Nhiều bảo tàng ở Việt Nam hiện không chỉ đơn thuần là nơi diễn ra trưng bày, triển lãm theo kỳ/cuộc mà hướng tới cung cấp trải nghiệm toàn diện cho du khách từ không gian thực cho đến không gian “ảo”.
Nơi đây đang dần trở thành không gian quan trọng, nơi giáo dục và nghiên cứu gặp nhau để hình thành hiểu biết của cộng đồng, từ nghệ thuật và lịch sử đến khoa học và công nghệ.
Sáng tạo không ngừng từ bảo tàng
Cuối tháng 4/2024, hòa cùng không khí cùng cả nước hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức chương trình Khi âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật miễn phí cho du khách.
Trong không gian trưng bày hội họa, điêu khắc về Chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng, đông đảo công chúng được thưởng thức nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng của Việt Nam như Tiến quân ca, Làng tôi, Lên đàng, Nhạc rừng, Đất nước trọn niềm vui, Cô gái mở đường, Tự nguyện…cho đến nhiều nhạc phẩm quốc tế nổi tiếng khác.
Trước đó, vào tháng 3/2024 tại Bảo tàng cũng diễn ra hòa nhạc ngoài trời “Giai điệu mùa xuân” hút đông đảo công chúng tới thưởng thức, trải nghiệm âm nhạc đích thực.
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Anh Minh chia sẻ, từ năm 2022, Bảo tàng phối hợp với các đơn vị, nghệ sỹ thực hiện chương trình âm nhạc nhằm tri ân công chúng yêu nghệ thuật, trong đó có mỹ thuật. Các buổi diễn đã góp phần tích cực tạo nên không gian nghệ thuật sâu lắng, tinh tế giữa lòng Thủ đô Hà Nội, có sự giao thoa giữa âm nhạc và mỹ thuật ở cùng một điểm đến.
Từ chương trình hòa nhạc đầu tiên cuối năm 2022 đến nay, nơi đây đã định vị được thương hiệu là một điểm đến văn hóa hấp dẫn ở Hà Nội. Thật đáng trân trọng là những cố gắng nỗ lực của Bảo tàng và các đối tác đã được công chúng hưởng ứng, các buổi diễn luôn đông kín người thưởng thức. Chương trình hòa nhạc trong không gian nghệ thuật của bảo tàng ở Thủ đô ngàn năm văn hiến còn ít nên nỗ lực của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là rất đáng khích lệ. Điều quan trọng là giai điệu của âm nhạc hòa quyện với sắc màu hội họa đã khiến Bảo tàng trở thành điểm đến hấp dẫn hơn trong mắt du khách.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng tiên phong chuyển đổi số, ứng dựng mạnh mẽ công nghệ để trưng bày, thu hút công chúng trên không gian “ảo”. Trong đó, tour 3D tour ra mắt tháng 10/2021 cho phép công chúng trải nghiệm 360 độ hệ thống trưng bày thường xuyên trên nền tảng trực tuyến. Ngay sau đó, Bảo tàng phối hợp làm triển lãm trực tuyến 3D - Tranh sơn mài Việt Nam, giới thiệu 50 tác phẩm sơn mài tiêu biểu, trong đó có bức Bình phong của họa sỹ Nguyễn Gia Trí – một Bảo vật Quốc gia. Người xem còn được khám phá lịch sử phát triển và kỹ thuật chế tác tranh sơn mài thông qua phim tư liệu. Triển lãm được giới thiệu bằng tiếng Việt và Anh, sau đó bổ sung thêm tiếng Hàn, tiếng Đức, nhanh chóng thu hút rất nhiều bạn bè quốc tế tham gia trải nghiệm.
Không dừng lại ở đó, tháng 10/2023, Bảo tàng ra mắt Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến (VAES). Không gian số này là dạng 3D mô phỏng không gian thực tế, ở đó, nghệ sỹ có thể tìm cách trưng bày tác phẩm phù hợp với nhu cầu, tính sáng tạo. Du khách dễ dàng tiếp cận ở mọi lúc, mọi nơi chỉ với thiết bị kết nối internet.
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh nêu rõ: Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến là bước đi đầu tiên, mạnh mẽ, sáng tạo để giới thiệu, phát huy giá trị di sản mỹ thuật, sức sống mới của nền mỹ thuật nước nhà ra quốc tế. Không gian này còn chia sẻ thông tin về tác phẩm nghệ thuật giá trị đang được lưu giữ tại các bảo tàng mỹ thuật, khẳng định sức sáng tạo không ngừng của người nghệ sỹ...
Điểm đến của xứ Huế thơ mộng
Bảo tàng Gốm cổ sông Hương thuộc sở hữu của Giáo sư, Tiến sỹ Thái Kim Lan nằm trong khuôn viên của Từ đường họ Thái. Đây là khu nhà rường cổ truyền hơn 100 năm tuổi với nhà thờ, nhà tăng, hiên trà, sân vườn, bồn hoa, cây cảnh, tạo nên một quần thể kiến trúc nhà vườn tiêu biểu của Cố đô Huế. Nơi đây đã trở thành điểm tham quan lý thú, điểm đến văn hóa hấp dẫn của du khách chọn tuyến du lịch phía tây Huế, dọc theo tả ngạn dòng Hương Giang và những người quan tâm, nghiên cứu văn hóa Huế.
Giáo sư, Tiến sỹ Thái Kim Lan thông tin, nơi đây duy trì mở cửa thường xuyên đón khách tham quan. Với diện tích trưng bày khoảng 1500m2, Bảo tàng có 2.410 hiện vật hiện vật với 4 bưu tập chính: Bộ sưu tập sành (2017 hiện vật), đất nung (35 hiện vật), bán sứ (38 hiện vật) và sành sứ (320 hiện vật).
Nhiều công ty lữ hành du lịch lớn, chuyên nghiệp trong tỉnh và các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang... đã phối hợp để xây dựng chương trình tham quan bảo tàng, nhà vườn Lan viên cố tích (Từ đường Thái tộc) và trải nghiệm ẩm thực. Nơi đây cũng được các website du lịch, tạp chí, ấn phẩm nổi tiếng, Facebooker, Titoker, Travel blogger tới tham quan, trải nghiệm, quảng bá ở trong, ngoài nước.
Bảo tàng gốm cổ sông Hương đã phát triển sản phẩm quà lưu niệm trên cơ sở vẽ ký họa (sketch). Đây là một tập Postcard book tập hợp nhiều bức vẽ ký họa vườn Lan viên cố tích và Bảo tàng do hoạ sỹ Đức Phạm thực hiện. Đặc biệt hơn, Bảo tàng ảo giới thiệu Lan viên cố tích, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương và Bộ sưu tập áo dài cung đình trên website: http://thaikimlan.com cũng đã ra đời và sẽ ra mắt công chúng trong thời gian tới.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Thái Kim Lan, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương được đánh giá là bảo tàng tư nhân đầu tiên và duy nhất hiện nay ở Việt Nam (trong số 54 bảo tàng tư nhân) chỉ trưng bày hiện vật gốm cổ được tìm thấy từ một dòng sông, trong địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Qua các hoạt động, Bảo tàng đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nhất là di sản văn hóa Huế, đưa tới gần hơn với đông đảo công chúng, tạo thêm điểm đến sinh động, thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ.
Trong tương lai không xa, Giáo sư, Tiến sỹ Thái Kim Lan mong muốn mở rộng Bảo tàng Gốm cổ sông Hương, xây dựng một bảo tàng áo dài với bộ sưu tập áo dài triều Nguyễn bà đang gìn giữ. Nữ Giáo sư nặng lòng với văn hóa Huế chia sẻ: Những hiện vật thời trang triều Nguyễn đang rất cần được bảo lưu nguyên vẹn vì điều kiện bảo quản hiện tại của Bảo tàng còn hạn chế, khí hậu của Huế rất khắc nghiệt - nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn tại của bộ sưu tập này. Bảo tàng Gốm cổ sông Hương cũng mong muốn được tỉnh hỗ trợ quảng bá trên các kênh thông tin tuyên truyền, phương tiện thông tin đại chúng nhằm đưa nơi đây vào danh sách các điểm đến du lịch văn hóa lịch sử đặc sắc.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, hệ thống các bảo tàng ngoài công lập ở Huế hiện có: Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ, Bảo tàng Gốm cổ Sông Hương, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Phạm. Đây được xem là một nguồn năng lượng mới trong tổ chức hoạt động bảo tàng ở tỉnh, thu hút du khách, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã nhận định: Trong tương lai, bảo tàng ngoài công lập ở Việt Nam sẽ dần tăng, có thể nhiều hơn so với bảo tàng công lập. Đó không chỉ là xu thế phát triển trên thế giới, còn là điều kiện tốt hơn để công chúng tiếp cận với giá trị di sản văn hóa của dân tộc đang được cộng đồng lưu giữ, bảo tồn.
Tags