Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương (NXB Kim Đồng) là artbook tập hợp các đoạn trích tiêu biểu trong sách giáo khoa chương trình phổ thông viết về cảnh đẹp non sông gấm vóc Việt Nam, kết hợp với những bức tranh được các họa sĩ hiện đại sáng tác.
Sách gồm 35 trích đoạn thơ, truyện ngắn của các tác giả Việt Nam từ trung đại đến hiện đại. Các ngữ liệu văn học đã được chuyển hóa thành ngôn ngữ hình ảnh của nghệ thuật thị giác thông qua các tác phẩm hội họa của 30 họa sĩ với sự đa dạng của phong cách, thủ pháp, chất liệu.
Đọc xuyên nghệ thuật, đọc liên nghệ thuật
Tại buổi ra mắt sách Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương được tổ chức sáng 20/4 tại Hà Nội, TS Ngữ văn Nguyễn Thị Ngọc Minh cho rằng,đặt một đoạn trích đã quen thuộc trong sách giáo khoa vào một cuốn artbook không phải hình thức "bình cũ rượu mới". Ngược lại cách làm này mang đến một cách đọc rất mới và giúp người đọc phát hiện ra những giá trị mới.
"Nếu đặt một đoạn trích trong tổng thể một văn bản truyện thì học sinh sẽ thường đọc lướt qua, không chú ý. Thế nhưng, khi nó được đặt trang trọng trong một trang sách và bên cạnh là một bức tranh thì ngay lập tức sẽ thúc đẩy người đọc phải đọc chậm, đọc kỹ" - TS Ngọc Minh nói - "Hơn thế, khi đọc kết hợp với tranh sẽ khiến não bộ của người đọc xuất hiện cùng lúc 3 sự tham chiếu. Thứ nhất là ngôn từ của văn bản văn học. Thứ hai là những tưởng tượng về hình ảnh được vẽ lên từ văn bản. Thứ ba là bức tranh của họa sĩ".
Và như vậy, cùng lúc 3 tác phẩm nghệ thuật được đặt cạnh nhau trong mối quan hệ đối sánh. Ở thời điểm này, những cảm hứng nghệ thuật bắt đầu xuất hiện. Cùng lúc, giác quan thẩm mỹ của người đọc được đánh thức và nó tạo lên một cách đọc rất khác: Đọc xuyên nghệ thuật, đọc liên nghệ thuật.
Mặt khác, khi những trích đoạn trích ngắn về thiên nhiên được đặt cạnh nhau còn tạo ra một hiệu ứng đọc chưa từng có. "Nếu chỉ đọc 1 đoạn sẽ không thấy gì, nhưng đọc 20 đoạn cùng viết về thiên nhiên, đất nước được đặt cạnh nhau sẽ mang đến cho người đọc cảm giác như đang được sống trong thiên nhiên. Ta sẽ cảm nhận được cả một thiên nhiên tươi đẹp với không khí trong lành, mát mẻ hiện lên trước mắt" - TS Ngọc Minh lý giải.
Ở khía cạnh này, tất cả những đoạn trích trong Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương khi đặt cạnh nhau đã tạo thành một chỉnh thể nghệ thuật. Nó vẽ lên một bức tranh thiên nhiên đất nước rất phong phú và đầy tinh tế. Từ đó, cho người đọc cảm giác được chạm vào thiên nhiên. Qua đây, để thấy có một chiều kích mới của việc đọc được tạo ra qua cách tập hợp một cách có hệ thống các văn bản văn học theo chủ đề nhất định.
Hội họa có sức sống độc lập với văn bản văn học
Không đơn thuần chỉ kết hợp với văn bản văn học để tạo ra những chiều kích đọc mới, tác phẩm hội họa trong Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương còn có đời sống riêng của mình. TS Ngọc Minh khẳng định: "Hội họa có sức sống độc lập khi xuất hiện cùng ngữ liệu văn học. Có nghĩa bức tranh là một tác phẩm nghệ thuật độc lập với văn bản văn học".
Từ hiện tượng chuyển thể có thể thấy rõ, khi một tác phẩm văn học được chuyển thể thành một bộ phim, bộ phim đó là một tác phẩm nghệ thuật độc lập. Điều này xảy ra tương tự với hội họa. Hay cụ thể hơn với trường hợp họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm vẽ Truyện Kiều. Đầu tiên, họa sĩ chỉ vẽ minh họa cho báo, cho sách, nhưng về sau những bức tranh vẽ Truyện Kiều của Nguyễn Tư Nghiêm đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc lập và tiêu biểu. Ở đây, rõ ràng tác phẩm văn học là một nguồn cảm hứng, một sự gợi ý cho tác phẩm hội họa. Nhưng hội họa với sự sáng tạo của họa sĩ đã tự tạo ra cho mình một sức sống riêng.
Dễ thấy trong Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương, mỗi bức tranh là một phong cách nghệ thuật khác nhau. Ví dụ, tranh Vợ chồng A Phủ của Đinh Quang Hải mang phong cách hội họa tả thực đan xen yếu tố lãng mạn. Xem tranh mang lại cảm giác thanh bình, ấm áp và trong trẻo. Cảm giác này hiện rõ bằng cách họa sĩ sử dụng ánh sáng hắt trên khuôn mặt những đứa trẻ đang chơi một cách sống động.
Hay có những bức vẽ lại giàu chất suy tưởng như tranh Đất nước của Kim Duẩn. Với ngôn ngữ hội họa trừu tượng có phần siêu thực, bức tranh làm nổi bật những kí ức về Hà Nội như cầu Long Biên, tháp Rùa, mái nhà phố cổ, v.v… được thể hiện thông qua một khuôn mặt, một con mắt, một cái nhìn hoài niệm về quá khứ. Bức tranh còn giàu sáng tạo mang tính biểu tượng khi xuất hiện chi tiết chim phượng hoàng bay trên bầu trời vàng rực. Trong khi bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi không có hình tượng này.
Qua đây, để thấy tác phẩm hội họa hoàn toàn tồn tại như một thực thể độc lập. "Họa sĩ sẽ toàn quyền trong việc tạo nên một bức tranh khác so với nhà văn và người đọc. Nói rộng ra, việc đặt cạnh nhau 2 ngôn ngữ nghệ thuật này có khả năng thúc đẩy cảm hứng sáng tạo đáng kể. Nó giúp người đọc ý thức được quyền năng sáng tạo của người tiếp nhận nghệ thuật, tiếp nhận văn học. Người đọc là người tiếp nhận văn học, họa sĩ cũng là người tiếp nhận văn học, và mỗi người có quyền tự do trong sự tưởng tượng của mình" - TS Ngọc Minh nói.
Giúp "mài sắc" giác quan thẩm mỹ
Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương được kỳ vọng trở thành học liệu đáp ứng nhu cầu dạy và học, giúp giáo viên và học sinh tiếp cận tác phẩm văn học trong chương trình phổ thông trong sự giao thoa với các hình thức nghệ thuật khác.
Ở khía cạnh giáo dục, TS Ngọc Minh cho rằng việc thưởng thức tác phẩm hội họa song song với việc đọc một tác phẩm văn học là cần thiết. "Thời của thế hệ trẻ hiện nay là thời của nghệ thuật nghe nhìn, thời của đôi mắt. Chúng ta đang cảm nhận thế giới trước hết qua thị giác. Bởi thế, chúng ta cần phải đào luyện cho con mắt của mình khả năng phân biệt cái đẹp và cái xấu, khả năng rung cảm trước cái đẹp".
Có như vậy, ta sẽ có được thứ gọi là khoái cảm thẩm mỹ, một khả năng rung động tinh tế trước cái đẹp. Nó làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên tràn đầy phong phú và mỗi người sẽ có thể hạnh phúc hơn nếu biết nhận ra cái đẹp trong cuộc sống. Do đó, việc thưởng thức một tác phẩm văn học bên cạnh một bức tranh giúp mài sắc giác quan thẩm mỹ. Nó làm chúng ta trở nên tinh tế, yêu cái đẹp và biết nhận ra cái đẹp. Nó cũng làm đôi mắt của con người được rèn luyện tinh tường hơn. Đó là điều kiện để cuộc sống tâm hồn trở nên phong phú và hạnh phúc.
Trong khi đó, họa sĩ Trương Văn Ngọc cho rằng, sách Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương chủ yếu hướng đến đối tượng thiếu niên và nhi đồng, nên tác phẩm hội họa được thể hiện cũng cần đề cao tính giáo dục."Các tác phẩm hội họa được sáng tạo hướng tới tinh thần nuôi dưỡng. Để qua cuốn sách đưa đến cho các em những tinh thần lành mạnh, những cái đẹp, cái hay. Khi ngắm nhìn những bức tranh hay, tranh đẹp sẽ tác động đến tâm lý của các em những điều tích cực. Và ngược lại, nếu tranh mang yếu tố tiêu cực cũng sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển tâm lý của các em".
Cũng theo họa sĩ Trương Văn Ngọc, bản thân khi mỗi họa sĩ vẽ, một phần năng lượng và cảm xúc của họ sẽ vẫn còn tồn tại trên tranh. Do đó, khi vẽ những bức tranh cho thiếu nhi, chúng tôi luôn cố gắng đưa đến cảm xúc tốt để các em tiếp nhận được những năng lượng tích cực. Điều này có lẽ cần thiết đối với cả người viết văn và vẽ tranh. Cần tùy theo đối tượng và mục đích để sáng tạo nghệ thuật dành cho thiếu nhi truyền tải được tinh thần lành mạnh của cái hay, cái đẹp".
"Khi đọc kết hợp với tranh sẽ khiến não bộ của người đọc xuất hiện cùng lúc 3 sự tham chiếu. Thứ nhất là ngôn từ của văn bản văn học. Thứ hai là những tưởng tượng về hình ảnh được vẽ lên từ văn bản. Thứ ba là bức tranh của họa sĩ" - TS Ngọc Minh.
Tags