- Giàu có, nổi tiếng, sở hữu chuỗi trà sữa 40 cửa hàng như Diệp Lâm Anh mà tới bây giờ mới có nhà riêng?
- Sự khác biệt giữa trẻ sinh ra trong gia đình giàu và nghèo không chỉ là tiền bạc: Điểm then chốt này mới quyết định đẳng cấp
- Người giàu thành công nhờ đâu: 53% thừa nhận "ăn may", gần 90% cho rằng chăm chỉ là yếu tố then chốt
Khi mua sắm ở những thương hiệu tầm trung, khách hàng sẽ trả cho Kim Khánh 500 nghìn đồng/tiếng. Độ đắt đỏ của các món đồ tăng lên thì số tiền cô nàng nhận được cũng tăng lên.
“Ai cũng nghĩ đi shopping với khách hàng là sẽ vào những cửa hàng sang - xịn - mịn, trung tâm thương mại đúng không? Mình cũng từng nghĩ vậy đến khi một chị khách bảo mình đưa đi mua đồ ở chợ đồ si Đông Tác. Lúc đầu mình hoảng hốt và hỏi lại: ‘Chị có biết chợ đồ si là gì không?’. Chị nói có và muốn đi vì các bạn trên mạng bảo ở đó nhiều đồ đẹp lắm. Lúc đến chợ chị bảo: ‘Chị không quan tâm nhiều đâu, em cho chị mặc gì cũng được, miễn là được đi thôi’. Hôm đó 2 chị em càn quét khắp chợ. Mình nghĩ đó là lần đầu tiên và cũng là cuối cùng có khách hàng yêu cầu như vậy. Nhiều người không thích mặc lại đồ người khác, đặc biệt là người có tiền”.
Đó là một trong những vị khách hàng gây ấn tượng của Phạm Kim Khánh - stylist cá nhân (personal stylist - nhà tạo mẫu thời trang cá nhân). Cô nàng sinh năm 1996, đang sống và làm việc tại Hà Nội.
Chào Kim Khánh,
Stylist cá nhân là 1 công việc khá mới ở Việt Nam. Nói một cách dễ hiểu thì nó là gì?
Thực tế công việc này vẫn nằm trong phạm trù fashion stylist - nhà tạo mẫu thời trang. Stylist là người định hình, định hướng phong cách thì stylist cá nhân giống như trợ lý về thời trang cho một cá nhân nào đó. Người trợ lý này sẽ chỉ tập trung vào thời trang, giúp đỡ người đó mọi thứ về trang phục, vẻ bề ngoài,...
Hiện tại mình đang có các dịch vụ như định hướng phong cách, làm trợ lý mua sắm, trợ lý tủ đồ, phối đồ và chuẩn bị trang phục. Nhìn chung nó không khác nhiều so với stylist cho người nổi tiếng, thứ khác nhất chính là đối tượng khách hàng. Stylist cá nhân đi vào một ngách nhỏ, “đánh” vào khách hàng là người bình thường, không phải người nổi tiếng.
Có phải đối tượng khách hàng này là người có tiền nhưng chưa có gu đúng không?
Nó hướng đến người cần chỉn chu và quan trọng về mặt hình ảnh thì đúng hơn. Còn người ta có tiền hay không thì mình cũng không biết được. Nhưng thừa nhận là dịch vụ của mình quá phù phiếm ở thời điểm hiện tại nên phải có tiền thì người ta mới sử dụng.
Cụ thể hơn thì công việc của bạn diễn ra thế nào? Ví dụ như mất thời gian bao lâu, bước nào là khó nhất,...
Sau khi 2 bên trao đổi và khách hàng đồng ý làm việc, đặt cọc thì mình sẽ cho khách hàng 1 bản hỏi đáp, liệt kê tất cả những câu hỏi cần thiết để họ trả lời. Bước tiếp theo mình sẽ hẹn gặp khách hàng để trao đổi trực tiếp, khai thác sâu hơn các thông tin về khách.
Sau buổi làm việc này, mình dành khoảng 1 - 2 ngày thiết lập 1 bản hướng dẫn, giải thích chi tiết những thứ mình sẽ làm cho khách hàng. Bản hướng dẫn này vẫn nằm trong nội dung định hướng, diễn ra trong khoảng 1 - 2 ngày tiếp tùy theo mong muốn và thời gian của khách hàng. Nhưng nhìn chung việc xây dựng phong cách không chỉ diễn ra trong ngày 1 ngày 2 mà là cả một hành trình dài.
Cái khó nhất là phải biết cách để khách hàng thổ lộ ra những vấn đề của họ. Nhiều khách hàng ngại nói ra vấn đề riêng, chỉ nói lưng chừng thôi rồi. Mình phải biết chỗ nào còn vấn đề để khéo léo khai thác đúng và đủ thông tin mình cần thì mới ra được kết quả tốt nhất, đầy đủ nhất cho khách hàng.
Cách Kim Khánh chuẩn bị cho một ngày đi shopping với khách hàng
Khách hàng đầu tiên của bạn có lẽ là một người rất đặc biệt?
Vị khách này đến từ một mối quan hệ khá ngang trái. Đó là chị đồng nghiệp cũ của mình, từng làm chung công ty. Hồi đó có thể vì hiểu lầm hay do 2 chị em không thể hòa hợp được nên không ưa nhau một tí nào, khó chịu với nhau ra mặt. Khi mình nghỉ việc và bắt đầu làm dịch vụ này thì chưa quảng cáo nhiều nhưng có lẽ nhờ bạn bè chung mà chị ấy biết mình đang thử nghiệm dịch vụ này. Chị nhắn tin cho mình bảo đại ý là bây giờ chị em bỏ qua chuyện cũ, muốn làm việc với mình thế này thế kia. Trước đây chị ấy ở trên mình 1 bậc, là quản lý và bây giờ đã lên thêm cấp cao hơn nên muốn có phong cách chỉn chu hơn, trông quyền lực hơn. Không thể ngờ được một người mà mình không ưa, không bao giờ muốn liên hệ lại sau khi nghỉ việc lại trở thành khách hàng đầu tiên của mình.
Và một vị khách ấn tượng?
Mình bị ấn tượng về độ giàu của khách hàng, họ khiến mình phải nghĩ “Ôi sao lại có thể giàu như thế?”. Mình có một chị khách rất giàu, bước vào nhà chị ấy mà như bước vào một thế giới khác. Không phải xây theo kiểu bình thường ở Việt Nam mà là phong cách Địa Trung Hải, nhà ở nhưng y hệt khu nghỉ mát. Chị ấy có nhiều em bé lắm và mỗi bạn được ở một khu nhà riêng, rất rộng và đẹp.
Mùa lễ hội cuối năm, công việc của Khánh có bận rộn hơn không?
Ở thời điểm tại, tức là những ngày gần Tết thì mình đã qua đợt bận rồi. Vì khách hàng chủ yếu làm 2 - 3 công việc hoặc doanh nhân nên bận cuối năm lắm, họ tranh thủ sắp xếp chuyện trang phục với mình từ trước. Chẳng hạn như trước khi các doanh nghiệp tổ chức tiệc cuối năm là mình đã chuẩn bị một loạt các thứ theo yêu cầu của khách hàng để tiết kiệm thời gian cho họ.
Về chuyện mua sắm cuối năm, nếu khách bận hoặc lười đi thì mình sẽ shopping online cho họ. Thậm chí mình còn đến cửa hàng 1 mình, chọn đồ theo yêu cầu của khách, khi họ đồng ý về giá mình sẽ ship tới tận tay khách.
Trong thời gian Tết Nguyên đán, có ai nhờ Khánh sắp xếp trang phục cho các ngày như mùng 1 - 2 - 3 mặc gì không?
Thông thường mình sẽ tự đề xuất cho các khách hàng luôn nhưng có người cần đến và có người không. Nếu khách hàng hay có đội trang điểm riêng thì mình sẽ đính kèm cả phong cách trang điểm và làm tóc, gợi ý mẫu nail cho phù hợp.
Làm sao để mình có thể đánh giá hiệu quả công việc này là tốt hay chưa tốt, đẹp hay chưa đẹp?
Thời trang thiên về tính cá nhân, tư duy thẩm mỹ của mỗi người hoàn toàn khác nhau, có thể người này rất thích nhưng người khác lại thấy nó chẳng ra gì. Vì vậy mình không quan trọng việc người ngoài đánh giá tốt hay không, đẹp hay chưa. Điều mình quan tâm là khách hàng có cảm thấy tự tin với bộ đồ đó không, với phong cách đó không,...
Vậy có thứ gì đó như bảng lương hay mức lương cơ bản cho nghề của bạn không?
Ở Việt Nam, công việc này chưa phổ biến nên khá khó để đánh giá mức lương chung. Trên thế giới, nghề này có thể kiếm về hàng chục nghìn USD mỗi tháng. Với bản thân, mình đánh giá theo kiểu khác, ví dụ mình đã thay đổi phong cách cho bao nhiêu người trong tháng qua, năm qua.
Còn con số cụ thể về thu nhập thì sao?
Nhìn chung đây là 1 nghề mà có ngày mình kiếm được rất nhiều nhưng có ngày không kiếm được gì cả, giống như freelancer. Để có con số cụ thể thì mình sẽ lấy dịch vụ trợ lý mua sắm làm ví dụ.
Trước mỗi buổi shopping mình sẽ làm cho khách hàng một bảng chuẩn bị về ngân sách, những món đồ cần mua,... Khi mua sắm ở các thương hiệu như Zara, H&M hoặc hàng thiết kế thì mức giá chỉ 500k/tiếng còn đến shop đồ hiệu phân khúc cao cấp hơn thì giá sẽ cao hơn 1 chút. Vì đặc thù riêng nên mình sẽ đưa ra mức giá cố định cho tối thiểu 3 tiếng shopping. Nghĩa là khách sẽ đi mua sắm cùng mình ít nhất là 3 tiếng, nếu 2 tiếng thì vẫn trả tiền 3 tiếng nhưng thực tế thì chưa khách hàng nào shopping dưới 3 tiếng cả.
Hiện tại mình đang duy trì một nhóm khách hàng thân thiết với số lượng vừa đủ. Vì nhu cầu dịch vụ của mỗi khách khá nhiều, chẳng hạn như người có công ty riêng thì hay phải đi tiệc, đi gặp khách hàng,... thì dùng dịch vụ phối đồ của mình. Mình cũng có thỏa thuận riêng để đảm bảo thu nhập cho mình và lợi ích cho khách hàng.
Trong nội dung công việc của bạn có 1 cái là trợ lý tủ đồ, nó có giống với nghề gấp quần áo thuê đang gây xôn xao gần đây?
Dịch vụ trợ lý tủ đồ là mình sẽ thiết lập tủ quần áo mới cho khách hàng, trong đó có 1 gạch đầu dòng là gấp quần áo như mọi người đã biết. Mình không trực tiếp gấp quần áo mà kết hợp với một bạn khác làm việc này. Khách hàng cũng không yêu cầu quá nhiều với việc gấp quần áo, sắp xếp làm sao để dễ tìm kiếm, dễ lấy ra lấy vào, không bị nhăn là được.
Mình có những khách hàng dùng 1 phòng riêng và thật rộng chỉ để đựng quần áo. Khi họ bảo “Em ơi, chị thấy tủ đồ của chị quá nhiều rồi mà chị không mặc được gì, nó thừa thãi,...” thì mình sẽ đến làm việc với khách hàng. Mình để khách phân loại ra 1 số nhóm như món đồ mà từ 2 tháng rồi không mặc, nửa năm không mặc, món đồ họ cảm thấy cực kỳ chán hay có thể mặc được,... Sau đó mình dùng 1 số câu hỏi “nghiệp vụ” khác để biết được những món đồ mà mình nghĩ là khách hàng muốn giữ và phù hợp với phong cách của họ, từ đó “xây” nên một tủ đồ mới cho khách hàng.
Một điều quan trọng là phải dựa vào chi phí mà khách hàng có thể đầu tư cho tủ quần áo. Không phải ai cũng sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền 1 lúc để có tủ quần áo mới. Có người bảo “Cứ mua cho chị đi không sao hết, chị muốn thay đổi hết” nhưng cũng có người bảo “Chị chỉ có từng này tiền thôi”. Với trường hợp thứ 2 mình thường xây cho người ta “tủ đồ con nhộng”, gồm các món đồ cơ bản, kết hợp được nhiều kiểu, có thể xoay vòng và tính ứng dụng cao.
Người ta có câu “Người giàu thật sự họ không quan tâm đến quần áo”, Khánh nghĩ sao về quan điểm này?
Mình thấy người ta quá sai lầm. Nếu người giàu không quan tâm đến quần áo thì tại sao luxury brand - thương hiệu xa xỉ lại được ra đời?
Tất nhiên người ta hay lấy ví dụ về Mark Zuckerberg chỉ mặc một kiểu áo thun màu xám hay Bill Gates chỉ mặc một kiểu áo len. Nhưng mọi người có biết rằng áo của 2 tỷ phú này được các NTK lớn thiết kế riêng về chất vải, kiểu dáng,... Vì vậy mà nhìn qua thì đó chỉ là chiếc áo bình thường nhưng sự thật là nó rất đặc biệt, giá có thể lên đến hàng nghìn USD, mua được rất nhiều món đồ bình thường khác. Điều này có nghĩa là người giàu rất quan tâm đến quần áo, cụ thể là chất lượng, sự thoải mái hay cảm giác gì đó mà có thể chúng ta khó mà biết được. Theo quan điểm của mình, cái mà một số người giàu có thể không quan tâm là xu hướng thời trang hoặc những giá trị phù phiếm mà thời trang mang lại.
Điều mà Khánh học được khi làm việc với khách hàng có tiền?
Có vẻ hơi tự tin nhưng thực tế là khách hàng tìm đến với mình để học. Tuy nhiên mình thấy họ có cách dùng tiền rất thông minh. Có thể do họ nhiều tiền thật hoặc họ thấy đầu tư vào mình là xứng đáng, là dùng tiền đúng chỗ.
Khách hàng của mình cũng chi trả rất thoải mái. Người ta không bao giờ cho phép bản thân nợ ai một cái gì cả. Khi mình muốn mời khách cốc nước, muốn giảm giá một chút thì họ sẽ đồng ý thôi nhưng hôm sau sẽ trả lại bằng cách khác. Ví dụ mình bảo lấy tròn 1,5 triệu thôi nhưng khách vẫn chuyển 2 triệu. Khi mình nhắn tin nói lại thì chị ấy bảo “2 triệu cũng là tròn mà em”. Mình thấy đó là sự hài hước và tinh tế.
Công việc nào cũng có cạnh tranh, Khánh đối mặt với vấn đề này thế nào? Sự khác biệt của bạn so với người khác là gì?
Mình không sợ cạnh tranh vì mình có điểm mạnh riêng và tin tưởng vào bản thân.
Sự khác biệt của mình là cách chăm sóc, thái độ với khách hàng. Với mình, khách hàng là người mang tiền đến, là nguồn sống của mình nên mình phải chủ động. Trước đây mình từng đi bình luận trong các nhóm về thời trang để có cơ hội nhận khách hàng mới và thấy nhiều bạn có cách “chào” khách hàng chưa được tinh tế lắm.
Ban đầu mình nghĩ đó là chuyện bình thường cho đến khi được 1 chị khách chia sẻ. Chị ấy bảo rằng có nhắn tin với 3 bên để tìm hiểu dịch vụ và cảm thấy mình có tâm huyết và chăm sóc khách hàng kỹ. Lúc đó giá của mình là thấp nhất trong 3 bên nên chồng và bạn bè chị ấy bảo là “Của rẻ là của ôi” nhưng chị vẫn chọn mình. Sau này chị ấy còn nghị đầu tư vào dịch vụ của mình. Tất nhiên để đầu tư thì cần phải quan sát và đánh giá nhiều nhưng lời đề nghị đó là một dấu hiệu tốt, khiến mình thấy tự hào.
Về nhân vật:
Không theo học chuyên ngành thời trang, hành trình đến với công việc này của Kim Khánh khá gập ghềnh. Từ khi còn là một bé gái, cô nàng đã đam mê thời trang mãnh liệt, gần như không bỏ sót số nào của chương trình Thời trang và cuộc sống.
Đến khi chuẩn bị thi đại học, Kim Khánh bày tỏ nguyện vọng học ngành nào đó trong lĩnh vực thời trang nhưng không được đồng ý. "Bố mẹ mình ở nông thôn và chưa có cái nhìn thoải mái về lĩnh vực thời trang. Trong suy nghĩ của họ, thời trang chỉ là may mặc, giống các cô thợ may hoặc đi bán quần áo. Mọi người còn bảo ngành thời trang học đắt nữa. Mọi thứ ngăn cản nên mình phải thuận theo ý người lớn. Bố mẹ động viên thêm là giờ cứ học ngành này ngành kia đi, sau này đi làm có tiền lại học tiếp thời trang" - cô nàng kể lại.
Sau đó Kim Khánh theo học ngành Ngôn ngữ Anh ở ĐH Bách khoa Hà Nội. Đến cuối năm nhất - đầu năm 2, cô nàng nhận thấy mình không "thế giới" này nên quyết định đi du học. Ngành học mà Khánh lựa chọn là truyền thông, cụ thể là truyền thông về nghệ thuật. Cô cũng chủ đích chọn Ý với hy vọng sẽ được tiếp cận gần hơn với thời trang.
Từ năm 2016 - 2017, Kim Khánh bắt đầu chia sẻ về cách phối đồ trong các hội nhóm thảo luận về thời trang. Có những bộ đồ được hưởng ứng nhưng cũng có nhiều lần gây tranh cãi. Từ đây, Khánh được nhiều người add Facebook, được hỏi ý kiến về cách kết hợp trang phục. Năm 2019, Kim Khánh về nước, làm truyền thông và sáng tạo cho các nhãn hàng thời trang ở Việt Nam. Trong suốt thời gian này, cô vẫn duy trì việc giúp đỡ mọi người phối đồ.
Đầu năm 2022, Khánh được người quen nói về chuyện phát triển sự giúp đỡ này thành công việc. Đây cũng là thời điểm cô nàng nhận ra: "Mình giúp 1 - 2 lần thì vui vẻ nhưng giúp quá nhiều lần thì tốn nhiều thời gian, chất xám, kinh nghiệm và không vui lắm, Không muốn làm miễn phí nữa nên mình quyết định biến nó thành một công việc để kiếm tiền. Đến tháng 4/2022, mình nghỉ công việc full-time để chính thức theo đuổi sự nghiệp thời trang của mình".
Tags