Tắm sài cho trẻ con chỉ cần ba thứ: vỏ núc nác, cỏ mằn trầu, vỏ cây sữa. Ba thứ bỏ nồi đun sôi để nguội. Đặt đứa bé vào chậu lúc nước còn hơi ấm, cứ mặc nguyên quần áo rồi dội nước tắm. Nhưng không được dội vào đầu. Dầm mình trong chậu nước tắm đó chừng 15 - 20 phút rồi nhấc nó ra, cứ để nguyên quần áo cho khô.
Tắm sài cho trẻ chủ yếu vào mùa Hè, còn mùa Đông thì trẻ không chịu rét được. Đứa trẻ bị sài thường đầu to, mắt trố, bụng ỏng đít beo, nổi gân mặt. Tay chân thì khẳng khiu không có bắp. Ăn nhiều nhưng không có da có thịt, chỉ như bộ xương biết đi.
Trẻ bị sài suốt ngày quấy khóc. Chứng bệnh ấy ngày nay ít thấy nhưng xưa thì làng nào xóm nào cũng có. Bệnh do thiếu ăn mà ra.
Biết bài thuốc đơn giản thế nhưng không phải ai lấy thuốc cũng chữa được sài. Phải tùy tay người. Vẫn công thức ấy, có người gắng làm nhưng không bao giờ chữa được bệnh. Phải ông lang mát tay chỉ ba nồi nước, ba lần tắm là đứa trẻ dần trở lại bình thường.
Cùng vẫn cỏ mằn trầu, vỏ núc nác, vỏ cây sữa nhưng hái sớm hay chiều hoặc giữa trưa là bí quyết của mỗi thầy lang. Hái thuốc còn phải nín hơi 7 bước chân khi vào cây thuốc. Còn trai thì mấy miếng, con gái mấy miếng theo vía. Đun thuốc bao lâu, chỉ thầy lang biết. Thường cây thuốc ai cũng biết, nhưng cách xử lý từ hái thuốc đến đun nồi nước là bí truyền thầy lang thường giữ kín. Không biết do giữ nghề hay vì những điều gì khác nữa. Cũng do không phải ai cũng hái thuốc tắm sài được nên làng xã xưa ít người biết tắm sài lắm. Cả xã may có một người. Nhà có trẻ bị sài có khi phải mươi lần đi mới đón được thầy lang.
Thầy lang tắm sài coi việc chữa bệnh là làm phúc. Đến tắm sài, chủ nhà đãi cơm rượu, tiền công chỉ vài hào tùy gia chủ. Có nhà nghèo quá, thầy lang tắm không lấy tiền. Nó như cái nghiệp ở đời, chỉ làm phúc. Thầy lang không bao giờ làm tiền bệnh nhân cả.
Cụ ngoại bên vợ tôi là cụ lang Chinh ở đất Yên Khánh, Ninh Bình có nghề tắm sài cho trẻ từ rất sớm. Không biết bài thuốc tắm sài của cụ cho trẻ nhỏ gồm vị thuốc gì, tôi chưa kịp hỏi. Nhưng uy tín cụ nhớn lắm vì tắm chữa khỏi sài cho rất nhiều trẻ nhỏ. Tôi biết cụ khi trở thành cháu rể lúc cụ đã ngoại 90. Thế mà cụ vẫn đội nón băng đồng chẳng nề mùa Hè hay ngày Đông giá rét khi có người đến mời. Cụ mất sau một lần đi tắm sài về, bị nhiễm cảm ở tuổi gần một trăm. Cụ không có truyền nhân, mất đi là nồi nước tắm sài, ở làng không còn ai biết.
Ấy vậy mà cũng trên 60 năm rồi
Thầy lang tắm sài bây giờ vắng bóng. Những đứa trẻ bị sài đẹn, bụng ỏng đít vòn giờ cũng ít thấy vì mức sống ngày nay đã đầy đủ hơn rất nhiều.
Tags