- Em trai 15 tuổi ra đi vì bệnh trầm cảm, anh nhờ chuyên gia hội họa giám định bức tranh cậu để lại và phát hiện sự thật ngỡ ngàng
- 6 dấu hiệu cảnh báo trầm cảm ở trẻ
- Nữ sinh livestream nhảy lầu tự tử, cảnh sát điều tra phát hiện sự thật trong nhóm "những người trầm cảm", lập tức truy lùng kẻ giấu mặt đứng sau
"Trẻ con bây giờ cơm ăn, áo mặc không lo, sao lại mong manh dễ vỡ như vậy?", nhiều người tự hỏi.
Theo một khảo sát mới được công bố, tỷ lệ trẻ em và thanh thiếu niên Trung Quốc mắc các triệu chứng trầm cảm là 19,85%. Ở trẻ em và thanh thiếu niên khu vực thành phố lớn, tỷ lệ này thậm chí lên tới 23,7%. Nói cách khác, ở Trung Quốc, cứ 5 trẻ em thì có 1 trẻ có triệu chứng trầm cảm. Ở nhiều quốc gia khác, tình trạng này cũng diễn ra tương tự.
Không khó để chúng ta gặp những ý kiến như sau của người thế hệ trước: "Điều kiện sống của chúng tôi ngày xưa còn kém xa, sự quan tâm của người lớn còn hạn chế, mà trẻ con bây giờ cơm ăn, áo mặc không lo, sao lại mong manh dễ vỡ như vậy?".
Có người còn nói: "Chúng ta khi còn bé thường xuyên bị cha mẹ đánh mắng nhưng không thấy có mấy người bị khủng hoảng tâm lý, thậm chí quyết định dại dội vì trầm cảm như người trẻ bây giờ". Hay thậm chí những người lớn tuổi còn hay nói: "Ngày xưa nuôi 5 đứa không sao, sao bây giờ chăm 1 đứa đã mệt thế?".
Thời đại mới, áp lực mới
Trẻ em ngày nay có những vấn đề phải đối mặt phức tạp hơn trong quá khứ. Việc nuôi dạy con cái ở thế hệ trước cũng không dễ dàng, nhưng áp lực phần lớn của bố mẹ là do mưu sinh, lo cái ăn cái mặc. Vì vậy, họ sẽ không đặc biệt quan tâm tới tâm sinh lý của con cái.
Ngày nay, điều kiện sống tốt hơn, cha mẹ quan tâm nhiều hơn đến giáo dục, chăm sóc nuôi dạy trẻ. Đây là sự thay đổi và tiến bộ của thời đại, đồng thời cũng là thử thách đối với người nuôi dưỡng.
Có thể có người nói trẻ em bây giờ được yêu thương quan tâm nhiều hơn, chẳng phải nên tốt hơn sao? Vấn đề là càng yêu thương, quan tâm thì sự kiểm soát, can thiệp, sắp đặt cũng tăng lên gấp bội.
Một mặt, không gian phát triển bản thân của trẻ bị thu hẹp, nhiều vấn đề lẽ ra trẻ phải tự giải quyết đã bị người lớn kiểm soát. Vì thế mà tinh thần trách nhiệm và tính độc lập lẽ ra phải có của trẻ không có cơ hội được bồi dưỡng, rèn luyện.
Mặt khác, khi cha mẹ quá quan tâm kiểm soát con cái, các vấn đề của người trẻ sẽ bị phóng đại vô hạn. Tiến sĩ tâm lý Đinh Hương, một chuyên gia có tiếng trong ngành chăm sóc tâm lý trẻ nhỏ ở Trung Quốc cho biết, việc ăn ngủ đơn giản của trẻ giờ đây cũng trở thành vấn đề đau đầu của các bậc cha mẹ cần nhờ đến bác sĩ tư vấn. Đương nhiên, như vậy không có nghĩa nuôi dưỡng, quan tâm trẻ sát sao là không tốt, chỉ là việc giáo dục không hướng đến mục tiêu rèn giũa tính tự lập sẽ biến tình yêu thương thành "gông cùm" nặng nề.
Cha mẹ ngày xưa cũng sẽ gây áp lực học tập cho con cái. Tuy nhiên, vào thời đại trước, được đi học đại học đã là một thành tích lớn và tiêu chuẩn xã hội cũng không coi đó là con đường duy nhất. Ngày nay, khi nền giáo dục đã phát triển, cha mẹ ngày càng có những yêu cầu cao hơn đối với việc học tập của con cái. Do đó, những kỳ vọng mà các em phải đối mặt cũng thay đổi, không chỉ phải vào một trường đại học tốt mà còn cần đỗ trường trung học cơ sở và trung học phổ thông tốt.
Ngay từ ngày đầu cho con đến trường tiểu học, ít phụ huynh nào có tâm lý "con mình có thể thuộc diện trung bình trở xuống cũng được". Ai cũng có mong mỏi con mình phải đứng đầu trong kỳ thi, khi điểm số của con không đạt như kỳ vọng của cha mẹ thì "cuộc chiến" học hành đau đớn bắt đầu.
Mạng xã hội Trung Quốc từng xôn xao vì tin tức một bà mẹ lo lắng vì con mình chỉ được 98 điểm (khung điểm 100) trong bài kiểm tra. Kiểu kỳ vọng này là áp lực quá nặng nề về thể chất và tinh thần đối với trẻ em.
Các bậc cha mẹ trên khắp thế giới đều có kỳ vọng vào tương lai của con cái họ và việc mọi người không muốn trở nên tầm thường là điều bình thường. Kỳ vọng không phải là điều xấu, vấn đề là phần lớn cha mẹ không thể chấp nhận một kết quả bình thường, cuối cùng vì thất vọng mà ảnh hưởng đến tình yêu và cách đối xử với con cái. Và người trẻ vì thế cũng cảm thấy lo lắng, thất vọng sâu sắc với chính mình và gia đình.
Gen Z lớn lên trong thời kỳ Internet bùng nổ
Với Internet, trẻ em được cung cấp nhiều thông tin hơn bao giờ hết. Trẻ tiếp nhận sớm những thông tin đa dạng, phức tạp trên các phương tiện truyền thông nên hình thành nhiều tư tưởng khác biệt trong quá trình trưởng thành so với thế hệ trước. Sự khác biệt, khoảng cách thế hệ này đã tạo ra nhiều mâu thuẫn trong các gia đình.
Ngay cả khi phụ huynh sử dụng quyền hạn của cha mẹ để khiến đứa trẻ phải "chịu thua", người trẻ vẫn có thể trút sự bất mãn của mình lên Internet và với bạn bè đồng trang lứa.
Trước đây khi nói về sự nổi loạn, chúng ta thường lấy ví dụ ở những thanh thiếu niên học trung học. Nhưng bây giờ trẻ em dường như "nổi loạn" ngày càng sớm khi vừa bước vào độ tuổi teen. Nguyên nhân đầu tiên của sự nổi loạn là khi trẻ thấy mình không được tôn trọng như một con người thực sự trước mặt người lớn, phải nghe quá nhiều mệnh lệnh, chỉ trích và phủ định. Dần dần, nhiều mâu thuẫn không thể hòa giải đã nảy sinh giữa mong muốn tự chủ của trẻ và cách nuôi dạy con cái có thẩm quyền của cha mẹ.
Bất kỳ đứa trẻ nào cũng mong manh dễ vỡ
Trên mạng xã hội đã có không ít cuộc tranh luận tại sao khi còn nhỏ, những người sinh năm 8X, 9X thường bị cha mẹ đánh đòn, mắng mỏ nhưng ít người có vấn đề về tâm lý như Gen Z?
Thực tế, trong thời đại trước và thời đại trước nữa, có không ít người đã phải lớn lên trong phương pháp giáo dục cực đoan này bị tổn thương tâm lý nghiêm trọng. Họ cũng phản đối cách giáo dục thô bạo này khi còn nhỏ.
Nhìn chung, dù ở thời đại nào thì trái tim của những đứa trẻ cũng vô cùng mong manh và dễ bị tổn thương vì đây là lứa tuổi nhạy cảm. Tuy nhiên trước đây thông tin tuyên truyền chưa phát triển, mọi người ít tiếp xúc với những phản ánh về cách nuôi dạy không đúng cách của cha mẹ nên có cảm giác rằng những vấn đề như vậy không xảy ra ở thế hệ trước.
Nhiều thập kỷ trôi qua, những đứa trẻ 8X, 9X đã trưởng thành và nguôi dần những tổn thương năm xưa, cuối cùng nó trở thành nỗi đau tuổi thơ giấu kín trong đáy lòng. Sau tất cả, vấn đề không được chú ý không có nghĩa là không có vấn đề. Quá trình trưởng thành luôn nảy sinh rất nhiều vấn đề với hầu hết mọi người trẻ, dù là thuộc thời đại nào đi chăng nữa. Vì vậy, đôi khi không phải Gen Z có nhiều vấn đề hơn, mà trong thời đại Internet, chúng ta được nghe nhiều vấn đề hơn của họ mà thôi.
Nguồn: Sohu
Tags