Đi tìm dấu tích Chăm Pa bên dòng Ô Lâu

Thứ Năm, 05/03/2009 17:39 GMT+7

Google News
(TT&VH Online) - Anh Nguyễn Thế, một cán bộ văn hoá Phong Điền rủ tôi: “ Mai mốt ông có dịp ra vùng đất bên dòng Ô Lâu để tận mắt chứng kiến những hiện vật văn hoá Chăm Pa còn sót lại trên vùng đất này...". Theo lời anh Thế chúng tôi đã bộ hành từ Huế ra Phong Điền để đến với những ngôi làng cổ bên dòng Ô Lâu mà xem hiện vật Chăm.

Phong Điền là vùng đất có nhiều dấu ấn của nền văn hoá Chăm Pa. Nơi đây,  dòng sông Ô Lâu, dòng sông mang cái tên lịch sử của Châu Ô xưa; vùng đất này còn có con đường thiên lý Bắc Nam mà tương truyền kiệu cưới của công chúa Nhà Trần Huyền Trân đã từng đi qua. Các dấu tích của văn hoá Chăm Pa đã được phát hiện và lưu giữ gần cả thế kỷ nay đã cho thấy trên mảnh đất Phong Điền ngày xưa từng là một trung tâm văn hoá lớn của người Chăm.


Nằm bên dòng Ô Lâu, xã Phong Hoà là một vùng quê còn lưu giữ nhiều di tích văn hoá Chăm Pa tiêu biểu. Chùa Ưu Điềm, một ngôi chùa cổ ở Phong Hoà, trong sách Đại Nam nhất thống chí triều Nguyễn có chép: “ phía hữu chùa có tượng phật đá nổi, tục gọi là “ tượng Bà Lồi”, trước tượng khoảng đất rộng chừng một trượng có bức bình phong bằng đá, cao rộng đều ba thước, trông phảng phất như hình ngựa, hình người…”. Di tích, hiện vật được triều Nguyễn ghi nhận là những di tích hiện vật của nền văn hoá Chăm Pa. Nhà nghiên cứu văn hoá Chăm Pa Trần Kỳ Phương cho rằng bức phù điêu ở chùa Ưu Điềm là một kiệt tác nghệ thuật và là tác phẩm duy nhất được biết trong nền điêu khắc Chăm Pa thể hiện đề tài lễ cưới Siva- Parvati. Ở ngôi chùa này còn có miều thờ Bà là nơi thờ phụng bức tượng Bà cao 80 cm có đôi vú tròn căng, chắp tay ngồi kiết già trên toà sen bằng đá có phù điêu vị thần với tư thế nâng đỡ. Hiện nay tượng đã được thếp màu vàng, đầu sơn đen, bên ngoài còn khoác áo mũ bằng vải vàng. Ngoài ra ở chùa Ưu Điềm còn có có bộ linga lớn và ngẫu tượng yoni đã bị vỡ một nửa. Cách chùa Ưu Điềm không xa lắm, ở làng Mỹ Xuyên, xã Phong Hoà có đền Linh Quang hay còn gọi là đền thờ Bà Tám Tay. Tượng thờ Bà Tám Tay có chất liệu bằng đá sa thạch, cao 1,2 m. Tượng có 8 đội tay đối xứng, mỗi tay cầm mỗi vật như: chuỗi hạt, vòng, búp sen, bầu rượu…Nguyên ngày trước người dân ở đây tìm thấy pho tượng này tại khu vực miếu Cồn Két, làng Mỹ Xuyên; vì tượng trông giống Phật Bà Quan Âm nên dân làng tổ chức đưa tượng đến thờ tại chùa. Trên đường gánh pho tượng đến chuìa thì giữa chừng bị đứt dây. Dân làng tin rằng Bà muốn toạ ở đó nên lập đền  thờ.

Ngoài hai di tích Chăm Pa tiêu biểu này, ở Phong Hoà còn có các hiện vật như bộ yoni lớn ở làng Phước Tích hay góc bệ thờ ở làng Mỹ Xuyên. Tất cả các di tích quý hiếm này đều được chính quyền địa phương và nhân dân lưu giữ, bảo tồn rất tốt. Là một người rất tâm huyết với việc khảo cứu văn hoá Chăm Pa ở Phong Điền anh Nguyễn Thế cho biết: “ Hầu hết các làng quê bên dòng Ô Lâu của Phong Điền đều có dấu ấn của văn hoá Chăm Pa. Ngoài các di tích, hiện vật ở Phong Hoà thì Phong Điền còn có 2 di tích Chăm Pa điển hình nữa là phế tích đền tháp Chăm Pa Vân Trạch Hoà và bệ thờ bằng đá ở làng Thế Chí Tây.”  

Cùng với những di tích Chăm pa đã phát lộ và được lưu giữ trong dân gian hơn cả thế kỷ qua. Mới đây,hàng loạt sản phẩm gốm cổ đã được phát hiện ở vùng đất này. Người có công lớn trong việc phát hiện ra t sản phẩm gốm  cổ từ dưới dòng sông Ô Lâu là anh Hoàng Phước Chỉ.Là chủ một doanh nghiệp nhỏ chuyên kinh doanh khai thác cát sạn bên dòng Ô Lâu, tình cờ Hoàng Phước Chỉ đã phát hiện ra một số bình vôi bằng gốm rất đẹp được các chủ thuyền khai thác cát sạn tìm thấy ở dưới lòng sông. Từ đó, anh Chỉ đã cất công sưu tập tất cả các loại sản phẩm gốm từ lòng sông quê hương.Đặc biệt từ năm 2004 đến nay khi những người thợ hút cát cải tiến máy hút cát sạn thì cổ vật tìm thấy càng nhiều. Ban đầu anh  còn xin được nhưng dần dần người ta biết được đó là cổ vật lại có người tìm mua nên anh Chỉ  phải mang tiền đến nài nỉ người ta mới nể tình để lại. Thậm chí có những hiện vật anh phải đến tận nhà người ta để túc trực sợ người khác rước mất.

Cách đây Hoàng Phước Chỉ đem niềm đam mê của mình, công sức của mình bao năm đem hiến tặng cho bảo tàng. Để rồi 172 hiện vật đó là cơ sở về mặt khoa học và lịch sử quan trọng trong nghiên cứu lịch sử của các triều đại liên quan. Bộ sưu tập của Hoàng Phước Chỉ được Hội đồng thẩm định Bảo tàng Lịch sử Cách mạng TTHuế  đánh giá: Bộ sưu tập hiện vật này mang đặc trưng của lò gốm Mỹ Xuyên, Phước Tích ở  Thừa Thiên-Huế, trong đó nhiều hiện vật có từ thế kỷ 15.Bây giờ trong nhà của anh Chỉ chỉ còn lại khoảng 40 hiện vật đồ gốm cổ nhưng niềm đam mê chơi đồ cổ của người đàn ông này thì thêm phần sâu nặng hơn xưa. Hàng ngày anh Chỉ vẫn ngóng tin ai đó tìm được đồ cổ rồi lại cất công đến từng nhà hỏi mua cho bằng được.Từ sự phát hiện thú vị mang nhiều giá trị lịch sử của anh Hoàng Phước Chỉ, mới đây một số hộ dân của làng Vĩnh An- xã Phong Bình mới chợt nhận ra rằng mình cũng đã từng phát hiện và đang lưu giữ những hiện vật đồ gốm cổ có giá trị. Cách đây 5 năm, ông Hoàng Phước Tình đã phát hiện ra những đồ gốm khi đào ao cá ngay trước mặt nhà mình. Đó là những ché, chum, hũ, bình vôi, thạp, thống… Do không hiểu biết nhiều về đồ cổ nên ông Tình đã cho đi nhiều hienẹ vật quý này và chỉ còn giữu lại trong nhà 6 hiện vật mà ông cho là đẹp mắt. Theo lời ông Tình thì ngoài gia đình ông, ở trong xóm cũng có thêm 5-6 nhà nữa đã tìm thấy các loại đồ gốm cổ khi làm vườn. Điều này cho thấy ở dưới lòng đất  vùng quê này đang có một trữ lượng đồ gốm cổ rất phong phú.

Một câu hỏi được các nhà nghiên cứu về đồ gốm đặt ra là liệu các hiện vật gốm này có phải là đồ gốm của làng Phước Tích , một làng quê ở cách Vĩnh An không xa lắm? Theo nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan thì đây không phải là đồ gốm  Phước Tích sau khi ông đã có lần đến xem các đồ gốm của anh Chỉ. Cơ sở để khẳng định điều này là đồ gốm Phước Tích vốn không có hoa văn và thường là đồ gốm thô chưa qua tráng men. Trong khi đó, các đồ gốm được phát hiện ở vùng quê bên dòng Ô Lâu lại có độ tinh xảo hơn, chất liệu cũng tốt hơn. Một giả thiết được đặt ra và có nhiều cơ sở rằng đây là những hiện vật cổ của người Chăm.  Một vấn đề nữa được đặt ra là chính quyền địa phương và các ngành chức năng sẽ có những biện pháp gì để bảo quản và phát huy những hiện vật gốm cổ quý giá này. Những di tích văn hoá Chăm Pa trên đất Phong Điền là một nguồn sử liệu vô giá và cũng là niềm tự hào về trầm tích văn hoá của vùng đất này. Điều đáng quý là những thế hệ cư dân người Việt đã Việt hoá những di tích của người Chăm để thờ phụng, bảo tồn trong suốt bao thế hệ qua.

Ở bên dòng sông lịch sử huyền thoại Ô Lâu nhiều dấu tích của văn hoá Chăm Pa đã được phát hiện và lưu giữ gần cả thế kỷ. Những sản phẩm gốm cổ tinh xảo đã được phát hiện ở dưới lòng sông và cả dưới lòng đất của  các làng quê bên dòng sông này càng chứng minh rằng  những làng quê này ngày xưa từng là một trung tâm văn hoá lớn của người Chăm.  

                                    Lê Phi Tân

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›