(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta đang có một ngày Quốc khánh 2/9 rất đặc biệt so với thông lệ. Để so sánh, chỉ cần nhìn lại năm ngoái. Rơi vào đầu tuần, ngày Quốc khánh của năm 2019 gắn liền với kỳ nghỉ kéo dài 3 ngày với mọi công dân - để rồi chúng ta được chứng kiến những dòng người ùn ùn kéo khỏi đô thị tới các điểm nghỉ dưỡng trong ngày lễ.
Còn năm nay, “Tết Độc lập” của mọi người chỉ có 1 ngày. Đặc biệt, ngày lễ diễn ra vào giai đoạn dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nên tất nhiên, các điểm du lịch cũng sẽ vắng hẳn đi.
Có thể, với nhiều bạn trẻ, kỳ nghỉ lễ năm nay hơi trầm lắng, khi mà bấy lâu nay, thói quen đi chơi vào dịp 2/9 đã được duy trì đều đặn. Nhưng riêng với tôi, một ngày Độc lập tưởng như trầm lắng như vậy lại có những giá trị riêng, theo chiều sâu của nó.
Bởi, ngồi nhà thay vì đi du lịch, chúng ta đang có cơ hội thảnh thơi và nghĩ về Tết Độc lập ở “tuổi 75”. Giống như điều mà nhiều nhà sử học từng khẳng định: Ở quốc gia nào cũng vậy, cảm xúc đầu tiên trong ngày Quốc khánh phải là việc nhìn lại chặng đường đã qua, cũng như những dấu ấn mà lịch sử lưu lại cho hiện tại.
Giữa muôn ngàn câu chuyện, tôi vẫn thú vị với lời nhận xét của nhà sử học Dương Trung Quốc. Rằng, khi nói về ngày Quốc khánh mùa Thu Cách mạng tháng Tám khi xưa, chúng ta hãy có một chút liên tưởng tới mùa Thu của... hôm nay với bối cảnh "chống dịch như chống giặc".
Chẳng cần kể nhiều, ai cũng hiểu: 75 năm trước, trong một thời khắc đặc biệt của lịch sử, người Việt đã phát huy sức mạnh đoàn kết của cả một cộng đồng để nắm bắt cơ hội và vượt qua mọi chướng ngại. Ở thời điểm ấy, bất kể già trẻ trai gái, bất kể mọi thành phần hay tầng lớp trong xã hội, cả dân tộc Việt đã sát cánh cạnh nhau để hướng về một mục tiêu rất rõ ràng: Giành độc lập dân tộc và làm chủ vận mệnh của mình.
Còn bây giờ, đại dịch Covid-19 đang đặt ra những thử thách rất lớn cho cả nhân loại. Những gì diễn ra khiến người ta nghĩ tới lời khẳng định của cựu ngoại trưởng Mỹ Kissinger, rằng đại dịch này sẽ thay đổi mãi mãi trật tự thế giới và tạo ra một thời kỳ “hậu Covid” so với trước đây. Có nghĩa, các quốc gia phải lựa chọn cách đấu tranh, cũng như học cách sống mới để thích ứng với một giai đoạn mới.
Nhìn lại những gì đã diễn ra từ đầu năm 2020 này, không thể phủ nhận: Người Việt cũng đã dốc hết sức mình cho trận chiến chống dịch Covid-19, với những thành tích - và phần nào là kỳ tích - rất đặc biệt. Đó chính là nỗ lực và cũng là truyền thống, ở một quốc gia còn nhiều hạn chế về kinh tế và công nghệ nhưng lại luôn biết phát huy sức mạnh từ lòng dân và sự đoàn kết để vượt qua thử thách.
Và khi lịch sử luôn là một chặng đường dài của những cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ với tự nhiên cũng như các thế lực xã hội khác, chẳng lạ nếu người Việt Nam luôn biết cách chứng tỏ những phẩm chất đặc biệt của mình ở những thời điểm đặc thù. 75 năm theo dòng thời gian, chúng ta vẫn giữ nguyên truyền thống ấy...
Sơn Tùng
Tags