(Thethaovanhoa.vn) - Liên quan đến vụ việc chùa Linh Sâm xây dựng xâm lấn Di tích lịch sử - kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia đền Hữu (xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương, Nghệ An), UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản số 8111/UBND-NC chỉ đạo huyện Thanh Chương chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương kiểm tra, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ngày 19/11, tại buổi tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An và huyện Thanh Chương trước Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh khóa XVII, kỳ họp thứ 11 HĐND huyện khóa XIX nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra tại trụ sở UBND xã Thanh Yên, rất đông cử tri là con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh đã có mặt để bày tỏ sự bức xúc và mong muốn các cơ quan chức năng tập trung giải quyết việc chùa Linh Sâm xây dựng xâm lấn Di tích lịch sử - kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia đền Hữu.
Ông Nguyễn Cảnh Nhu, đại diện con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh đã đưa bản đồ khoanh vùng bảo vệ Di tích đền Hữu trình bày tại hội nghị và phát biểu ý kiến. Ông nêu câu hỏi, ai cho phép xây dựng chùa Linh Sâm trên khuôn viên Di tích lịch sử - kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia đền Hữu và trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để xảy ra vụ việc trên? Nguyện vọng của con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh và nhân dân địa phương là sớm khôi phục lại nguyên trạng ban đầu; đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Đất đai, Luật Di sản.
Trả lời vấn đề này, ông Lê Hồng Long, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương cho biết, khi đền Hữu được công nhận là Di tích lịch sử - kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia, Ban quản lý đền cũng đã đo vẽ, khoanh vùng bảo vệ. Sau đó có hai lần nữa Ban quản lý di tích về đo vẽ, khoanh vùng vào năm 2008 và 2017 nhưng không có bản lưu ở xã Thanh Yên và ở huyện Thanh Chương mà chỉ lưu ở Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh (hiện là Sở Văn hóa - Thể thao).
Khi chính quyền địa phương xác định đất đai để xây dựng chùa Linh Sâm, chính quyền xã cũng không nắm rõ khu vực I hay khu vực II. Lúc định vị động thổ xây chùa có cách khu vực I về phía Tây là 32m và định vị một số nhà của chùa. Do không nắm chắc nên lầm tưởng khu vực đó là do xã quản lý. Khi đổ cột trụ và xong phần thô, các đơn vị của Sở Văn hóa - Thể thao về kiểm tra và đưa bản đồ về, chùa đã xây dựng xâm lấn khu vực II của đền Hữu; chính quyền xã đã đình chỉ công trình chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, đại diện đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An và huyện Thanh Chương đã tiếp thu ý kiến phản ánh của người dân để báo cáo các cơ quan cấp trên, sớm giải quyết, xử lý vụ việc một cách kịp thời, tránh bức xúc kéo dài trong nhân dân.
Như TTXVN đã phản ánh, từ hơn 2 tháng qua rất nhiều máy móc, ô tô ngày đêm vận chuyển vật liệu xây dựng, gỗ, ngói tập kết và tiến hành xây dựng chùa Linh Sâm nằm ngay cạnh phía Tây đền Hữu. Chỉ trong một thời gian ngắn, tại khu đất bên cạnh đền Hữu đã mọc lên 6 tòa nhà và cổng Tam quan với kiến trúc khá đồ sộ, cơ bản hoàn thành phần thô. Khu vực xây dựng này khoảng 6.000 m2.
Do nghi ngờ chùa xây dựng chồng lấn lên Di tích lịch sử - kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia đền Hữu, người dân cùng con, cháu dòng họ Nguyễn Cảnh đã phản ánh lên chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Ngày 28/10, thực hiện công văn chỉ đạo của huyện Thanh Chương, xã Thanh Yên đã ra văn bản yêu cầu đình chỉ thi công chùa Linh Sâm.
Đền Hữu ở làng Xuân Bảng, xã Thanh Yên, được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng, thờ Thái phó tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (1521-1576) và hợp tự các vị sơn thần của làng. Sinh thời, Thái phó tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan có nhiều công lao to lớn trong việc gìn giữ, mở mang bờ cõi và bảo vệ cuộc sống người dân vùng đất Hoan Châu. Sau khi ông mất, nhân dân nhiều nơi ở Nghệ An đã tôn ông làm thần và lập đền thờ.
Để bảo vệ di tích này, ngày 20/5/2008, tỉnh Nghệ An đã có bản đồ khoanh vùng (vùng I và vùng II) khu vực bảo vệ di tích đền Hữu. Năm 2009, đền Hữu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử - kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia. Hiện nay, đền còn giữ được 3 tòa thượng điện, trung điện và hạ điện cổ hơn 400 năm tuổi cùng nhiều cổ vật, di vật có giá trị. Đền cũng là điểm đến tâm linh quen thuộc của người dân trong vùng.
Tá Chuyên/TTXVN
Tags