Từ những cảnh ngộ thương tâm...
Chiều 12 - 6- 2008, học sinh NQL, 18 tuổi, nhà ở xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An đã dại dột tìm cách quyên sinh mà nguyên nhân chính là do em trượt kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi. Được gia đình phát hiện và kịp thời đưa vào bệnh viện cấp cứu nên đến nay, sức khoẻ L đã bình phục. Theo lời các thầy cô giáo nơi trường L theo học, thì em là học sinh ngoan, học lực khá, và nguyên nhân đưa đến sự dại dột của L có thể là do em quá bất ngờ vì không tin rằng mình sẽ... trượt!
Em TTNB, ở xã Bình Thạnh Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, sau khi xem điểm thi tốt nghiệp THPT - và biết mình không đỗ, N đã lấy chai thuốc trừ sâu rồi vào buồng... uống. Khi gia đình đưa em đi cấp cứu tại Bệnh viên Đa khoa Quảng Ngãi, N đã ở trong tình trạng hôn mê sâu, phải thở máy. Em TTBN đã không thể giữ được bình tĩnh khi biết mình thi trượt.
Trên đây chỉ là hai trong nhiều trường hợp học sinh tự tử đã xảy ra vài năm gần đây, và không chỉ các em học sinh lớp 11 hoặc 12, mà ngay cả những em mới học lớp 8, lớp 9 cũng... tự tử. Cuối năm 2007, em ĐMT, 12 tuổi, ở quận Tân Bình, TP.HCM uống thuốc trị cảm sốt liều rất cao, để... chết vì việc học quá căng thẳng.
Theo bác sĩ Đào Trần Thái, Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần - Trường đại học Y Dược TP HCM, đồng thời là Trưởng khoa Nam - Bệnh viện Tâm thầnTPHCM, thì: "Đối với những học sinh có quá trình học tập tốt, giỏi, các em thường tỏ ra khá tự tin trong chuyện thi cử. Chính sự tự tin này là một trong những nguyên nhân đưa đến hiện tượng sốc tâm lý khi biết mình không đỗ".
Em PNM, nguyên là học sinh trường Hùng Vương, cách đây 2 năm đã từng chuẩn bị... tự tử khi biết mình không đỗ đại học. M kể: "Suốt 3 năm cấp 3, em là học sinh giỏi toàn diện. Cha mẹ, bạn bè ai cũng cho rằng, chuyện vào đại học với em là chuyện trong tầm tay. Ấy vậy mà học tài thi phận, em không đỗ trong lúc nhiều bạn học kém hơn em, lại đỗ. Nói thật là lúc đó em thấy nhục lắm, lại thêm ở nhà ba mẹ em chẳng nói gì, cứ im lặng, lạnh lùng nên em quyết định ra cầu Bình Lợi, nhảy xuống. Tuy nhiên, khi đến cầu, từ trên nhìn xuống thấy... cao quá, em sợ!"
Không những sốc do thi trượt, nhiều em lại còn phải chịu áp lực nặng nề từ gia đình, mặc cảm với bạn bè nên có em coi cái chết như là một sự giải thoát. Bà Phạm Thị C, lúc kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về con bà - là em TNN, mặc dù nó xảy ra đã hai năm nhưng bà vẫn không cầm được nước mắt: "Lỗi là do chúng tôi".
N là một học sinh có sức học trung bình, nhưng với quyết tâm đưa con mình vào giảng đường đại học cho bằng người ta, vợ chồng bà bắt N ngoài những buổi học chính khoá ở trường, thì còn phải học thêm. Nhìn vào tờ giấy ghi thời khoá biểu học thêm của N đã bắt đầu ố vàng, chúng tôi không khỏi kinh hoàng khi đọc thấy: Thứ hai, toán 17 giờ 30 phút đến 19 giờ 30 phút. Sinh 20 giờ đến 21 giờ 30 phút. Thứ ba, hoá 17 giờ 30 phút đến 19 giờ 30 phút, Anh văn 20 giờ đến 21 giờ 30 phút...
Chưa kể sau đó em còn phải học bài, làm bài cho ngày mai nên đêm nào cũng thế, N đi ngủ lúc 1,2 giờ và thức dậy lúc 5 giờ sáng là chuyện bình thường. Trong suốt 1 tuần, chỉ duy nhất có tối chủ nhật, là giờ học thêm của N chấm dứt lúc... 21 giờ. Đã vậy, N lại phải thường xuyên nghe những lời giáo huấn, đại loại như: "Mày mà không vô được đại học thì đi đâu thì đi...", hoặc những câu so sánh: "Mày mở mắt ra mà coi con ông A, bà B đấy...".
Trước áp lực nặng nề của gia đình, N chỉ còn biết lao vào học. Nhưng, giảng đường đại học đâu chưa thấy, chỉ thấy N trượt kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Sau cú sốc ấy, N đâm ra ngơ ngơ ngẩn ngẩn và cả hai năm nay, em rơi vào trạng thái trầm cảm, đôi lúc không còn nhận ra cha mẹ mình.
Bác sĩ Đào Trần Thái giải thích: "Trường hợp này, em N thi trượt chưa hẳn là vì học lực kém, mà trong đầu em luôn bị ám ảnh bởi cái viễn cảnh không lấy gì làm tốt đẹp nếu em không đỗ. Chính sự ám ảnh ấy đã khiến em không thể nào tập trung tư tưởng vào việc làm bài thi".
Thầy Nguyễn Phú Hải, Trường Ngoại ngữ, Tin học và Bồi dưỡng văn hoá Quốc Việt cho biết: "Tại trường tôi, nếu có học sinh học luyện thi, mà cứ cắm đầu cắm cổ vào học, trong sinh hoạt hằng ngày thường thu mình lại, ít hoà đồng thì đội ngũ giáo viên sẽ đặc biệt lưu tâm, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng để từ đó có cách động viên, giải toả bớt áp lực cho các em".
Không chỉ do thi trượt, nhiều học sinh còn tự mình tìm đến cái chết vì những lý do rất... đâu đâu. V, học sinh Trường THPT Đống Đa, Hà Nội đã tìm đến cái chết khi bị nhà trường bắt phải hớt bỏ mái tóc dài. NVMT, học sinh Trường Nam Hải Lăng, Quảng Trị tìm đến với cái chết vì trước đó, T bị cảnh cáo toàn trường, bị đình chỉ thi tốt nghiệp vì tổ chức đánh nhau.
Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, học sinh của trường vẫn chưa quên được trường hợp em N, đã tìm cách quyên sinh ngay trong lớp. Nguyên nhân là sáng hôm ấy, có tiết học toán, và khi giáo viên gọi một số em lên kiểm tra, thì có em bị phê bình vì không chép bài, làm bài đầy đủ.
Thấy bạn bị phê bình, N xin thầy cho phát biểu. Đại ý N nói số lượng bài tập môn toán cho về nhà làm quá nhiều (50 bài) trong lúc các em còn phải làm thêm bài tập của các môn khác như môn lý 20 bài, môn hoá cũng hơn 20 bài. Nghe N phát biểu xong, giáo viên đứng lớp cho rằng N... kích động nên đuổi N ra khỏi lớp.
Quá bức xúc, N xin gặp Ban giám hiệu để trình bày nhưng một hiệu phó vẫn cho rằng, giáo viên dạy toán đã làm theo đúng chương trình, đồng thời còn nhấn mạnh sẽ xử lý kỷ luật, sợ gia đình biết, N đã tìm cách quyên sinh.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết 1 ngày trước khi N tự tử, tập thể học sinh lớp N đã gửi đơn, kiến nghị Ban giám hiệu nhà trường để xin giảm bớt số lượng bài tập toán về nhà làm, đồng thời xin bỏ việc cho điểm khuyến khích môn địa lý vì những hình ảnh lấy trên mạng Internet phải in màu, gây thiệt thòi, tốn kém với những học sinh nghèo, không đủ điều kiện.
... Đến các giải pháp cần thiết
Tuy nhiên, rất may mắn là các học sinh kể trên đã được cứu sống nhưng theo bác sĩ Đoàn Trần Thái, thì: "Những di chứng về mặt tinh thần sau khi tự tử sẽ còn theo đuổi các em rất lâu, và 30 - 50% sẽ lặp lại hành vi tự tử trong một vài năm sau đó nếu gia đình, trường học, xã hội không có những biện pháp động viên nhằm giúp các em lấy lại thăng bằng".
Thầy giáo Nguyễn Long Thành, giảng viên môn vật lý tại Trường Ngoại ngữ, tin học và bồi dưỡng văn hoá Quốc Việt cho biết: "Sau khi thi trượt, các em đi học luyện thi để thi lại có thể chia thành hai nhóm. Một là đi học với sự quyết tâm của chính mình và hai là học vì áp lực gia đình. Với những em học vì áp lực gia đình, có em lơ là, thậm chí trốn học, tâm lý không ổn định...".
Có thể nói, mặc dù đã qua nhiều cải cách, nhưng chương trình học của học sinh nói chung và cấp 3 nói riêng, hiện nay vẫn còn rất nặng. Một học sinh lớp 12 ngoài những giờ học chính khoá, thì một tuần còn tăng thêm 12 tiết cho các môn toán, lý, hoá, Anh văn... chưa kể học thêm tại các trung tâm hay thuê thầy về nhà dạy kèm. Một số học sinh lớp 12 Trường chuyên Trần Đại Nghĩa cho biết, mỗi đêm các em chỉ ngủ 5 hoặc 8 tiếng vì sợ không học thuộc bài, không làm đủ bài.
Một bác sĩ chuyên về công tác tham vấn tâm lý tại Trung tâm Tham vấn tâm lý, Bệnh viên Tâm thần trung ương 2, đặt ở TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai cho biết, khá nhiều em học sinh được gia đình đưa đến đây trong tình trạng mệt mỏi, căng thẳng, mất ngủ, khó khăn khi tiếp xúc và có em không hề giấu giếm ý định quyên sinh mà nguyên nhân vẫn chỉ xoay quanh chuyện học hành. Để chứng minh, vị bác sĩ này đã cho chúng tôi đọc hồ sơ tham vấn của em TTA.
18 tuổi, A lớn lên trong một gia đình có ba làm nghề chạy xe ba gác máy, mẹ buôn bán nhỏ. Cuộc sống của em thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ gây gổ, cãi cọ lẫn nhau nên có lẽ vì thế, việc học của A ngày càng giảm sút.
Trong blog do A tạo ra, có những bài viết biểu lộ sự bi quan, chán đời, tuyệt vọng, chẳng hạn như: "Cuộc đời tôi chỉ là một màu đen. Phải chi tôi đừng sinh ra thì tốt biết mấy...", và rất nhiều lần A bộc lộ ý định tự tử của mình.
Vài người trong lớp khi đọc được những dòng chữ này, đã báo cho các thầy cô và sau đó, A được giáo viên chủ nhiệm động viên, đưa A đến Trung tâm Tham vấn tâm lý với chuẩn đoán "Rối loạn trầm cảm nặng. Cần theo dõi và điều trị lâu dài".
Theo một nghiên cứu, thì tỉ lệ người tự tử và người có ý định tự tử trong độ tuổi thanh, thiếu niên chiếm đến 24,1% - cao nhất trong số các đối tượng được nghiên cứu. Bác sĩ Đào Trần Thái cho biết: "Điều đặc biệt là nữ giới có ý định tự tử cao gấp 4 lần nam giới, nhưng nam giới lại thực hiện hành vi tự tử cao gấp ... 4 lần nữ giới" mà trong đó, nguyên nhân do các yếu tố bất đồng, xung đột tâm lý chiếm 47%, bị xúc phạm về mặt tinh thần chiếm 28%, bị người thân bỏ rơi, ruồng rẫy, xa lánh chiếm khoảng 12%, còn các vấn đề như tình yêu, bị xâm hại thể xác chỉ chiếm khoảng 7%.
Ở lứa tuổi thanh thiếu niên, nhất là độ tuổi từ 13 đến 18, tâm lý thường không ổn định bởi lẽ đó là giai đoạn chuyển tiếp từ môi trường xã hội, nhất là lại có sự không tương xứng giữa phát triển cơ thể và phát triển tâm lý.
Bác sĩ Đào Trần Thái nói: "Tôi đã điều trị cho một em học sinh. Em này bị cha mẹ ép phải đi học ở nước ngoài. Và vì không thích nghi được với môi trường xa lạ nên em học kém. Đến lúc nhà trường gửi thông báo về cho gia đình, đề nghị gia đình đưa em về thay thì vì đưa đưa về, cha mẹ em lại vận động để chuyển em sang một trường khác. Khi mẹ em sang thăm, em đã nói "chắc con không sống được đâu" nhưng dấu hiệu cảnh báo này đã bị gia đình bỏ qua. Cuối cùng, em cũng được về nhưng về đến nhà, chỉ một thời gian ngắn sau, em tìm cách quyên sinh. Hiện tại, tôi vẫn đang theo dõi, điều trị trầm cảm cho em".
Với những nhà tâm thần học, hành vi tự tử có 3 mức độ: Một là biểu hiện bằng những lời than buồn phiền, cô đơn, tự cho là không ai hiểu mình và chỉ muốn... chết! Hai là đã có hành vi tự tử hoặc đã chuẩn bị tự tử, và ba là đã từng tự tử mà được cứu sống, nhưng khuynh hướng tái tự tử có nguy cơ lặp lại.
Bác sĩ Đào Trần Thái nói: "Ở mức độ thứ nhất, gia đình và bạn bè đồng trang lứa là cốt lõi trong phát hiện hành vi của trẻ vì có trường hợp, một học sinh đã bị bạn bè trong lớp nhìn thấy trong cặp sách của em chứa rất nhiều những viên thuốc - sau này mới biết là thuốc ngủ, em mua để dành... tự tử! Với mức độ thứ hai, trẻ phải nhập viện để điều trị và phải được trực tiếp theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần ít nhất trong tuần lễ đầu, sau đó theo dõi ngoại trú. Riêng mức độ thứ ba, trẻ phải được quan tâm, chăm sóc về mặt tinh thần ít nhất là từ 1 đến 3 năm để chống tái tự tử".
Tự tử là một hành vi bao gồm các yếu tố gây bức xúc tâm lý như gia đình, học đường, quan hệ bạn bè, quan hệ tình cảm, môi trường sống... Thực tế cho thấy khá nhiều bậc phụ huynh, chỉ quan niệm rằng lo làm sao cho con mình vào được trường chuyên, trường điểm, cung cấp cho con những tiện nghi vật chất là xong, mọi sự còn lại phó mặc cho nhà trường mà không hề biết rằng trẻ vẫn cần được quan tâm về mặt tinh thần.
Bên cạnh đó, số trường học có giáo viên chuyên về tham vấn tâm lý vẫn rất ít nên khi học sinh gặp chuyện bức xúc, chẳng biết giải toả ở đâu ngoài bạn bè, hoặc tự mình giải toả trong nhật ký, trên blog. Cũng phải kể đến mặt trái của những trò chơi (game online) mang tính bạo lực, nơi mà người chơi tự do bắn giết, coi cái chết (ảo) nhẹ như lông hồng. Về lâu dài, từ cái chết ảo đến cái chết thật, chỉ là gang tấc.
Vì thế, để giải quyết triệt để vấn nạn học sinh tự tử, cần phải có sự quan tâm, phối hợp thật chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà thương (là các bác sĩ tâm thần), nhà trường, nhà tâm lý và nhà... phụ huynh (là cha mẹ, người thân trong gia đình, người đỡ đầu về tinh thần, vật chất trong xã hội v.v...).