(Thethaovanhoa.vn) - Trong một bài viết gần đây khi đề cập đến báo chí, chúng tôi đã từng nói: hiếm có địa phương nào nhận được sự quan tâm, thiện cảm của anh em báo chí như Đà Nẵng. Nhưng, cũng phải nói thẳng, từ vụ Sơn Trà, thiện chí đó ít nhiều đã bị tản mát, nên sứ mệnh lấy lại tình cảm của anh em phóng viên không phải một sớm một chiều với chính quyền Đà Nẵng.
- Tọa đàm báo chí tại TP.HCM: Nhà báo nói thẳng, nói thật về báo chí
- Thư cảm ơn của TTXVN nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam
- Bảo tàng Báo chí Việt Nam: 14.000 hiện vật đang chờ ra mắt
Bởi, phóng viên tại Đà Nẵng giờ đông khủng khiếp. Theo “tính toán” mà ông Bùi Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Đà Nẵng cho biết trong phiên chất vấn kỳ họp thứ 4, HĐND TP. Đà Nẵng khóa IX sáng qua, 7/7, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 109 cơ quan báo chí với hơn 800 người làm báo, trong đó 400 nhà báo được cấp thẻ. Mật độ nhà báo, phóng viên, chắc chắn Đà Nẵng đứng đầu cả nước. “Không kể Hoàng Sa thì Đà Nẵng có 0,85 người làm báo/1km2, còn kể cả Hoàng Sa thì có 0,65 người làm báo/ 1km2. Trong 6 tháng đầu năm có 33.000 tin bài đưa tin về thành phố”.
Cũng khá khen những người làm công tác quản lý báo chí đã kỳ công nghiên cứu các chỉ số về mật độ, sự chính xác ở mức độ nào chưa ai kiểm chứng nhưng rõ ràng đời sống báo chí ở Đà Nẵng đã rất sôi động, thậm chí rất “nóng”. Nhiều người so sánh sao thời Bí thư Nguyễn Bá Thanh, anh em báo chí và ông thân thiết vậy. Thi thoảng, ông Thanh còn gọi một số anh em báo chí có uy tín lên phòng đàm đạo, lắng nghe tư vấn, để làm sao giúp Đà Nẵng phát triển.
Bối cảnh thời đó khác, báo chí ở Đà Nẵng vẫn còn ít, đa số anh em biết rõ về nhau, không như bây giờ. Thực ra thì thời ông Bá Thanh, trong điều kiện Đà Nẵng đang bung ra phát triển, không phải ai cũng thấu hiểu tầm nhìn, chiến lược của Đà Nẵng mà ủng hộ ngay. Thậm chí, có giai đoạn “cơm không lành, canh không ngọt” với nhiều anh em báo chí. Nhưng, hay ở chỗ, sau thời gian ngắn, những hiểu lầm đều được hóa giải.
Đấy mới là điều mong mỏi trong mối quan hệ tương hỗ giữa chính quyền và báo chí, ở bình diện vỹ mô. Nếu chính quyền đúng, hoặc hết mình vì dân mà sai sót, chắc chắn sẽ được người dân cùng báo chí “thấu cảm”. Ngược lại, phóng viên nếu sai sót về kỹ thuật, không có vấn đề tư tưởng, cũng cần được nhìn nhận độ lượng hơn.
***
Sáng qua, ông Bí thư Nguyễn Xuân Anh nói như gan ruột với các ký giả, có lẽ vì ông cũng từng làm báo. Ông Xuân Anh dùng từ “nhân vô thập toàn” để nhấn mạnh chính quyền Đà Nẵng không phải lúc nào cũng đúng. “Tôi rất mong khi có những sai sót, các anh chị phóng viên có thể động viên, trao đổi để chúng tôi kịp thời chấn chỉnh. Hiện có tình trạng một số cán bộ công chức sợ tiếp xúc với báo chí. Và tôi đề nghị báo chí đừng làm cán bộ công chức sợ. Làm sao chúng ta cùng đồng hành với nhau, chúng ta có trách nhiệm chia sẻ thông tin với báo chí.
Bây giờ Đà Nẵng được cả nước quan tâm, chúng tôi đang bị đặt dưới không những kính lúp mà kính hiển vi nữa. Thành ra tôi rất mong sự ủng hộ, đồng hành của các cơ quan báo chí trong thời gian sắp tới đối với thành phố Đà Nẵng”, ông Nguyễn Xuân Anh trải lòng.
Phóng viên cũng là công dân, họ có quyền giám sát, góp ý, thậm chí phản biện quá trình lãnh đạo, điều hành của chính quyền. “Làn sóng” báo chí đổ về Đà Nẵng ngày càng đông cũng là tất yếu với tốc độ phát triển của thành phố này. Và, đội quân báo chí hùng hậu như thế sẽ chuyển hóa nhiều thông điệp tích cực, cổ vũ cho thành phố ngày càng vươn lên mạnh mẽ hơn. Các cán bộ hãy nhìn ở khía cạnh tích cực như thế, thay vì “sợ báo chí”!
Hữu Quý
Tags