Tối 13/9, tại Nhà hát Thành phố (Quận 1), Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ giỗ tổ Sân khấu và kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam năm 2024 (12/8 âm lịch hàng năm).
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngày 12/8 âm lịch hàng năm là Ngày Sân khấu Việt Nam, ngày giỗ tổ với ý nghĩa thiêng liêng của những người hoạt động nghệ thuật. Đây là ngày để các nghệ sỹ tưởng nhớ, tri ân đến các bậc tiền nhân đã sáng tạo nên loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo, góp phần làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
"Với ý nghĩa thiêng liêng, nhân văn sâu sắc, ngày nay ngày giỗ tổ đã trở thành ngày mà các văn nghệ sỹ ở các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau hướng về nguồn cội với tâm nguyện tri ân và không ngừng sáng tạo, phục vụ cho khán giả và cống hiến những giá trị văn hóa tốt đẹp", bà Nguyễn Thị Thanh Thúy chia sẻ.
Cùng ngày, Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát Kịch Idecaf, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh,… cũng thực hiện các nghi thức Lễ giỗ tổ Sân khấu năm 2024. Với những nghệ sỹ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu, ngày giỗ tổ có ý nghĩa rất lớn và sâu sắc, là dịp dâng hương lên tổ nghề, tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn đến tiên tổ, các bậc tiền nhân đã sáng tạo nên nghệ thuật sân khấu, đồng thời tri ân các thế hệ nghệ sỹ đi trước, tri ân khán giả đã đồng hành cùng với các văn, nghệ sỹ.
Các sân khấu cải lương cũng chuẩn bị các chương trình mừng giỗ tổ. Sân khấu Chí Linh - Vân Hà ra mắt vở Xử bá đao Từ Hải Thọ vào tối 13/9 tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Vở diễn tập trung nhiều nghệ sỹ nổi tiếng như Tú Sương, Võ Minh Lâm, Vân Hà, Trọng Nghĩa, Hoàng Hải, Chí Bảo, Sơn Minh… Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long dựng vở cải lương Thập tứ nữ anh hào, Đoàn Đồng Ấu Bạch Long có vở Mộc Quế Anh dâng cây… Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chuỗi hoạt động với tên gọi Ngày hội nghệ thuật truyền thống Thành phố Hồ Chí Minh.
Chương trình sẽ biểu diễn phục vụ công chúng, khán giả tại các Nhà hát với các vở diễn kinh điển, được yêu thích của các loại hình cải lương, hát Bội, xiếc, múa rối, âm nhạc dân tộc, trình diễn xuyên suốt đến ngày 18/9. Các hoạt động này như một cách báo công tổ nghề, nhằm giúp giao lưu khán giả và làm cho Ngày hội Sân khấu trở nên sôi động; góp phần tôn vinh loại hình nghệ thuật dân tộc.
Dịp này, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trao quà cho các nghệ sỹ cao niên đã có nhiều đóng góp cho sân khấu Thành phố và những nghệ sỹ đang gặp khó khăn trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, Sở tổ chức hoạt động quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bão Yagi nhằm chia sẻ những mất mát, tổn thất với đồng bào các tỉnh phía Bắc. Ban tổ chức đã nhận được hơn 2 tỷ đồng từ doanh nghiệp và các văn, nghệ sỹ có mặt tại chương trình. Trong đó, ekip chương trình Anh trai say hi ủng hộ 1 tỷ đồng.
Tại chương trình, nghệ sỹ Anh Tú chia sẻ, với anh và nhiều nghệ sỹ khác, ngày giỗ tổ Sân khấu có ý nghĩa sâu sắc, là dịp dâng hương lên tổ nghề, tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn đến tiên tổ, các bậc tiền nhân đã sáng tạo nên nghệ thuật sân khấu, đồng thời tri ân các thế hệ nghệ sỹ đi trước, tri ân khán giả đã đồng hành cùng với các văn, nghệ sỹ. Nam nghệ sỹ cũng gửi tới bà con miền Bắc lời chúc bình an, sớm khắc phục được hậu quả sau bão lũ.
Tags