(Thethaovanhoa.vn) - Từ xa xưa lắm, vùng trung du quê tôi từng có câu thành ngữ “Tham như hùm đổ đó” .
Ấy là câu chuyện con hùm đi đổ trộm đó của người để ăn cá. Đó là thứ ăn vơ bèo vạt tép, ăn tất tật những gì rớt vào trong đó. Chẳng biết có thật không, vì hỏi thì chẳng ai trông thấy com hùm bao giờ. Hơn nữa nó lại còn biết rút nút ở đuôi đó để dốc cá vào miệng, thì có khi chỉ do tưởng tượng của con người mà ra.
“Đó” là dụng cụ đánh bắt cá ban đêm, người ta đem cái đó đơm ở chỗ có dòng nước xiết, cá đi ăn đêm bị lọt qua hom và bị giữ lại. Lúc ấy cụm từ “ăn như hùm” dùng để chỉ những người ăn khỏe, ăn nhiều và ăn tham không còn biết đến ai. Cách chê trách ấy cũng hòa bình, hiền lành như bản tính người dân nơi đây.
Theo người vùng tôi thì con hùm khác con hổ. Hùm chỉ quen ăn vụng trộm, nhưng ăn tham và ăn nhiều. Một đêm hùm đổ trộm mấy chục cái đó mà vẫn chưa no. Giống hùm ấy bây giờ không còn, nó như con vật huyền thoại, nhưng thành ngữ “Ăn như hùm” thì trong lớp người già vẫn nhớ.
Bây giờ, với những quan chức địa phương dính vào tham nhũng thì câu ví “Ăn tham như hùm” lại dùng để chỉ vào họ. Ngẫm câu ví cũng hay, không miệt thị mà chỉ dùng chính cái hiện tượng người dân hiểu biết mơ hồ để nói với nhau, chỉ cái sự việc chẳng đẹp đẽ gì trong giới chức sắc.
Người nông thôn xưa nay quen tự làm tự ăn, trung du sống dựa vào cả núi đồi, cuộc sống cũng đơn giản, ít nhờ vả đến chính quyền. Phần nhiều chỉ phải nộp đi, chẳng mấy khi được chia lại. Và nếu có phải nộp cũng chẳng nhiều nhặn gì. Họ biết bổn phận dân đen thích sự yên ổn. Tuy vậy tham nhũng gây phiền cho họ thì cũng bị ghét lắm. Chẳng ở đâu có thể ưa cái sự tham.
Nhưng tham nhũng ở vùng đồi cũng chỉ bị người dân quy kết đến mức “tham như hùm đổ đó”, nói xa xôi thế thôi. Họ bảo nhau: người mà đem ví với con vật là nhục lắm rồi, chứ không nên dùng những từ “khét lẹt” như người thành phố. Đó cũng là cách ứng xử của văn hóa làng quê.
Bài và ảnh: Đỗ Đức (họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa
Tags