(Thethaovanhoa.vn) - Hai năm trở lại đây, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đặt ra nhiều thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội để các thiết chế văn hóa nói chung và ngành bảo tàng nói riêng có những thay đổi đột phá bằng ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động, đáp ứng yêu cầu của xã hội và toàn cầu.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một trong các đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong các hoạt động hỗ trợ tham quan trực tiếp và trực tuyến. Theo đó, khách tham quan được truyền cảm hứng sáng tạo, tận mắt chiêm ngưỡng tác phẩm, đắm chìm trong không gian nghệ thuật để tương tác, đối thoại với tác phẩm, lắng nghe và cảm nhận những thông điệp của tác giả.
Cuối tháng 8 vừa qua, sau khi ra mắt ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseumVFA (vào tháng 4/2021) nhận được những phản hồi tích cực từ các nhà nghiên cứu, giới chuyên môn, công chúng trong và ngoài nước, Bảo tàng tiếp tục ra mắt công nghệ tham quan trực tuyến 3D Tour (tiếng Việt và Anh), tích hợp trên website của Bảo tàng (http://vnfam.vn) hỗ trợ khách tham quan bảo tàng trực tuyến hoàn toàn miễn phí.
Việc ứng dụng nền tảng số trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản luôn được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đặc biệt chú trọng, bởi hơn bao giờ hết, trong xu thế hiện nay công nghệ chính là cầu nối hữu hiệu giữa bảo tàng với khách tham quan. Những sản phẩm công nghệ ra đời trong thời gian qua như ứng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA, 3DTour, Triển lãm trực tuyến, giáo dục trực tuyến… là kết quả của việc hợp tác chặt chẽ giữa Bảo tàng và các đối tác, các chuyên gia bảo tàng và mỹ thuật, cũng như mạng lưới cộng tác viên trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không ngừng tập trung cho các hoạt động chuyên môn sâu, phát triển những chương trình mới, đẩy mạnh chuyển đổi số, đặc biệt là số hoá tài liệu, hiện vật; nghiên cứu, chỉnh trang trưng bày; xây dựng sản phẩm, phát triển ý tưởng, ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa các hình thức hoạt động để đưa bảo tàng đến với công chúng trong mọi hoàn cảnh, đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng để đón công chúng trở lại sau đại dịch.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng là một trong những bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ trong các hoạt động giới thiệu trưng bày, giáo dục. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các trưng bày ứng dụng công nghệ là cách để bảo tàng tương tác với công chúng.
Từ năm 2013, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã ứng dụng công nghệ tương tác ảo 3D giới thiệu 2 trưng bày chuyên đề, tiếp theo đó (năm 2016) là một số phần nội dung trưng bày thường trực được giới thiệu trên website của Bảo tàng.
Từ năm 2020, Bảo tàng tiếp tục phối hợp với Công ty Vietsotfpro nghiên cứu, nâng cấp ứng dụng 3D và cập nhật, bổ sung nội dung thông tin, hoàn thiện chuyên đề giới thiệu bảo tàng ảo 3D chuyên đề "Bảo vật quốc gia" lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Nội dung giới thiệu được cập nhật, bổ sung, đổi mới cách thức tiếp cận, theo đó, thông tin được giới thiệu với các cấp độ khác nhau để phục vụ đa dạng nhu cầu của công chúng, phù hợp với điều kiện thời gian, nhu cầu tra cứu thông tin từ khái quát đến trải nghiệm, tương tác 3D hoặc khai thác tư liệu phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu (cấp độ giới thiệu chi tiết với các tài liệu, hình ảnh, clip, các bài nghiên cứu liên quan một cách sâu sắc, phong phú). Đặc biệt với việc cập nhật ứng dụng 3D và đổi mới hình thức giới thiệu mang lại cho công chúng sự tương tác, trải nghiệm khác biệt, mới lạ và sâu sắc hơn.
Đáp ứng nhu cầu của khách tham quan trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19, Câu lạc bộ Tình nguyện viên Bảo tàng Lịch sử quốc gia nghiên cứu xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình tham quan bảo tàng trực tuyến với chủ đề: "Theo dòng lịch sử: Văn hóa Đại Việt thời Lý – Trần" vào ngày 12/9/2021. Chương trình tham quan bảo tàng trực tuyến đã thu hút gần 100 khách tham dự, được phân vào 2 phòng zoom.
Giờ học lịch sử và Câu lạc bộ Em yêu lịch sử là hoạt động giáo dục hiệu quả, thu hút đông đảo học sinh, trẻ em tham gia. Đây là mô hình đã trở thành "thương hiệu" của bảo tàng. Tính đến 30/8/2021, Bảo tàng đã tổ chức được 275 buổi học với 5.360 lượt học sinh tham gia, gồm các đối tượng học sinh lớp 2,3, 4, 5,6 ở Hà Nội và các tỉnh thành: TPHCM, Vũng Tàu, Cà Mau, Sơn La, Nghệ An… (trong đó, có một số em là người Việt đang sinh sống ở nước ngoài).
Theo TS. Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là bước khởi đầu, vừa làm vừa hoàn thiện, bổ sung, cập nhật nội dung, tư liệu phong phú hơn. Bảo tàng đang tiếp tục phối hợp với các chuyên gia, người làm công nghệ, đánh giá nhu cầu của khách tham quan để xây dựng những sản phẩm mới như hệ thống thuyết minh tự động, clip giới thiệu trưng bày... Thông qua đó, mong muốn giới thiệu, phát huy giá trị khối di sản to lớn mà Bảo tàng đang lưu giữ.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”. |
Với việc ra mắt công nghệ tham quan trực tuyến, công chúng có thể thưởng thức các tác phẩm mỹ thuật, tham quan trưng bày của bảo tàng mọi lúc, mọi nơi. Trong những ngày giãn cách như hiện nay, công chúng có thể ngồi tại nhà, sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối internet là có thể tự do khám phá không gian trưng bày thường xuyên của Bảo tàng, chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật và nghe lời giới thiệu chung về các chủ đề trưng bày hoàn toàn miễn phí.
Thảo Linh
Tags