Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4: Phát huy 'sức mạnh mềm' của văn hóa Việt Nam

Thứ Hai, 18/04/2022 10:33 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Nền văn hóa Việt Nam kết tinh từ thành quả lao động, sáng tạo, gìn giữ qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của cộng đồng 54 dân tộc anh em. Đó là một nền văn hóa đa dạng, phong phú, có sự thống nhất cao về ngôn ngữ, là một tài sản vô cùng quý giá của dân tộc ta.

Tổ chức 'Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam' năm 2022

Tổ chức 'Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam' năm 2022

Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch số 951/KH-BVHTTDL về việc tổ chức “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2022 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Vì vậy, xây dựng, phát triển văn hóa luôn được Đảng xác định là nền tảng tinh thần của xã hội, là một trong những động lực để phát triển kinh tế-xã hội.

Bức tranh văn hóa Việt Nam đa sắc màu   

Theo các tài liệu sử học, Việt Nam là một cộng đồng văn hoá rộng lớn hình thành khoảng nửa đầu thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên và phát triển rực rỡ vào giữa thiên niên kỷ này. Trong suốt chiều dài lịch sử hơn 400 năm tiếp biến văn hóa Việt Nam với phương Tây dưới nhiều hình thức, nhưng văn hóa Việt Nam vẫn vừa giữ được bản sắc dân tộc, vừa hiện đại hóa.   

Văn hóa Việt Nam có những nét mang tính đặc trưng phổ biển của văn hóa nói chung và có những đặc trưng riêng biệt, đặc thù. Những đặc trưng cơ bản riêng biệt này được hình thành, đúc kết, bảo lưu, phát triển từ điều kiện địa lý tự nhiên, lịch sử, chính trị-kinh tế-xã hội của Việt Nam. Các đặc trưng cơ bản của văn hóa Việt Nam là: lòng yêu nước; tinh thần dân tộc; lòng nhân ái, thương người; tính cộng đồng làng xã, xã hội; tính tinh tế…  

Chú thích ảnh
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới dự ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc". Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Phát biểu tại Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” và Lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ năm 2022 (ngày 12/2/2022), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, tất cả chúng ta dù ở đồng bằng hay miền núi, biên giới hay hải đảo, trong nước hay nước ngoài, dù khác nhau về tín ngưỡng, tôn giáo đều một lòng hướng về nguồn cội, quê hương, đất nước, cùng nhau nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3. Nền văn hiến kỳ vĩ của dân tộc Việt Nam được tạo nên bởi 54 dân tộc anh em đoàn kết, gắn bó với nhau. Đó là một nền văn hóa đa dạng, phong phú, có sự thống nhất cao về ngôn ngữ, là một tài sản vô cùng quý giá của dân tộc ta.   

Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, mỗi dân tộc mang một bản sắc riêng thể hiện qua văn hoá ẩm thực, nhà ở, phong tục, tập quán, lễ hội, tín ngưỡng tôn giáo, tổ chức xã hội, văn học nghệ thuật, trang phục... Đó là những dấu hiệu để nhận biết nhau, giúp hiểu biết về nhau. Trong đó trang phục truyền thống là một biểu trưng văn hoá phản ánh sinh động phong tục, tập quán, vẻ đẹp và bản sắc riêng của mỗi dân tộc trên mỗi vùng miền đất nước. Trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam gắn liền cùng quá trình dài lao động, sáng tạo chứa đựng những giá trị nghệ thuật, lịch sử của từng tộc người.   

Chú thích ảnh
Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Trong các vùng văn hóa không thể không kể đến không gian văn hoá rộng lớn trải dài khắp đất nước của những lễ hội truyền thống, được tổ chức hàng năm tại mỗi ngôi làng, nhằm tưởng nhớ tới các vị anh hùng có công với đất nước, với làng xã, biểu đạt sâu sắc tinh thần gắn kết cộng đồng, đời sống, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa của mỗi ngôi làng Việt.   

Theo thống kê, nước ta có hơn 6.000 lễ hội dân gian, lưu giữ nhiều tầng lớp văn hóa tín ngưỡng, ẩn chứa hệ tư tưởng đạo lý và triết học. Trong số đó có các lễ hội tiêu biểu như: Hội Gióng, Lễ hội Đống Đa, Lễ hội Cổ Loa, Hội Chùa Thầy, hội Thổi cơm thi làng Thi Cấm… Nội dung các hội làng thường gắn với tục thờ cúng vị thành hoàng làng, quá trình thực hiện nghi lễ và các hoạt động vui chơi, giúp người dân gắn bó với nhau về tinh thần, có trách nhiệm với cộng đồng. Nhiều lễ hội phản ánh tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương, đất nước. Đồng thời phản ánh đậm nét vai trò của nhân dân - những người sáng tạo, kế thừa và trao truyền các sáng tạo văn hóa vật thể, phi vật thể, chủ nhân chân chính của loại hình di sản này.   

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mỗi dân tộc là một cành trong cái cây vĩ đại mang tên Việt Nam, do đó chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ bằng mọi giá vẻ đẹp văn hóa riêng biệt của mỗi dân tộc, làm cho tất cả những cành, nhánh ấy đâm chồi nảy lộc, nở hoa, kết trái (Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” và Lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ năm 2022).   

Bởi lẽ, thông qua sự kết nối kỳ diệu của văn hóa, chúng ta mới dễ dàng có được sự gần gũi, hiểu biết và yêu thương lẫn nhau, góp phần vun đắp sức mạnh Việt Nam, giá trị Việt Nam cho hôm nay và mai sau.

Chú thích ảnh
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh chung với đại biểu các dân tộc tham dự lễ khai mạc Ngày hội. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam   

Nhận thức Đảng ta về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển đất nước đã xác định rõ: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”.

Văn hóa ngày càng được đề cao trong các mối quan hệ xã hội, các lĩnh vực hoạt động, xây dựng văn hoá con người ở thời kỳ mới. Đại hội lần thứ XII của Đảng xác định: Phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm; xây dựng Ðảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần.   

Tiếp đến Đại hội XIII của Đảng xác định “Phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”, “Xây dựng, phát huy yếu tố văn hóa để thực sự là đột phá phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế”. Đây là lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược.   

Chú thích ảnh
Đồng bào dân tộc tại Ngày hội. Ảnh: Khánh Hoà - TTXVN

Sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam là khả năng huy động, phát huy những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần của dân tộc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam đến các quốc gia trên thế giới, đồng thời tăng cường uy tín, vị thế của dân tộc Việt Nam trong các quan hệ quốc tế.   

Với lợi thế của một nền văn hóa có nhiều nét độc đáo, mang lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè quốc tế, việc phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam là một chiến lược đúng đắn để thực hiện các mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới. Năm 2007, khi Giáo sư Joseph Nye, tác giả của học thuyết “Sức mạnh mềm” đến Việt Nam, đã nhận định rằng, những điểm làm nên sức hấp dẫn nhất của sức mạnh mềm Việt Nam hiện nay là tinh thần tự chủ, độc lập dân tộc, chính sách phát triển kinh tế và nền văn hóa, trong đó văn hóa của Việt Nam luôn hấp dẫn và có sức lôi cuốn các nước phương Tây.   

Nhìn lại những thành tựu trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam, đặc biệt là trong hơn 35 năm đổi mới, chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hóa vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc. Nổi bật là nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn trên các lĩnh vực, các loại hình; các sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển.

Chú thích ảnh
Tiết mục nhảy sạp của đồng bào dân tộc tại Làng. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Văn hóa trong chính trị và trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả, tích cực. Phát triển toàn diện con người Việt Nam từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Các chỉ số phát triển con người Việt Nam đã có nhiều bước tiến so với khu vực và thế giới. Năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam có tên trong số 52 nước có Chỉ số phát triển con người cao. Khoảng 50 triệu người được xóa đói giảm nghèo, giúp Việt Nam cán đích mục tiêu Thiên niên kỷ sớm hơn 10 năm so với cam kết với Liên hợp quốc. 27 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới…   

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (ngày 24/11/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có Bài phát biểu đề cập đến sức mạnh mềm văn hóa một cách hàm súc và gói trọn tâm huyết để xây dựng, phát triển văn hóa. Người đứng đầu Đảng ta khẳng định “văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”.

Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi"; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.   

Theo các chuyên gia, động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa không phải tự dưng hay ngày một ngày hai có được mà phải được nuôi dưỡng, giáo dục, vun đắp, chăm bón từng ngày, từ những công việc nhỏ bé, bình thường đến sự trải nghiệm, từng trải được hun đúc, trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, sức mạnh mềm của đất nước được kỳ vọng sẽ có sức bật tốt để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đủ sức “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong.

Phương Anh/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›