Tại Nghệ An, hàng nghìn giáo viên miền xuôi tự nguyện lên miền núi dạy học. Nhiều người chấp nhận xa gia đình, xa con, gửi gắm “tình riêng” để ở lại cắm bản.
Dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, với lòng nhiệt huyết và tình yêu thương, các thầy, cô nơi đây vẫn ngày đêm miệt mài đem những "con chữ" đến với học sinh dân tộc thiểu số.
Miệt mài “gieo chữ”
Tròn 20 năm trước, cô giáo Nguyễn Thị Hải và chồng là thầy giáo Nguyễn Trọng Toàn lên Kỳ Sơn dạy học, được biên chế về Trường Tiểu học và Mầm non Đọoc Mạy - một trong những trường xa xôi và khó khăn nhất của huyện (cách thành phố Vinh hơn 400 km). Sau khi lập gia đình, sinh con, vì điều kiện thời tiết vùng cao khắc nghiệt, vợ chồng anh chỉ sống cùng con gái đầu hai năm, sau đó cháu được gửi về quê nhờ em gái chăm sóc. Cuộc sống xa con vất vả, khi cháu đầu được 11 tuổi, anh chị mới quyết định sinh con thứ 2. Lần này, thương con, không muốn con phải xa mẹ, hai vợ chồng thuê một căn phòng nhỏ gần trường sinh sống.
Cuối tháng 11 năm ngoái, thầy Toàn được chuyển về xuôi nhưng vợ và con trai vẫn phải ở lại Đọoc Mạy. Dù đã chuyển về quê nhà Thanh Chương dạy học nhưng thầy Toàn lại được phân dạy ở Trường Tiểu học Thanh Xuân, cách nhà 40 km. Vì thế, thầy phải ở tại trường, cuối tuần về thăm con gái. Vậy là, gia đình 4 người ở 3 nơi. Cuộc sống, đi lại rất vất vả. Cô giáo Nguyễn Thị Hải chia sẻ, xa chồng, xa con, cô đã dồn hết tình yêu thương cho học trò và bù đắp lại chính là sự kiên trì học tập, chăm ngoan của các em.
Cô giáo Phan Thị Huyền, Trường Trung học Cơ sở Trà Lân (huyện Con Cuông) công tác ở vùng cao đã 35 năm. Nhớ lại những ngày mới lên xã Lục Dạ, cô Huyền cho biết, việc dạy học ở nơi “rừng sâu nước độc” khác nhiều so với hình dung của một nữ sinh trường sư phạm vốn sinh ra ở vùng thuận lợi. Ngày ấy, trường nơi cô dạy chỉ là tranh tre nứa lá. Mỗi lớp học chỉ có 2 - 3 học sinh đều là người dân tộc thiểu số. Để học sinh đi học, các giáo viên phải vào từng bản vận động các em đến trường…
Cô giáo Phan Thị Huyền chia sẻ, lên vùng cao công tác, gắn bó với bà con dân bản, với phụ huynh, chính quyền sở tại, cô nhận thấy sự thay đổi tích cực của vùng đất này. Rõ rệt nhất chính là sự thay đổi trong nhận thức về sự học và quan tâm đến công tác giáo dục. Con Cuông hiện nay là một trong những điểm sáng về giáo dục vùng cao; nhiều năm liên tục nằm trong top 3 cả tỉnh về cả thành tích mũi nhọn và chất lượng đại trà. Có được thành công này một phần không nhỏ nhờ vào những giáo viên “ngược núi” lên dạy học như cô.
Các trường ở các huyện miền núi cao của Nghệ An như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp… đều có một dãy nhà công vụ dành cho giáo viên miền xuôi lên vùng cao dạy học.
Tạo cơ chế đặc thù cho giáo viên vùng cao
Ông Phan Văn Thiết, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho biết, trong điều kiện hiện nay, việc có chính sách riêng cho giáo viên lên tăng cường vùng cao là điều ngoài quy định. Tuy nhiên, địa phương luôn cố gắng để tạo điều kiện tốt nhất cho các thầy, cô giáo phát triển chuyên môn, cải thiện đời sống như: thuyên chuyển các giáo viên về vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn để tăng thêm tiền lương, tiền hỗ trợ vùng đặc thù. Những giáo viên có năng lực, chuyên môn được cử tham gia các kỳ thi giáo viên dạy giỏi, được bổ sung vào lực lượng cốt cán. Hiện tại, trong số 82 trường học trên toàn huyện có khoảng 65% trường có giáo viên vùng xuôi lên tăng cường đang là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.
Để các giáo viên lên vùng cao yên tâm công tác, các địa phương luôn quan tâm, thực hiện đúng, đủ các chế độ chính sách, ưu tiên tuyển dụng vào viên chức, tạo cơ hội cho các giáo viên đi học, nâng cao trình độ, tham gia các kỳ thi giáo viên dạy giỏi tỉnh. Hiện nay, hầu hết các trường học có giáo viên vùng cao lên công tác đều có nhà công vụ. Những giáo viên có gia đình riêng, khi cắm bản ở vùng sâu, vùng xa được chính quyền địa phương tạo điều kiện mượn đất dựng nhà, sớm ổn định cuộc sống. Nhiều năm liên tục, ngành Giáo dục Nghệ An đều tôn vinh các giáo viên cắm bản và nhiều giáo viên được nhận danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc. Trong danh sách Nhà giáo Ưu tú, giáo viên được trao thưởng “Quỹ phát triển tài năng” có nhiều thầy, cô đến từ các huyện vùng cao.
Hiện tỉnh đang xây dựng đề án Phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu chính là tập trung nguồn lực, tạo đột phá, hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền. Với giáo viên, ngoài việc duy trì chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các chính sách đối với người dạy, người học xóa mù chữ, tỉnh tiếp tục nghiên cứu, rà soát, tham mưu đề xuất các chính sách đặc thù để thu hút giáo viên giỏi yên tâm ở lại công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đề xuất, hiện Quốc hội đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Vì vậy, địa phương mong rằng, từ đề án này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Chính phủ có những chính sách phù hợp với từng tỉnh, thành phố, từng vùng, miền nhằm góp phần phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nâng cao đời sống của các giáo viên vùng cao. Về chế độ tiền lương, Chính phủ nên đưa ra cơ chế mở để các địa phương xây dựng cơ chế đặc thù, phù hợp nhằm hỗ trợ cuộc sống, xây nhà công vụ, hỗ trợ về đất đai cho giáo viên an tâm công tác ở miền núi.
Tags