(Thethaovanhoa.vn) - World Wide Web, Mạng lưới toàn cầu hay còn được biết đến phổ biến hơn với các tên gọi tắt như Web và www, đã bước sang tuổi 30.
Cách đây đúng 3 thập niên, ngày 12/3/1989, Tim Berners-Lee, lúc bấy giờ là một kỹ sư phần mềm người Anh trẻ tuổi làm việc tại Tổ chức Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN), đã lần đầu công bố đề xuất kết nối các thông tin trên mạng Internet, một sáng kiến sau đó đã phát triển vượt xa mọi tưởng tượng thời bấy giờ, nhưng cũng mang đến nhiều rắc rối không ai lường trước.
Khởi điểm của sáng kiến này là việc kỹ sư Berners-Lee muốn tìm kiếm một giải pháp giúp các nhà khoa học chia sẻ dữ liệu thông qua Internet, một mạng lưới kết nối các máy tính đã ra đời trước đó. Sự xuất hiện của World Wide Web cho phép tập trung và truy cập thông tin trên các trang mạng thông qua một trình duyệt. Khi lần đầu tiên được triển khai vào tháng 8/1991, World Wide Web không nhận được nhiều chú ý. Đơn giản bởi vào thời điểm đó đã có sẵn nhiều hệ thống tương tự như đề xuất của ông Berners-Lee.
Điều khiến World Wide Web có thể đột phá trở thành “người thống trị” của thế giới Internet hiện đại là “cha đẻ” của hệ thống này đã có quyết định táo bạo: cung cấp miễn phí mã nguồn của hệ thống cho công chúng sử dụng. Từ đó, bất cứ ai sở hữu máy tính kết nối Internet đều có thể truy cập World Wide Web và xây dựng sản phẩm của riêng họ trên nền tảng này.
Để hiểu được tầm ảnh hưởng của World Wide Web, cần điểm lại bức tranh về sự phát triển của thế giới Internet tính từ cột mốc ra đời của sản phẩm này. Sau khi dự án World Wide Web chính thức ra đời vào năm 1991, năm 1994, thế giới chào đón Yahoo – “gã khổng lồ” Internet mang tầm ảnh hưởng toàn cầu đầu tiên trước khi dần lụi tàn vào năm 2000 và Amazon – người tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến đã vĩnh viễn thay đổi phương thức mua sắm của loài người. Sau đó lần lượt là những cái tên nay đã trở nên quen thuộc như Google (1998), Wikipedia (2001), Facebook (2004), YouTube (2005), Twitter (2006). Những trang web này, cùng vô vàn những tên tuổi lớn và nhỏ khác, đã và đang xây dựng trên nền tảng World Wide Web mà Berners-Lee “tặng không” cho cộng đồng. Rất nhiều công nghệ mà con người cho rằng nghiễm nhiên, hiện đã không tồn tại thực tế nếu không có sự ra đời của World Wide Web.
Internet và World Wide Web giờ hiện diện trong các gia đình, văn phòng và thậm chí trong các thiết bị cầm tay của mỗi người. Một cách lặng lẽ nhưng chóng mặt, chúng đang biến đổi nhiều cách thức sinh hoạt của con người, tương tự như việc thư điện tử thay thế thư tay và fax; các ứng dụng trò chuyện trực tuyến như Skype dần gạt sang bên lề các đường dây điện thoại. Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ của mình, không gian mạng và World Wide Web cũng đang đặt ra các thách thức.
Sau 3 thập niên tận hưởng những lợi ích từ Internet, chính phủ nhiều nước đang bắt đầu “giật mình” trước những “mặt trái” ẩn sau sự phát triển vũ bão của những người khổng lồ Internet như Google, Facebook, Amazon.
Tháng 4/2018, thế giới rúng động khi Facebook, mạng xã hội có hơn 2 tỷ người dùng toàn cầu, thừa nhận đã để Công ty truyền thông Cambridge Analytica tiếp cận trái phép dữ liệu của 50 triệu người dùng Mỹ trong chiến dịch bầu cử tổng thống nước này năm 2016. Vụ bê bối đã làm bùng nổ một cuộc tranh luận toàn cầu về tầm ảnh hưởng và quyền lực của các mạng truyền thông xã hội và các tập đoàn Internet. Từ vấn đề bảo mật thông tin, người ta bắt đầu lật lại hàng loạt những nghi ngại liên quan tới mạng lưới toàn cầu vốn đã nhen nhúm trong nhiều năm qua: từ sự lan truyền các nội dung thù địch, nạn bắt nạt trên mạng cho tới các chiến dịch cực đoan hoá của chủ nghĩa khủng bố, xuyên tạc, kích động, lôi kéo với mục đích chống phá, lật đổ chế độ, trực tiếp đe dọa an ninh, chủ quyền quốc gia, an toàn của cộng đồng và lợi ích mỗi cá nhân.
World Wide Web đã bị biến thành phương tiện của nhiều hành vi phạm tội, và yếu tố “công nghệ cao” xuất hiện ngày càng nhiều trong các cuộc xung đột, tấn công, chiếm đoạt, phá hoại. Chiến tranh mạng hay gián điệp mạng không còn là khái niệm xa lạ trong thế giới kết nối, mà mức độ nghiêm trọng của nó đã buộc Chính phủ Anh xếp tội phạm trên không gian mạng vào nhóm các nguy cơ đe dọa an ninh lớn nhất đối với đất nước, ngang với tấn công khủng bố, vũ khí hóa học hay thảm họa hạt nhân…
Nguy cơ ngày càng hiện hữu từ mạng lưới toàn cầu buộc chính phủ các nước phải hành động. Theo thống kê của Liên hợp quốc, đến nay đã có 138 quốc gia (trong đó có 95 nước đang phát triển) ban hành luật an ninh mạng. Chỉ trong vòng 6 năm trở lại đây, có 23 quốc gia trên thế giới ban hành hơn 40 văn bản luật về an ninh mạng. Liên minh châu Âu (EU) hiện là thành viên tích cực nhất trong việc điều chỉnh chính sách và luật pháp để bảo vệ người dân trước những nguy cơ của thế giới mạng. Bộ quy định về quyền riêng tư dữ liệu của EU (còn gọi là GDPR), có hiệu lực từ tháng 5 năm ngoái, bắt buộc các công ty Internet phải hỏi ý kiến người dùng rõ ràng trước khi thu thập dữ liệu cá nhân của họ.
Khi toàn cầu đang chào đón Cách mạng công nghiệp 4.0 mà Internet Vạn vật là một phần cấu tạo quan trọng, vấn đề an ninh an toàn mạng lưới toàn cầu càng trở nên cấp thiết. Theo số liệu của cổng thống kê Statista, số người sử dụng Internet toàn cầu hiện đang tiến gần đến mốc 4 tỷ người, tức khoảng một nửa dân số thế giới đang được kết nối vào mạng lưới toàn cầu, sẵn sàng chia sẻ hàng loạt thông tin từ sơ yếu lý lịch, quan điểm chính trị tới các xu hướng, thói quen cá nhân. Với Internet Vạn vật được triển khai, khi Internet được đưa vào các thiết bị gia dụng hàng ngày để tạo nền tảng cho một không gian sống thông minh, sẽ có thêm hàng nghìn tỷ thông tin, dữ liệu của đời thực được chuyển lên Internet, khiến không gian mạng trở nên quyền lực, giá trị và cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn bao giờ hết.
Chính “cha đẻ” của World Wide Web, trong một bài viết đăng trên tờ New York Times hồi tháng 12/2018, đã cảnh báo World Wide Web đang “bị chiếm dụng bởi những kẻ muốn sử dụng hệ thống này để tác động đến dư luận thế giới”, viện dẫn tới hàng loạt vấn nạn của thế giới mạng từ cộng đồng web đen, tin giả tới đánh cắp dữ liệu cá nhân. Tháng 1 vừa qua, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, ông Berners-Lee một lần nữa kêu gọi giới tinh hoa toàn cầu chung tay trong cuộc chiến chống sự phân cực và chia rẽ trên mạng Internet, đưa World Wide Web trở lại với mục tiêu tốt đẹp ban đầu là thúc đẩy các nền tảng trao đổi giúp kết nối những quan điểm và tư duy khác biệt.
Miễn phí, mở và tự do, đây là những nền tảng chính mà ông Tim Berners-Lee đặt ra cho World Wide Web khi sáng tạo ra hệ thống này. Cơ chế vận hành này rõ ràng đã tạo đà để World Wide Web và cả Internet tận dụng sức sáng tạo và trí tuệ chung của cộng đồng để phát triển vượt bậc cũng như mang lại những lợi ích rất lớn cho con người suốt 3 thập niên qua. Tuy nhiên, cũng chính cơ chế miễn phí, mở và tự do khiến World Wide Web có tính hai mặt, có thể tạo điều kiện cho những hành vi phạm tội phức tạp và nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp tới xã hội và mỗi cá nhân. Ở tuổi 30, World Wide Web có thể gây ra một cuộc khủng hoảng dây chuyền trên toàn cầu, nếu thiếu những cơ chế kiểm soát và ngăn ngừa phù hợp.
Minh Ngọc/TTXVN
Tags