Ngày 5/3, xét xử 9 bị cáo trong vụ vỡ đường ống nước sông Đà

Thứ Hai, 05/02/2018 20:48 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 5/2, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định đưa ra xét xử 9 bị cáo trong vụ vỡ đường ống nước sông Đà vào ngày 5/3 tới. Hội đồng xét xử gồm 3 người, do thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu làm Chủ tọa.

Chín bị cáo trong vụ án này gồm: Hoàng Thế Trung (sinh năm 1960, nguyên Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà – Hà Nội), Nguyễn Văn Khải (sinh năm 1961, nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà – Hà Nội), Trương Trần Hiển (sinh năm 1957, nguyên Trưởng Phòng Vật tư, thiết bị thuộc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà – Hà Nội), Trần Cao Bằng (sinh năm 1954, nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex), Vũ Thanh Hải (sinh năm 1960, nguyên Trưởng Phòng Sản xuất, nguyên Quản đốc phân xưởng, nguyên Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex), Đỗ Đình Trì (sinh năm 1968, nguyên cán bộ Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng; nguyên Trưởng đoàn tư vấn giám sát tại Dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội), Nguyễn Biên Hùng (sinh năm 1950, nguyên cán bộ Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng; nguyên Phó Trưởng đoàn tư vấn giám sát tại Dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội), Hoàng Quốc Thống (sinh năm 1955, nguyên cán bộ Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng; nguyên giám sát viên tại Dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội), Bùi Minh Quân (sinh năm 1972, Phó Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng và Kinh doanh thiết bị thuộc Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng; nguyên giám sát viên tại Dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội) bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về cùng tội “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 229, khoản 2, điểm b – Bộ luật Hình sự năm 1999.

18 lần vỡ ống trong 56 tháng vận hành khai thác

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội do Tổng Công ty Vinaconex làm chủ đầu tư theo hình thức BOO sử dụng vốn tự có, vốn huy động do doanh nghiệp tự thu xếp và vay của các tổ chức tín dụng, được xây dựng từ năm 2004 đến tháng 4/2009 được nghiệm thu đưa vào sử dụng, cho đến nay đã đóng góp một lượng lớn công suất cấp nước cho Thủ đô Hà Nội, hỗ trợ tích cực cho các nhà máy nước ngầm, khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân Thủ đô. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành khai thác, tuyến ống liên tục xảy ra sự cố vỡ ống truyền tải nước. Từ ngày 4/2/2012 đến ngày 2/10/2016, tuyến ống đã 18 lần bị vỡ ống với số lượng 23 cây ống composite cốt sợi thủy tinh bị vỡ, doanh nghiệp khai thác đã phải chi phí 16.618.883.494 đồng để khắc phục. Bên cạnh đó, việc tuyến ống liên tục bị vỡ đã gây hậu quả buộc doanh nghiệp khai thác phải dừng cấp nước sạch sinh hoạt cho nhân dân trong thời gian 386 giờ, lượng nước ngừng cấp là 1.744.904 m3, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 177.000 hộ dân trên địa bàn thành phố Hà Nội, được dư luận xã hội và các phương tiện truyền thông đặc biệt quan tâm.

Kết luận giám định tư pháp ngày 15/4/2015 đã nêu rõ, nguyên nhân gây vỡ đường ống nước là do vi phạm trong quá trình sản xuất ống, quá trình quản lý, giám sát thi công xây dựng tuyến ống truyền tải nước sạch dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội. Trong đó, quá trình sản xuất ống chưa được kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào, ống được sản xuất có chất lượng không đồng đều, chỉ tiêu độ cứng vòng của nhiều mẫu thử không đạt yêu cầu, ngoài ra không thực hiện thử nghiệm độ bền thủy tĩnh dài hạn để làm cơ sở cho việc kiểm tra độ bền dài hạn của tuyến ống sau này. Trong quá trình thi công xây dựng, Ban Quản lý Dự án, nhà thầu giám sát chưa kiểm soát chặt chẽ chất lượng ống trước khi lắp đặt. Khi phát hiện có sản phẩm ống không đảm bảo chất lượng đã không thực hiện kiểm tra lại chất lượng sản phẩm của lô ống tương ứng theo quy định, chưa kiểm soát chặt chẽ việc khắc phục các đoạn ống bị khuyết tật trong quá trình thi công. Việc giám sát thi công xây dựng và nghiệm thu chưa chặt chẽ, không phát hiện ra các tồn tại trong quá trình thi công, lắp đặt tuyến ống.

Đồng thời, Kết luận giám định bổ sung số 107/BXD-GĐ ngày 30/9/2016 của Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cũng đã xác định: Nếu sản xuất ống có chiều dày, các thông số kỹ thuật đúng như thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và quá trình sản xuất, thí nghiệm, kiểm tra, vận chuyển, thi công lắp đặt, giám sát, nghiệm thu, thử nghiệm, vận hành và khai thác sử dụng tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, yêu cầu của thiết kế và các quy định có liên quan không thể gây ra sự cố vỡ đường ống. Đây là trách nhiệm của những cá nhân trong quá trình sản xuất ống, quá trình quản lý, giám sát thi công xây dựng tuyến ống truyền tải nước sạch dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội.

Ký nghiệm thu đường ống không đảm bảo chất lượng

Từ nguyên nhân của việc vỡ đường ống, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã nhận định hành vi vi phạm và trách nhiệm cụ thể của từng bị cáo trong vụ án.

Cụ thể, đối với các bị cáo Hoàng Thế Trung, Nguyễn Văn Khải, Trương Trần Hiển là những người có trách nhiệm tổ chức thực hiện vai trò của chủ đầu tư, đã ký 73 biên bản nghiệm thu cung cấp ống, xác nhận hơn 5.000 sản phẩm ống composite cốt sợi thủy tinh và phụ kiện được tiếp nhận, dùng trong dự án đảm bảo chất lượng với đại diện nhà thầu cung cấp. Trong đó, Viện Kiểm sát xác định, bị cáo Hoàng Thế Trung, Trương Trần Hiển chịu trách nhiệm toàn bộ về hậu quả thiệt hại như đã nêu trên. Bị cáo Nguyễn Văn Khải đã ký xác nhận nghiệm thu chất lượng vật tư thiết bị, nhưng đã có 18 lần bị vỡ ống, 21 cây ống bị vỡ, chi phí sửa chữa 15.685.783.264 đồng, thời gian ngừng cấp là 334 giờ, lượng nước ngừng cấp là 1.408.209 m3.

Các bị cáo Trần Cao Bằng, Vũ Thanh Hải là nhà thầu cung cấp ống composite cốt sợi thủy tinh cho dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội. Bị cáo Trần Cao Bằng, Vũ Thanh Hải đã ký 73 biên bản nghiệm thu cung cấp ống, xác nhận hơn 5.000 sản phẩm ống composite cốt sợi thủy tinh và phụ kiện mà đơn vị này đã sản xuất và cung cấp cho dự án đảm bảo chất lượng với đại diện chủ đầu tư. Kết quả điều tra xác định, trong số ống composite cốt sợi thủy tinh mà Trần Cao Bằng và Vũ Thanh Hải đã ký xác nhận nghiệm thu, công nhận sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất và yêu cầu thiết kế, đã bị 18 lần vỡ ống với 23 cây ống bị vỡ, gây ra hậu quả thiệt hại, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Với vai trò là Trưởng đoàn giám sát, bị cáo Đỗ Đình Trì cùng với các Giám sát viên giám sát thi công xây dựng, lắp đặt tuyến ống truyền tải nước sạch dự án đã lý các biên bản nghiệm thu lắp đặt ống và phụ kiện, các biên bản nghiệm thu khối lượng xây lắp hoàn thành để xác nhận khối lượng thi công, chất lượng vật liệu ống composite cốt sợi thủy tinh đã sử dụng lắp đặt, chất lượng bộ phận, hạng mục công trình xây dựng đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất và yêu cầu thiết kế dự án. Kết quả điều tra đã xác định trong số ống composite cốt sợi thủy tinh và phụ kiện mà Đỗ Đình Trì cùng các đối tượng ở Đoàn tư vấn giám sát đã cho thi công lắp đặt, ký xác nhận nghiệm thu chất lượng, đã bị 18 lần vỡ ống với tổng số 23 cây ống bị vỡ.

Hủy bỏ quyết định khởi tố 7 bị can do không đủ căn cứ

Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố 7 bị can về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” đối với các thành viên Hội đồng Quản trị Vinaconex (giai đoạn năm 2003-2004), gồm các ông: Phí Thái Bình (Chủ tịch Hội đồng Quản trị), Nguyễn Văn Tuân (Ủy viên Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc), Hoàng Hợp Thương, Vũ Đình Chầm, Tô Ngọc Thành (Ủy viên Hội đồng Quản trị) và hai người có trách nhiệm tham mưu, đề xuất là Lại Văn Bích (Giám đốc Ban quản lý Dự án), Nguyễn Đức Lưu (Trưởng Phòng Đầu tư Tổng Công ty Vinaconex) về hành vi đề xuất, quyết định cho thay đổi vật liệu ống từ ống gang dẻo sang ống composite cốt sợi thủy tinh khi chưa lập, thẩm định hiệu quả của việc thay đổi và giao cho Công ty Cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex sản xuất, cung cấp ống cho dự án, khi đơn vị này mới được thành lập, chưa đủ năng lực thực hiện.

Sau khi nhận được đề nghị phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can nêu trên, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã yêu cầu Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an) thu thập tài liệu chứng cứ để làm rõ căn cứ khởi tố bị can. Quá trình điều tra điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra đã yêu cầu cơ quan chuyên môn làm rõ: Hội đồng Quản trị Vinaconex có vi phạm gì trong việc thay đổi vật liệu tuyến ống từ ống gang dẻo sang ống composite cốt sợi thủy tinh và việc thay đổi này có phải là một trong những nguyên nhân gây ra sự cố vỡ ống khi vận hành trong thời gian vừa qua không?

Kết luận giám định bổ sung số 107/BXD-GĐ của Bộ Xây dựng ngày 30/9/2016 đã kết luận: “Nếu ống sản xuất có chiều dày, các thông số kỹ thuật đúng như thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và quá trình sản xuất, thí nghiệm, kiểm tra, vận chuyển, thi công lắp đặt, giám sát, nghiệm thu, thử nghiệm, vận hành và khai thác sử dụng tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, yêu cầu của thiết kế và các quy định có liên quan thì không thể gây ra sự cố vỡ đường ống”. Thực tế hiện nay, nhiều công trình ở trong nước sử dụng ống composite cốt sợi thủy tinh để chuyển dẫn nước, Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex (Viwasupco) cũng vẫn sử dụng loại ống composite cốt sợi thủy tinh để thay thế các ống bị vỡ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Do đó, việc thay đổi vật liệu từ ống gang dẻo sang ống composite cốt sợi thủy tinh cho tuyến ống truyền tải nước sạch của Dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội không phải là nguyên nhân gây ra vỡ tuyến ống truyền tải nước.

Thêm vào đó, Cơ quan tố tụng xác định: Việc Hội đồng quản trị Vinaconex chỉ định Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex là nhà thầu cung cấp ống composite cốt sợi thủy tinh và phụ kiện cho dự án là đúng thẩm quyền, phù hợp với tổ chức hoạt động của doanh nghiệp, phù hợp với hình thức đầu tư dự án.

Dựa trên những cơ sở này, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao kết luận: Tài liệu điều tra đến nay chưa có căn cứ để xác định hành vi đề xuất, quyết định thay đổi vật liệu ống từ ống gang dẻo sang ống composite cốt sợi thủy tinh và giao cho Công ty Cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex sản xuất, cung cấp ống cho dự án của các ông: Phí Thái Bình, Nguyễn Văn Tuân, Hoàng Hợp Thương, Vũ Đình Chầm, Tô Ngọc Thành, Lại Văn Bích, Nguyễn Đức Lưu là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vỡ đường ống truyền tải nước sạch của Dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội. Hành vi của những người này không đồng phạm với các bị can đã khởi tố, nên không đủ yếu tố cấu thành tội “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Vì vậy, ngày 14/12/2017, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can đối với các ông: Phí Thái Bình, Nguyễn Văn Tuân, Hoàng Hợp Thương, Vũ Đình Chầm, Tô Ngọc Thành, Lại Văn Bích và Nguyễn Đức Lưu.

TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›