khi cho vào nghiền có nêm gia vị mắc khén hoặc tiêu, ớt, thì là… cho thơm. Thế là được món ăn ngon trong bữa.

                                                                           ***

Mùa thu cho nhiều thứ quả, nhãn, na hồng bưởi và mỗi loại trên cũng có những đặc điểm khác nhau như nhãn cùi nhãn nước, hồng ngâm, hồng chín cây, hồng không hạt... Đồng ruộng thì cho hạt cốm. Mùa hái quả thật là phong phú.

Họa sĩ Đỗ Đức

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›