Gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024 nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng đất nước giàu mạnh và thịnh vượng, giáo dục tiếp tục là quốc sách hàng đầu và nhà giáo có vai trò quyết định đối với sự nghiệp giáo dục.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (năm 1930) đến Đại hội XIV của Đảng, dân tộc ta trải qua bốn kỷ nguyên: Năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đưa tên nước Việt Nam xuất hiện trên bản đồ thế giới; Năm 1975 - Đất nước bước vào kỷ nguyên của độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc; Năm 1986 - Kỷ nguyên của đổi mới và hội nhập quốc tế; Đại hội XIV của Đảng (dự kiến vào tháng 1/2026) được xác định là thời điểm bắt đầu kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cả đất nước nỗ lực tư duy và hành động vì mục tiêu phát triển, bứt phá và cất cánh.
Kỷ nguyên thứ tư - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa với dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Theo Tổng Bí thứ Tô Lâm, đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dâu giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược - đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.
Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc diễn ra đồng thời với kỷ nguyên số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trong 7 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, đồng chí Tổng Bí thư nhắc tới vấn đề nhân lực (cán bộ), bên cạnh việc cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; tinh gọn tổ chức bộ máy; chống lãng phí…
Nói cách khác, kỷ nguyên mới đòi hỏi phải có đội ngũ nhân lực thích ứng.
Trong cuộc gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra một số tiêu chí cụ thể. Theo đó, ngành giáo dục của nước nhà phải đổi mới căn bản và toàn diện hơn nữa, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.
Theo ý kiến của các chuyên gia về giáo dục, kỷ nguyên mới đặt ra nhiều thách thức đối với ngành giáo dục của Việt Nam vì hiện tại chúng ta đang nặng về việc truyền tải kiến thức, chưa hướng đến sự phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ giáo viên không đồng đều, hệ thống cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế.
Để chuẩn bị cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thì chúng ta phải cải thiện nguồn vốn con người để có thể đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng trong môi trường lao động mới.
Trong thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mô hình học tập và các phương pháp giáo dục truyền thống sẽ phải thay đổi mạnh mẽ bởi có sự phân hóa rất rõ nét ở đối tượng học tập. Các phần mềm được đưa vào sử dụng có khả năng thích nghi với năng lực của mỗi học sinh và cho phép các em theo học với tốc độ phù hợp với nhu cầu của bản thân.
Việc tiếp cận thông tin trở nên dễ dàng nên các nhà giáo dục sẽ phải quan tâm nhiều hơn đến việc dạy học sinh cách tự học chứ không chỉ đơn thuần chuyển tải kiến thức. Đó là dạy cho học sinh cách tư duy, cách đánh giá các tình huống để hình thành năng lực giải quyết vấn đề.
Trong kỷ nguyên mới của dân tộc, hệ thống giáo dục phải tập trung vào việc phát triển phẩm chất và năng lực của người học thông qua việc định hướng các con đường phù hợp nhất cho các nhóm học sinh, sinh viên khác nhau để giúp họ phát huy được tiềm năng của mỗi cá nhân. Điều này cần được áp dụng ở tất cả các cấp học, các trình độ đào tạo.
Trong thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì điều hiển nhiên là chúng ta phải áp dụng Công nghệ 4.0 trong giáo dục. Người học được giáo dục kiến thức và kỹ năng liên ngành, nhất là các kỹ năng quản trị và kỹ năng điều khiển máy móc.
Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và cũng là kỷ nguyên số thì vai trò và nhận thức của giáo viên trong việc giảng dạy có sự thay đổi lớn so với quan niệm truyền thống. Giáo viên không chỉ đơn thuần là người truyền tải tri thức mà còn phải là người có đủ kiến thức, kỹ năng chuyên môn, phải chịu khó tìm tòi và sáng tạo những phương pháp học tập mới, hiệu quả.
Các trường đại học, các cơ sở đào tạo nghề phải thay đổi phương pháp giảng dạy cũng như cách đánh giá chất lượng học sinh, sinh viên theo những tiêu chuẩn có thể đáp ứng điều kiện của thị trường lao động mới.
"Trồng người" cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là một trọng trách lớn và điều này không hề dễ dàng. Bởi vậy, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục với phương châm "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể - thầy cô giáo là động lực - nhà trường làm bệ đỡ - gia đình là điểm tựa - xã hội là nền tảng".
Tags