(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 20/7, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam.
Trình bày về tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian qua, ông Sebartian Eckardt, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi với mức tăng tổng sản phẩm quốc nội ước đạt 6,28% trong nửa đầu của năm 2015.
Đây là mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm cao nhất của Việt Nam trong vòng 5 năm qua. Sự phục hồi này chủ yếu nhờ kết quả hoạt động tích cực trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cũng tăng mạnh. Tuy nhiên, quá trình phục hồi kinh tế vẫn chưa đồng đều.
Cũng theo ông Sebartian Eckardt, trong bối cảnh lạm phát thấp đã tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chính sách tiền tệ mở rộng nhằm hỗ trợ các hoạt động kinh tế, đồng thời điều chỉnh tỷ giá đảm bảo tính cạnh tranh của nền kinh tế. Thâm hụt thương mại ước tính hơn 3 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2015.
Cơ cấu việc làm dịch chuyển sang lĩnh vực công nghiệp. Ảnh: Công nhân công ty liên doanh giữa Tập đoàn Imerys của Pháp và Công ty Cổ phần Khoáng sản Yên Bái (TTXVN)
Tình trạng này phản ánh đà xuất khẩu suy giảm do tình hình hàng hóa xuất khẩu dầu thô, gạo, cà phê, cao su đã giảm mạnh cả về giá và lượng. Bên cạnh đó nhập khẩu lại gia tăng đặc biệt là các mặt hàng máy móc, thiết bị và đầu vào cho sản xuất.
Ông Sebartian Eckardt cho biết, Báo cáo lần này đã chỉ ra triển vọng trong trung hạn của Việt Nam nhìn chung tích cực nhưng tùy thuộc vào nhiều rủi ro. Tăng trưởng kinh tế dự báo ở mức trên dưới 6% nhờ cầu trong nước tiếp tục phục hồi, đầu tư và tiêu dùng cá nhân tiếp tục cải thiện. Thâm hụt ngân sách dự kiến được điều chỉnh thông qua các nỗ lực cắt giảm chi tiêu để tránh gia tăng nợ công.
Cán cân thương mại dự báo sẽ bị thu hẹp đáng kể trong năm nay do tăng trưởng xuất khẩu chậm lại trong khi nhập khẩu gia tăng nhằm đáp ứng các nhu cầu đầu tư và hoạt động kinh tế trong nước.
Ở trong nước, một kế hoạch củng cố tài khóa đáng tin cậy trong trung hạn cùng với những biện pháp nghiêm túc nhằm củng cố tình hình tài chính của doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng sẽ đóng vai trò quan trọng giúp giảm áp lực lên tính bền vững của nợ công và gia tăng niềm tin của khu vực tư nhân.
Báo cáo điểm lại cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới công bố lần này, có một chuyên mục về thị trường lao động tại Việt Nam , trong đó mô tả chi tiết về sự dịch chuyển lớn trong bức tranh việc làm trong vòng 25 năm qua.
Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Gabriel Demombynes cho biết, trước đây cơ cấu việc làm tại Việt Nam chủ yếu là nông nghiệp gia đình, việc làm trong các hợp tác xã và doanh nghiệp Nhà nước nhưng đến nay đã có sự dịch chuyển việc làm sang các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ, việc làm trong các doanh nghiệp gia đình ngoài nông nghiệp, doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài.
Báo cáo đưa ra những gợi ý về việc tiếp tục chuyển đổi thị trường lao động của Việt Nam, trong đó có các biện pháp chủ động nhằm tăng cường hệ thống quan hệ lao động công nghệ, cân bằng giữa việc đảm bảo sự linh hoạt trong thị trường lao động với việc duy trì bền vững tăng cường về năng suất và quản lý những rủi ro về mặt xã hội trong một nền kinh tế có định hướng thị trường rõ nét hơn.
Báo cáo cũng cho rằng, Việt Nam còn thiếu các thể chế thích hợp để đàm phán và giải quyết tranh chấp liên quan tới lao động; đồng thời đưa ra một số gợi ý chính sách để giải quyết những điểm yếu này nhằm khuyến khích phát triển một thị trường lao động hiệu quả hơn.
Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)
Tags