17/8/2008 là một ngày đặc biệt trong sự nghiệp Rafael Nadal. Anh đã mang về cho đoàn Tây Ban Nha tấm huy chương vàng Olympic đầu tiên trong lịch sử ở môn quần vợt.
Huy chương vàng đơn Olympic có lẽ còn khó giành được hơn cả Grand Slam, không chỉ vì Thế vận hội 4 năm mới có một lần. Thực tế có vô số huyền thoại trong quá khứ đều chưa từng giành được vinh dự này. Chẳng hạn như Stefan Edberg, Boris Becker, Goran Ivanisevic, Pete Sampras, Roger Federer, và cả Novak Djokovic nữa.
Năm 2008 đáng nhớ của Nadal
Nadal lẽ ra có thể tham dự Olympic từ Athens 2004, nhưng rồi một vết rạn ở bàn chân trái vào cuối tháng Tư đã khiến tài năng trẻ này phải nghỉ 8 tuần, và lỡ hẹn với kỳ Thế vận hội này. Bốn năm sau, Nadal đã là một tay vợt lớn. Anh đã vô địch 5 Grand Slam (4 chức vô địch Roland Garros liên tiếp), và đến Bắc Kinh sau khi vừa đánh bại Roger Federer 6-4, 6-4, 6-7 (5), 6-7 (8), 9-7 trong trận chung kết Wimbledon vô cùng kịch tính kéo dài đến 4 giờ 48 phút.
Chức vô địch Wimbledon 2008 là chỉ dấu cho thấy Rafa Nadal không chỉ mạnh trên mặt sân đất nện mà còn có thể đăng quang ở các giải lớn trên mặt sân khác. Anh đã chấm dứt chuỗi 5 chức vô địch Wimbledon cũng như chuỗi 65 trận thắng sân cỏ liên tiếp của Federer. Sau Wimbledon, Nadal vô địch tiếp Rogers Cup, vào bán kết Cincinnati để đoạt US Open Series. Và đó là một cú hích to lớn khi anh đến Bắc Kinh, tranh tài ở Thế vận hội 2008 trên mặt sân cứng.
Ở Bắc Kinh, Nadal là hạt giống số 2 của giải (sau Federer). Anh đã khởi đầu khá nhọc nhằn khi phải mất 3 set đấu mới vượt qua được Potito Starace với tỷ số 6-2, 3-6, 6-2, nhưng sau đó là những màn dạo chơi trước Lleyton Hewitt (6-1, 6-2), Igor Andreev (6-4, 6-2), và Jurgen Melzer 6-0, 6-4. Tại bán kết, Nadal đã đánh bại Novak Djokovic – người khi ấy là ĐKVĐ Australian Open và trước đó vừa loại anh ở Cincinnati - với tỷ số 6-4, 1-6, 6-4.
Chiến thắng trước Djokovic đã giúp Nadal tiến vào trận chung kết – gặp Fernando Gonzalez – với trạng thái tự tin hơn bao giờ hết. Và ngày 17/8/2008, chiến thắng 6-3, 7-6 (2), 6-3 trước tay vợt người Chile đã giúp Nadal giành tấm HCV đơn nam cực kỳ thuyết phục. Đây cũng là lần đầu tiên quần vợt Tây Ban Nha giành huy chương vàng Olympic. Chiến thắng của Nadal cũng phá bỏ một tiền lệ: chưa có tay vợt Top 5 thế giới nào giành HCV Olympic cả. Đó cũng là danh hiệu thứ 8 trong năm của Nadal.
Và chỉ một ngày sau, Nadal đã chính thức phế truất sự trị vì kéo dài 4 năm rưỡi của Federer để leo lên ngôi số một thế giới.
Danh hiệu mà cả Federer và Djokovic khao khát
Như đã nói ở trên, tấm huy chương vàng Olympic là danh hiệu mà không phải tay vợt lớn nào cũng có được. Thậm chí, trong số 9 kỳ đại hội ở kỷ nguyên Mở mà môn quần vợt được đưa vào thi đấu, chỉ có 4 tay vợt nam từng đoạt Grand Slam giành được huy chương vàng. Đó là Andre Agassi (1996), Yevgheny Kafelnikov (2000), Rafael Nadal (2008) và Andy Murray (2012, 2016).
Federer từng giành huy chương vàng Olympic, nhưng là ở nội dung đôi nam (2008, đánh cặp với Stan Wawrinka), còn ở những lần khác, anh đều không thể giành huy chương, dù là huy chương đồng. Năm 2000, Federer thua Tommy Haas 3-6, 2-6 ở bán kết. Bốn năm sau, dù là hạt giống số một, nhưng Federer thua ngược Tomas Berdych 6-4, 5-7, 5-7 ở vòng 2. Tại Bắc Kinh 2008, Federer thua James Blake 4-6, 6-7 (2) ở tứ kết. Giải đấu mà Federer tiến sâu nhất là Olympic London 2012, nhưng anh lại thua nhanh Andy Murray với tỷ số 2-6, 1-6, 4-6 ở chung kết. Ở hai kỳ TVH sau đó, Federer không tham dự.
Djokovic cũng thèm khát HCV Thế vận hội không thua gì Federer. Như đã nói, anh bị Nadal loại ở bán kết Bắc Kinh 2008 và sau đó chỉ giành được tấm HCĐ an ủi. Bốn năm sau, Djokovic cũng lọt vào bán kết, nhưng rồi anh lại thua Andy Murray ở bán kết và thua nốt Del Potro ở trận tranh huy chương đồng. Olympic 2016 là giải đấu mà có lẽ Djokovic cảm thấy… cay nhất. Anh đến Rio khi đã vô địch cả 3 Grand Slam trong năm là Australian Open, Roland Garros, Wimbledon, và rất nhiều người đã nhắc đến kỳ tích Golden Slam. Nhưng rốt cục, anh bị Del Potro (lại là Del Potro) loại từ vòng 1. Sau đó, mục tiêu Calendar Slam của Nole cũng tan thành mây khói khi anh thua Stan Wawrinka ở chung kết US Open.
Cũng trong năm 2016 ấy, Nadal giành tiếp một HCV Olympic nữa khi cùng với đồng hương Marc Lopez vô địch đôi nam ở Rio 2016. Và anh chính là tay vợt nam duy nhất trong lịch sử đoạt HCV ở cả nội dung đơn và đôi ở Thế vận hội. Đó sẽ là một kỷ lục rất khó bị vượt qua.
Tags