(Thethaovanhoa.vn) - Từ ngày 20/5 tới, chuỗi chương trình Ngày xửa ngày xưa số 30 sẽ công diễn tại Nhà hát Bến Thành, TP.HCM. Với hơn một tháng sáng đèn cùng 26 suất diễn, vở diễn dự kiến bán khoảng 25 đến 30 ngàn vé - một con số gần như rất khó gặp trong đời sống sân khấu Việt Nam.
- 'Ngày xửa ngày xưa' lan tỏa khắp Nam, Bắc
- 'Ngày xửa ngày xưa' 26: 'Đặc sản' không chỉ của trẻ nhỏ
- 'Cháy vé' chương trình 'Ngày xửa ngày xưa'
Còn nhớ, đúng Ngày quốc tế thiếu nhi năm 2000, vở kịch thiếu nhi Tấm Cám công diễn suất đầu tiên tại Nhà hát Bến Thành, với khách mời là Đoàn múa rối TP.HCM, mở ra chương trình Ngày xửa ngày xưa.
Lúc ấy, những người dựng vở này chỉ có ước mơ bé nhỏ là cho thiếu nhi thành thị thêm một chọn lựa. Mùa hè lúc ấy với các em vẫn còn khá nhàm chán, đơn điệu, ngoài ti vi thì chẳng còn nhiều chọn lựa để giải trí, vui chơi.
Poster vở "Hoàng tử, công chúa và 9 vị thần" bị bắt sắp công diễn
Vậy, tại sao chuỗi chương trình Ngày xửa ngày xưa lại kéo dài hơn 15 năm, với lượng khán giả đáng mơ ước cho mỗi lần biểu diễn?
Về kịch thiếu nhi nói riêng, Kịch IDECAF của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn có những thành tố mà khó sân khấu nào tại Việt Nam có thể bì được. Trước hết, đó là quyết tâm của ông Tuấn đã được những nghệ sĩ kể tên ở trên thể hiện một cách tuyệt vời, nhiều tên tuổi đã là bảo chứng cho bán vé như Thành Lộc, Hữu Châu, Đại Nghĩa, Lê Khánh, Đình Toàn… Chưa nói những đạo diễn dựng vở, nhạc sĩ, họa sĩ, phục trang, hậu đài… cũng rất có trình độ về chuyên môn.
Thêm vào đó, theo thời gian tồn tại, lịch sử 17 năm của chuỗi chương trình Ngày xửa ngày xưa đã là một thương hiệu lớn. Những năm nào bán vé kém cũng từ 15 đến 20 ngàn vé, còn bán gấp đôi là bình thường. Những tên tuổi ở khu vực U40 của Kịch IDECAF hiện nay như Đình Toàn, Đại Nghĩa, Vũ Minh, Lê Khánh, trước đây còn có cả Hồng Ánh, Thanh Phương, những năm 2000 có người còn chưa vào nghề. Suốt 17 năm gắn bó, sự tự trau dồi, đổi mới của họ đã trở thành kinh nghiệm… thu hút trẻ em đến với mình.
2. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn không phủ nhận việc bán vé rất tốt từ chuỗi chương trình này, nhưng nhiệm vụ chính vẫn là trách nhiệm với nghề nghiệp và với trẻ nhỏ, nên mới dàn dựng.
“Có năm chúng tôi đầu tư hơn 500 triệu đồng để dựng vở, như năm này là hơn 250 triệu đồng, đâu có gì bảo đảm chúng tôi sẽ hòa vốn, chứ đừng nói có lãi”. Ông Tuấn nói tiếp: “Bước vào lĩnh vực này mới thấy không đơn giản như tưởng tượng đâu, có vô số khó khăn và rủi ro, nên làm rất dễ bỏ cuộc”.
Theo ông Tuấn,vì hướng tới đối tượng là trẻ em, vở diễn dạng thường gặp một "sự cố" phổ biến: vì rất nhiều lý do, trẻ em không đến rạp được một mình mà phải cần người lớn dẫn đi xem. Nhưng, do bận về thời gian, không phải người lớn nào cũng có thể chiều ý con em mình.
"Cứ nghe nói rằng chúng ta có cả nền sân khấu dành cho thiếu nhi, trẻ nhỏ, nhưng thật ra, cũng không có mấy nơi đủ mặn mà để dựng vở chuyên theo hướng ấy" – ông nói.
Thành công của Ngày xửa ngày xưa là điều mừng, nhưng cũng gợi ra những băn khoăn. Chẳng lẽ chỉ có mỗi Kịch IDECAF là có thể thu hút được vài chục ngàn lượt xem? Chẳng lẽ sự hiệu quả của mô hình này không xứng đáng được học hỏi, được đầu tư, được nhân rộng cho nhiều nơi?
Khi diễn Ngày xửa ngày xưa số đầu tiên, NSƯT Thành Lộc tương đương tuổi của thế hệ U40 hiện nay. Bây giờ anh đã gần tuổi hưu rồi. Nhìn hơn 15 diễn viên chính của Hoàng tử, công chúa và 9 vị thần bị bắt - mà đa số đã tuổi trung niên - các vai diễn cho nhân vật chừng 12-14 tuổi của họ vẫn hút khách.
Họ giỏi thật, nhưng người ta cũng chạnh lòng và thấy buồn. Chẳng lẽ câu nói “thầy già con hát trẻ” đang bị sai hay sao? Tre đã già thì măng phải mọc chứ!
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Tags