(Thethaovanhoa.vn) - Những bức ảnh về lăng mộ của Vua Tutankhamun đã quen thuộc với công chúng trên toàn thế giới từ gần 1 thế kỷ qua. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, người ta lại có thể nhìn chúng từ một góc độ khác, với những cách tiếp cận rất thú vị.
Bộ ảnh này lên tới 1.400 bức, ghi lại cuộc khai quật tại Thung lũng của các vị Vua ở Luxor, kể từ khi phát hiện ra lăng mộ của Tutankhamun, Pharaoh triều đại thứ 18 vào ngày 4/11/1922, cho đến việc tháo nắp quan tài của ông 3 năm sau đó.
Những bức ảnh màu độc đáo
Những bức ảnh nổi tiếng này đều là ảnh đen trắng, trong đó nổi bật nhất là bức ảnh ghi lại khoảnh khắc nhà khảo cổ học Howard Carter khám phá quan tài bí ẩn của Pharaoh Ai Cập. Ảnh được nhiếp ảnh gia khảo cổ Harry Burton chụp ngày 28/10/1925 (hoặc ngay sau đó vài ngày). Ngoài ra, những bức ảnh khác miêu tả Carter cưỡi ngựa quanh đền thờ Luxor và hoạt động của 50 người lao động mệt nhọc để vận chuyển các cổ vật 3.000 năm tuổi.
Cũng phải kể tới một bức ảnh nổi bật khác, được chụp vào ngày 16/2/1923, cho thấy giây phút Carter, lúc đó 48 tuổi, và nhà bảo trợ tài chính là bá tước Carnarvon, bắt đầu lọt được vào phòng chôn cất được bịt kín. Đáng nói, chỉ 2 tháng sau đó, bá tước Carnarvon đã chết sau khi bị muỗi đốt gây nên bệnh nhiễm trùng huyết. Cái chết của bá tước Carnarvon đã dấy lên những lời đồn đại về “Lời nguyền của Tutankhamun”.
Bộ ảnh này thuộc sở hữu của Viện Griffith nổi tiếng của trường Đại học Oxford. Trong nhiều năm qua, những bức ảnh đen trắng nguyên bản được cho là không truyền tải được tầm quan trọng của quá trình khai quật, cũng như vẻ rực rỡ từ các màu vàng và màu xanh chói của những viên đá quý nằm trên chiếc mặt nạ tinh xảo được đặt trên mặt xác ướp của vua Tutankhamun. Tương tự, người ta cũng không thể thấy sự tương phản giữa vàng và đen nổi bật trên quan tài, khi các nhà khảo cổ nhẹ nhàng gỡ lớp nhựa thơm phủ trên đó bằng một cây búa nhỏ.
Tuy nhiên, trong những năm qua một số bức trong bộ ảnh này đã được Trung tâm Lưu trữ Howard Carter xử lý lại bằng công nghệ hiện đại để trở thành ảnh màu. Và quá trình thao tác đặc biệt này sẽ được giới thiệu trong bộ phim tài liệu Tutankhamun In Color của BBC chiếu vào 18/6 tới.
Elizabeth Frood, phó giáo sư Ai Cập học tại Đại học Oxford đồng thời là Giám đốc Viện Griffith, cho biết những bức ảnh màu đã đặt cuộc khai quật dưới một “ánh sáng mới”.
“Thực sự tôi rất xúc động. Tôi không bao giờ nghĩ mình lại có một trải nghiệm thế này. Cứ như thể Howard Carter bước ra từ những bức ảnh để đến với tôi” - Elizabeth Frood bày tỏ - “Những hình ảnh này mang lại một cảm giác trọn vẹn, khác hẳn với những gì đã có. Và một trong những điều mà nhóm phục dựng đã làm được là tái hiện lại được ánh nắng tại Ai Cập: Bụi bặm, nhưng mềm mại và tuyệt đẹp”.
Được biết, Frood đã ủy thác cho Giám đốc nghệ thuật người Paris, Samuel Francois-Steininger, phụ trách chuyển đổi các bức ảnh đen trắng thành hình ảnh màu. Nhóm của Francois-Steininger đã rất công phu làm sạch các vết trầy xước, chuyển chúng thành các tệp kỹ thuật số và cuối cùng, phục dựng trên cơ sở nghiên cứu kỹ gam màu sắc của từng bức ảnh riêng lẻ.
Lần đầu tiên đưa quan tài ra khỏi lăng mộ sau 3.300 năm
Thực tế, chiếc quan tài từng giữ thi hài của vua Tutankhamun chưa bao giờ rời ngôi mộ trong 3.300 năm kể từ lần đầu tiên ông được an nghỉ. Ngay cả sau khi nhà khảo cổ học Howard Carter phát hiện ra ngôi mộ vào năm 1922, quan tài bằng gỗ này vẫn ở Thung lũng các vị Vua cho đến nay.
Nhưng đầu năm 2020, Viện Bảo tàng Getty và Bộ Cổ vật Ai cập đã hoàn thành dự án phục dựng lăng mộ Vua Tutankhamun, vốn kéo dài gần 10 năm. Hiện họ đang phục chế chiếc quan tài ngoài cùng của vị Pharaoh trẻ này, di chuyển nó khỏi nơi chôn cất và qua đó cho phép các chuyên gia có thể nghiên cứu được kỹ hơn. Dự án phức tạp này chủ yếu được thúc đẩy do việc mở cửa lại Đại Bảo tàng Ai Cập, công trình hướng ra Kim tự tháp Giza, vào năm 2021.
Chiếc quan tài ngoài cùng này là quan tài lớn nhất trong 3 quan tài đồng tâm có chứa xác ướp của Vua Tutankhamun. Cỗ quan tài trong cùng được làm bằng vàng nguyên khối, 2 quan tài bên ngoài được chế tác bằng gỗ và phủ vàng, cùng với đá quý.
Trong khi 2 chiếc quan tài bên trong đã được trưng bày tại Bảo tàng Ai Cập ở Cairo, chiếc quan tài thứ 3 cũng sẽ được trưng bày tại cuộc triển lãm tại Đại Bảo tàng Ai Cập vào năm 2021 tới. Ngoài 3 chiếc quan tài chứa xác Vua Tutankhamun, triển lãm này cũng sẽ trưng bày vô số di vật được phát hiện trong lăng mộ của ông.
Lăng mộ vua Tutankhamun tại Thung lũng các vị Vua là lăng mộ hoàng gia Ai Cập cổ đại đầu tiên được tìm thấy với sự nguyên vẹn đến mức đáng kinh ngạc. Lăng mộ chứa rất nhiều kho báu hoàng gia tuyệt đẹp, trong đó có một con dao găm làm từ thiên thạch.
Theo Bộ trưởng Cổ vật Ai Cập Khaled el-Anany, việc phục chế quan tài bên ngoài sẽ mất ít nhất 8 tháng. Chiếc quan tài này bị hư hại khoảng 30% do nhiệt độ và độ ẩm bên trong lăng mộ.
“Quan tài ở trong tình trạng rất tồi tệ. Chúng tôi đã tìm thấy nhiều vết nứt” - theo Eissa Zeidan, Tổng giám đốc Tổ chức Bảo tồn Sơ cứu và Vận chuyển Đồ tạo tác.
Dự án phục dựng lăng mộ vua Tutankhamun được tiến hành nhiều năm sau khi du khách tới chiêm ngưỡng di chỉ di sản hùng vĩ này. Cả Viện Bảo tàng Getty và Bộ Cổ vật Ai Cập đã cam kết thực hiện dự án từ gần 1 thập kỷ trước và cuối cùng đã hoàn thành hồi tháng 1 vừa qua.
Dự án này gồm việc lắp đặt hệ thống lọc không khí và thông gió để điều chỉnh độ ẩm, carbon dioxide và bụi bên trong. Ánh sáng, cũng như các nền tảng công nghệ mới mà từ đó khách du lịch có thể thấy rõ các quan tài, cũng được bổ sung.
Trong quá trình thao tác, mối lo lắng lớn nhất của các chuyên gia là sự xuất hiện của đốm nâu kỳ lạ trên các bức tranh lăng mộ, bằng chứng cho thấy sự phát triển của vi sinh vật trong phòng. May mắn, quá trình làm việc cho thấy chúng không làm tổn hại nặng nề đến lăng mộ Vua Tutankhamun.
Việt Lâm (tổng hợp)
Tags