Hiệp hội An ninh mạng quốc gia phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) tổ chức Hội thảo "Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng" sáng 13/5, tại Hà Nội.
Sự kiện góp phần tăng cường sự phối hợp của toàn xã hội trong đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật cũng như phương thức, thủ đoạn, hậu quả do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ra; nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, doanh nghiệp trong phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng.
Phát biểu tại hội thảo, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia khẳng định, việc ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại do lừa đảo qua không gian mạng đang là vấn đề rất cấp thiết. Trên phương diện quốc tế, Liên hợp quốc và một số tổ chức cộng đồng cấp khu vực đang thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác, phối hợp giữa các quốc gia nhằm thiết lập quy tắc chung để giảm thiểu nguy cơ. Đã có hơn 160 nước ban hành các chính sách mới nhằm tăng cường bảo vệ dữ liệu phòng, chống đánh cắp mã hóa, dữ liệu để lừa đảo đòi tiền chuộc.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, có hai nguyên nhân chính dẫn đến lộ, lọt dữ liệu tại Việt Nam. Thứ nhất là hệ thống thu thập, lưu trữ thông tin người dùng nhưng không bảo đảm an ninh, từ đó bị tin tặc (hacker) xâm nhập, lấy cắp dữ liệu hoặc bị nhân viên chủ động bán ra ngoài thu lợi bất chính. Thứ hai là do người dùng chủ quan, bất cẩn, tự mình làm lộ, lọt thông tin trên mạng hoặc trên các website mua bán trực tuyến. Sim rác, tài khoản ngân hàng rác tràn lan, dữ liệu cá nhân bị lộ, lọt cùng với sự phổ biến của công nghệ DeepFake đã kéo theo hàng loạt vụ việc lừa đảo trực tuyến.
Đáng lưu ý, các đối tượng lừa đảo sử dụng rất nhiều chiêu thức tinh vi như kêu gọi đầu tư qua sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo, chứng khoán; đe dọa tiền gửi ngân hàng của người dùng đang bị điều tra, cần chuyển tiền để xác minh… Qua đó cho thấy, tính chất lừa đảo trực tuyến đang diễn biến ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế -xã hội, tình hình trật tự an ninh xã hội.
Chia sẻ về giải pháp phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng, ông Vũ Ngọc Sơn đề cập đến phần mềm phòng, chống lừa đảo - sản phẩm được phát triển dựa trên nghiên cứu kỹ lưỡng về nguy cơ với người sử dụng tại Việt Nam. Phần mềm này hỗ trợ các hệ điều hành phổ biến nhất hiện nay là Android và iOS, dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 7/2024. Ưu điểm là phần mềm này có kết nối với cơ sở dữ liệu về phòng, chống lừa đảo của các bộ, ngành cũng như công ty an ninh mạng thành viên của Hiệp hội để phát huy sức mạnh tổng hợp.
Đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết đã chỉ đạo lực lượng trên toàn quốc triển khai đồng bộ phương tiện, nghiệp vụ, rà soát các đối tượng, mục tiêu nghi vấn, hoạt động lừa đảo trên không gian mạng để đấu tranh xử lý. Đơn vị cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham mưu triển khai rà soát, định danh xác thực thuê bao di động, tài khoản ngân hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hạn chế tình trạng sim rác, tài khoản ngân hàng rác, áp dụng phương thức xác thực sinh trắc học với những giao dịch, chuyển khoản… nhằm ngăn chặn, hạn chế giao dịch chuyển dòng tiền vi phạm pháp luật.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với quy mô và tốc độ cao đã tạo ra giá trị to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, song cũng đặt ra thách thức không nhỏ trong việc bảo đảm an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao với mọi quốc gia. Thời gian qua, tội phạm lợi dụng không gian mạng tiến hành hành vi phạm tội, nổi bật là lừa đảo trực tuyến chiếm 57% tổng số tội phạm mạng, gia tăng cả về phạm vi, thủ đoạn tinh vi. Tội phạm mạng triệt để lợi dụng công nghệ mới nhất là trí tuệ nhân tạo gây ra thiệt hại lớn, riêng năm 2023 thiệt hại 1.026 tỷ USD tương đương với 1,5 GDP toàn cầu.
Tại Việt Nam, năm 2023, trên Cổng cảnh báo an toàn thông tin đã ghi nhận gần 16.000 phản ánh về lừa đảo trực tuyến; phản ánh liên quan đến hình thức lừa đảo tài chính chiếm 91%, tăng gần 65% so với năm 2022. Tỷ lệ người dân nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%, trong đó chủ yếu là người già và trẻ em - những người không có nhiều kỹ năng an toàn trên không gian mạng. Thông tin thẻ tín dụng được mua bán công khai, trực tuyến trên “chợ đen” có thông tin dữ liệu của khoảng 2 triệu thẻ ghi nợ và tín dụng. Điều này tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo trực tuyến liên quan đến tài chính.
Tags