(Thethaovanhoa.vn) - Cho đến lúc này, có lẽ không nhiều người hâm mộ còn nhớ “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030” được Chính phủ thông qua từ năm 2013. Theo chiến lược này, đến năm 2020, bóng đá Việt Nam phải giành ít nhất 1 chiếc HCV SEA Games và vô địch Đông Nam Á (AFF Cup) 1-2 lần nữa; ổn định trong Top 15 đội tuyển hàng đầu châu lục, đủ năng lực cạnh tranh suất dự FIFA World Cup 2030...
Ngoại trừ chỉ tiêu World Cup 2030 vẫn còn trong thì tương lai, đến thời điểm này, phần lớn các hạng mục đề ra đều đã hoàn thành trước thời hạn. Cụ thể, nền bóng đá vừa giành cú đúp danh hiệu Đông Nam Á là AFF Cup 2018 và SEA Games 30. ĐTQG cũng vừa "bay" vào Top 15 châu Á trên bảng xếp hạng FIFA tháng 12/2019, sau những thành tích ấn tượng tại AFC Asian Cup 2019 và Vòng loại FIFA World Cup 2022.
Đấy là chưa kể các cột mốc khác ở VCK U23 châu Á 2018, ASIAD 2018, thậm chí năm 2017, bóng đá Việt Nam lần đầu đến FIFA U20 World Cup.
Trên một số báo của Thể thao & Văn hoá cách đây hơn 2 năm, thời điểm chúng ta mới ký hợp đồng với HLV Park Hang Seo (2 năm và có điều khoản gia hạn), chúng tôi đã khẳng định, nền bóng đá rất khó để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, với chỉ những bản hợp đồng thời vụ - ngắn hạn với HLV trưởng các ĐTQG, cùng một hệ thống đào tạo trẻ nhỏ lẻ, chiến lược nâng cấp các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia thiếu đồng bộ...
Thậm chí, sau khi đã đem về rất nhiều thành tựu cho nền bóng đá chỉ trong một thời gian ngắn, HLV Park Hang Seo vẫn khẳng định, để hoàn thành giấc mơ World Cup cần thêm rất nhiều thời gian nữa, với sự hỗ trợ của Chính phủ, cũng như nguồn nhân lực, tài lực và khí lực. Bởi - Hiền tài là nguyên khí quốc gia!
Thông qua 2 giải đấu cụ thể của ĐTQG ở cấp độ châu lục, chúng ta từng hơn một lần lọt vào Top 8 đội mạnh nhất (tứ kết), song rõ ràng thành tích ngắt quãng hơn một thập niên này không ổn định. Thậm chí, ngay cả khi lần đầu tiên bay vào 15 đội tuyển hàng đầu châu Á, thì thứ hạng này cũng có thể bị vuột bất cứ lúc nào, nếu đội tuyển Việt Nam không thi đấu hoặc không thuận theo múi giờ FIFA, gọi là “FIFA Day”.
Sự ổn định về phong độ, thông qua biểu đồ thành tích tốt tại các giải đấu chính thức, là điều rất khó đảm bảo với một nền bóng đá nhỏ, vốn luôn phải gồng lên mà chơi. Ít nhất 2 năm qua, HLV Park Hang Seo và thế hệ cầu thủ tài năng bậc nhất trong lịch sử nền bóng đá, đã đảm bảo được tiêu chí thành tích, cũng như sự ổn định về mặt lối chơi. Sự thật là chúng ta rất khó bị đánh bại.
Nhưng, tương lai là 10 năm nữa, thì cũng chưa có gì là đảm bảo. Những thách thức đặt ra khi một số lò đào tạo hay Học viện bóng đá đã và đang bắt đầu biểu hiện chững lại, không mạnh dạn đầu tư nữa. Những hy vọng lúc này đặt lên bóng đá học đường, phong trào và các lớp bóng đá cộng đồng từ nguồn lực xã hội hoá.
Để nâng cấp, tiến tới phát triển một cách đồng bộ nền bóng đá (ĐTQG chỉ là đầu ra, là đỉnh chóp kim tự tháp), cần rất nhiều yếu tố và quan trọng, đòi hỏi phải hành động. Việc đội vô địch V-League 2019 là CLB Hà Nội không được dự giải châu Á, là điều bất thường, hệt như trường hợp của Quảng Nam năm 2017. Tức là 3 năm qua, V-League vẫn giậm chân tại chỗ, không có sự cải thiện đáng kể nào, ít nhất về tiêu chuẩn chuyên nghiệp, vẫn vừa chạy vừa xếp hàng, thì không thể nói là đã tự cường được, đặng có thể cạnh tranh với các giải đấu hàng đầu châu lục khác.
HLV Park Hang Seo và đội tuyển U23 Việt Nam đã chọn ngày đầu năm 2020 để xuất quân đi Thái Lan, chinh phục giải đấu mà chúng ta đã từng vào đến trận cuối cùng cách đây 2 năm. VCK U23 châu Á 2020 còn có thể đưa bóng đá Việt Nam tiệm cận Olympic Tokyo 2020, hệt như cách đây hơn 10 năm, với chiến dịch vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008 và Olympic Việt Nam đã đi đến vòng đấu loại cuối cùng.
Khó nhưng không phải không thể, tiến lên nào các chàng trai của ông Park - những người tiên phong, dẫn lái cho cả nền bóng đá. Tiến lên để lịch sử là ở phía trước, chứ không phải sau lưng.
Tuỳ Phong
Tags