Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới thường niên năm 2024, do Liên hợp quốc (LHQ) tài trợ và được công bố ngày 19/3, Phần Lan năm thứ 7 liên tiếp giữ vững vị trí quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, trong khi đó Việt Nam tăng 11 bậc so với năm ngoái và lên vị trí thứ 54.
Bảng xếp hạng hạnh phúc dựa trên kết quả khảo sát tại 143 quốc gia và vùng lãnh thổ cũng như dựa vào trung bình cộng 3 năm khảo sát gần nhất. Người dân được yêu cầu tự đánh giá cuộc sống của họ theo thang điểm từ 0 đến 10 gắn với các yếu tố sự hài lòng trong cuộc sống, GDP bình quân đầu người, an sinh xã hội, tuổi thọ và sức khỏe, sự tự do, sự hào phóng và vấn đề tham nhũng. Thang điểm 10 đồng nghĩa với cuộc sống hạnh phúc nhất.
Theo đó, Phần Lan tiếp tục dẫn đầu với 7,7 điểm, kế đến vẫn là các quốc gia Bắc Âu gồm Đan Mạch, Iceland, Thụy Điển. Trong Top 10, còn có Israel, Hà Lan, Na Uy, Luxembourg, Thụy Sĩ và Australia. Trong Báo cáo năm nay, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 11 bậc, từ vị trí 65 vào năm 2023 lên vị trí 54 với tổng điểm trung bình 6,043.
Nhà nghiên cứu Jennifer De Paola tại Đại học Helsinki ở Phần Lan nhận định, mối liên hệ chặt chẽ của người Phần Lan với thiên nhiên và sự cân bằng lành mạnh giữa công việc và cuộc sống là những yếu tố góp phần chính giúp họ hài lòng với cuộc sống. An sinh xã hội tốt; niềm tin vào chính phủ; mức độ tham nhũng thấp; chất lượng giáo dục tốt, mức độ tự chủ cao và chế độ chăm sóc sức khỏe miễn phí cũng là những yếu tố then chốt giúp Phần Lan tiếp tục là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Ngoài ra, người dân nước này có thể có quan điểm đơn giản hơn về một cuộc sống thành công, so với Mỹ, nơi thành công thường được đánh đồng với lợi ích tài chính.
Lần đầu tiên kể từ khi báo cáo được công bố cách đây hơn một thập kỷ, năm nay, Mỹ và Đức "rớt" khỏi Top 20 quốc gia hạnh phúc nhất khi chỉ đứng thứ 23 và 24. Đổi lại, Costa Rica và Kuwait lọt vào tốp này với vị trí thứ 12 và 13.
Báo cáo lưu ý rằng các quốc gia hạnh phúc nhất không còn bao gồm bất kỳ quốc gia lớn nhất thế giới nào. Trong khi đó, do bị ảnh hưởng của thảm họa nhân đạo kể từ khi Taliban giành lại quyền kiểm soát vào năm 2020 nên Afghanistan đứng cuối bảng xếp hạng năm nay (với 1,7 điểm). Ở vị trí áp chót là Liban với 2,7 điểm.
Mức độ hạnh phúc giảm mạnh nhất kể từ năm 2006-2010 được ghi nhận ở Afghanistan, Liban và Jordan, trong khi các quốc gia Đông Âu như Serbia, Bulgaria và Latvia ghi nhận mức tăng lớn nhất.
Báo cáo năm nay cũng cho thấy thế hệ trẻ hạnh phúc hơn so với những người lớn tuổi ở hầu hết các khu vực trên thế giới. Tại Trung và Đông Âu, mức độ hạnh phúc tăng lên đáng kể ở mọi lứa tuổi kể từ năm 2006-2010. Ở Tây Âu, người dân ở mọi lứa tuổi đều có mức độ hạnh phúc tương tự nhau. Tuy nhiên, trong cùng giai đoạn, tại Bắc Mỹ, Australia và New Zealand, mức độ hạnh phúc của các nhóm dưới 30 tuổi đã giảm đáng kể , với thế hệ lớn tuổi giờ đây hạnh phúc hơn giới trẻ.
Cũng theo báo cáo, bất bình đẳng về hạnh phúc gia tăng ở mọi khu vực ngoại trừ châu Âu. Các tác giả của bản báo cáo mô tả điều này là "xu hướng đáng lo ngại". Xu hướng đó đặc biệt rõ rệt ở người già cũng như ở châu Phi cận sa mạc Sahara, phản ánh sự bất bình đẳng về thu nhập, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, sự bao dung của xã hội, niềm tin...
Tags