Ngày hội Biếm họa: Dấu ấn của 'vua lễ hội' Văn Tòng

Thứ Bảy, 05/04/2014 08:54 GMT+7

Google News


(Thethaovanhoa.vn) - 14h 30 ngày mai, Chủ nhật 6/4, Ngày hội Biếm họa đầu tiên sẽ khai mạc tại Cụm không gian nghệ thuật đương đại ứng dụng (3A Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM). Công tác chuẩn bị đang được BTC gấp rút hoàn tất những khâu cuối cùng và hứa hẹn sẽ có nhiều điều thú vị để những người quan tâm đến sự kiện này chờ đợi.

Cụm không gian nghệ thuật đương đại ứng dụng 3A, nơi sẽ trở thành một địa chỉ cho những người yêu nghệ thuật ở TP.HCM trong một tương lai gần là một lựa chọn phù hợp với khuôn khổ một ngày hội biếm họa đúng nghĩa.

Những không gian sôi động

Phòng trưng bày tranh rộng gần 200m2 của Mai Gallery sẽ là nơi để triển lãm 140 bức biếm họa tham gia giải Biếm họa báo chí Việt Nam lần IV - Cúp Rồng tre. Đây cũng sẽ là nơi diễn ra cuộc tọa đàm về biếm họa với sự chủ trì của họa sĩ biếm Nhốp và diễn giả Lý Trực Dũng, một chuyên gia trong lĩnh vực biếm họa.


Tranh vào vòng chung kết của tác giả Bùi Thanh Tâm

Khuôn viên của Cụm không gian nghệ thuật đương đại ứng dụng 3A có những “góc phố” khá thích hợp cho những môn nghệ thuật mang tính đường phố. Và với bàn tay thiết kế của “ông vua lễ hội” Văn Tòng, khuôn viên này sẽ được chia thành nhiều không gian khác nhau cho những hoạt động của ngày hội. Một góc phố dành cho nghệ thuật graffiti với nhóm họa sĩ Lê Hào; một sân khấu cho nghệ sĩ guitar Nguyễn Nho Trường Sa và ban nhạc của anh; một góc phố khác để các họa sĩ biếm trổ bút vẽ chân dung và tặng khách tham gia. Đây cũng là nơi để các “biếm sĩ” quần chúng thi Vẽ cho nhau nhằm giành những phần thưởng hấp dẫn từ BTC. Giám khảo của cuộc thi Vẽ cho nhau chính là nhà báo Lê Văn Nghĩa - thư ký tòa soạn Báo Tuổi Trẻ Cười và nhà thơ Lê Minh Quốc.

Kịch bản “non-stop”

Sài Gòn đang nóng, có lúc nhiệt độ ngoài trời xấp xỉ 40oC. Thực hiện một ngày hội biếm họa kéo dài từ 14h30 đến 20h trong thời tiết như vậy là một thách thức với BTC. Tuy nhiên, những ý tưởng táo bạo và niềm hy vọng sẽ đặt biếm họa đúng vị trí mà nó cần có, đồng thời đưa biếm họa đến gần với công chúng đã giúp những người thực hiện mạnh dạn, tự tin hơn.

Một kịch bản “non-stop” được xây dựng để khách tham dự không thể ngừng nghỉ với những hoạt động diễn ra trong ngày hội.

15h sẽ diễn ra lễ khai mạc ngày hội, ngay sau đó là hội thảo về biếm họa và triển lãm tranh biếm tại phòng tranh.

Cùng thời gian này, ở khuôn viên liên tục diễn ra các hoạt động khác để khách tham dự có thể lựa chọn, thưởng thức. Muốn hòa mình vào không khí sôi động, đường phố, khách có thể xem nhóm họa sĩ Lê Hào biểu diễn vẽ graffiti; thích trở thành chủ thể của các bức biếm hoặc tác giả một vài bức tranh biếm, bạn hãy vào không gian dành cho hội họa với bút, mực, giấy có sẵn. Hoạt động vẽ, thi và chấm giải diễn ra từ 15h20 đến 17h20 và chỉ 10 phút sau (17h30), kết quả cuộc thi sẽ được công bố.

Ngay sau đó, từ 17h40 đến 17h55 là màn trình diễn của nghệ sĩ guitar trẻ Nguyễn Nho Trường Sa và ban nhạc của anh. Kết thúc ngày hội chính là phần được chờ đợi nhất: Lễ trao giải Biếm họa báo chí Việt Nam lần IV - Cúp Rồng tre. Những họa sĩ biếm nào sẽ được gọi tên - ẩn số đang ở phía trước.

'Người khổng lồ' trong lễ hội 'bé nhỏ'

Đó là một mô tả xác đáng về người thiết kế không gian cho Ngày hội Biếm họa: họa sĩ Văn Tòng. Ông được xem là “ông vua lễ hội” khi đã thực hiện những lễ hội lớn như: Sài Gòn 300 năm, Festival Huế, Ngàn năm Thăng Long…, thực hiện đường hoa Nguyễn Huệ (TP.HCM)…


Ngày hội Biếm họa là lễ hội nhỏ nhất trong đời họa sĩ Văn Tòng cho đến nay và ông cũng chỉ đảm nhận thiết kế - thi công sân khấu. Tuy vậy, ông rất hào hứng và làm vô điều kiện, không quan tâm đến thù lao! Bởi ông thích sự trong sáng, chân chất và tính phê phán của biếm họa và vui mừng khi được góp công vào một sự kiện dù khiêm tốn nhưng có ý nghĩa xã hội lớn.

Dương Vân Anh
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›