Nghệ sĩ Ái Như: Nỗi nhớ sân khấu quá nhỏ bé so với tổn thương dịch bệnh

Thứ Hai, 02/08/2021 08:40 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Dịch Covid-19 bùng phát, các sân khấu đóng cửa, nghệ sĩ thất nghiệp, không còn thu nhập và buồn da diết vì nhớ khán giả. Nghệ sĩ Ái Như cũng thế.

Sân khấu không sáng đèn, nghệ sĩ muôn vàn khó khăn

Sân khấu không sáng đèn, nghệ sĩ muôn vàn khó khăn

Ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, sân khấu không sáng đèn, các nghệ sĩ ngừng biểu diễn, giảm thu nhập, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Đa phần các nghệ sĩ cắt giảm chi tiêu, một số nghệ sĩ bán hàng online kiếm thêm thu nhập trang trải đời sống.

Suốt mấy tháng TP.HCM tạm dừng nhiều hoạt động, Chủ nhật nào chị cũng đăng lên Facebook một tấm hình vở diễn. Theo chị, đó là hình ảnh gợi nhớ lại những khoảng khắc bình an, để khán giả quên bớt những con số bệnh nhân tăng vùn vụt. Đồng thời để bản thân cảm thấy vơi đi nỗi nhớ ánh đèn sân khấu.

1. Khi được hỏi rằng xa sân khấu chị buồn đến mức nào, Ái Như trả lời: “Tôi thấu hiểu những lo lắng và mất mát mà cộng đồng phải trải qua cùng dịch bệnh lúc này, nên những chuyện riêng tạm không nói ra. Nỗi nhớ sân khấu quá nhỏ bé so với những tổn thương vì dịch bệnh”.

Vào thập niên 1980, kinh tế đất nước khó khăn đến mức nhiều người dân thiếu ăn, cơ hội xuất cảnh định cư ở nước giàu có là giấc mơ đổi đời của không ít người. Ấy vậy mà Ái Như từ bỏ cơ hội ra nước ngoài đoàn tụ với gia đình, chị xin được ở lại để thực hiện ước mơ thành diễn viên.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Ái Như

Thế nhưng hoàn cảnh đưa đẩy, chị phải bán thuốc lá lẻ để mưu sinh, bạn bè và người thân tiếc cho chị đã đánh đổi quá lớn. Chị chỉ cười, mà không giải thích.

Sau nhiều khó khăn, cuối cùng chị cũng bước lên sân khấu chuyên nghiệp vào tuổi 27. Ngay lúc đó, chị đã hiểu được mình đã lựa chọn đúng. Về sau này, khi được cộng tác với nghệ sĩ Thành Hội, chị càng thấm thêm ý nghĩa sân khấu phải là thánh đường.

Và chị đã sống với điều ấy suốt 40 năm qua. Tới khi chị và Thành Hội thành lập sân khấu Hoàng Thái Thanh, quan niệm “sân khấu là đạo” càng được nhìn thấy rõ. Sân khấu kịch của chị là nơi mà ngay từ cánh cổng, khán giả được chào đón bằng mùi tinh dầu thoang thoảng, nụ cười và cái cúi chào lễ phép của nhân viên soát vé. Bên trong khán phòng là một sự tiện nghi. Và trên sân khấu là những vở kịch được dàn dựng chỉn chu từ âm nhạc, cảnh trí, nội dung câu chuyện đến phong cách biểu diễn của diễn viên. Trong thời buổi mà diễn viên trẻ tất tả chạy show ngược xuôi, thường xuyên trễ lịch tập và lỡ lịch diễn, nhưng tại sân khấu Hoàng Thái Thanh, ai không đảm bảo lịch tập sẽ bị cắt vai.

Cách làm việc nguyên tắc ấy rất bình thường với đời sống văn nghệ trước đây, nhưng hiện tại nó bị cho là cực đoan trong bối cảnh showbiz Việt đang rất náo nhiệt và bận rộn, nhiều nghệ sĩ trẻ chạy show đến mức không kịp đọc kịch bản.

Nhưng bù lại, Hoàng Thái Thanh là nơi hiếm hoi của đất Sài Gòn còn giữ nguyên ý nghĩa của khái niệm chính kịch.

Hầu hết các vở diễn của sân khấu này đều có kết cấu chặt chẽ trong đường dây kịch bản. Số phận nhân vật được cài đặt hợp lý và cảm xúc khán giả được đẩy lên dần theo diễn biến của câu chuyện. Trong những vở kịch tâm lý rất nghiêm túc của Hoàng Thái Thanh, vẫn có nhiều tình huống cười thú vị, nhưng không cần những mảng miếng hài thời thượng hời hợt, thiếu nghiêm túc. Nó là sự tiếp nối và phảng phất hình ảnh của những đoàn kịch Sài Gòn ngày xưa, của đời sống kịch TP.HCM thập niên 1980, hoặc của sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần thời hoàng kim thập niên 1990.

Tất nhiên, cái chất riêng của Hoàng Thái Thanh có sự đóng góp rất lớn của nghệ sĩ Ái Như trong vai trò bà bầu, tác giả, đạo diễn và diễn viên.

Chú thích ảnh
Ái Như vào vai bà Hai trong vở “Nửa đời ngơ ngác”

2. Mấy tháng qua, sân khấu Hoàng Thái Thanh đóng cửa vì dịch bệnh. Bản thân Ái Như hầu như không có thu nhập, nhưng chị vẫn cố gắng thu xếp một khoản tiền lương ít ỏi cho nhân viên của sân khấu. Chị và gia đình lặng lẽ góp vào các quỹ hoạt động thiện nguyện trong mùa dịch.

Ái Như chia sẻ: “Tôi rất day dứt khi chứng kiến cảnh người nghèo đang đuối sức vì dịch bệnh, nên phụ giúp được gì thì làm ngay. Tôi cũng muốn hòa theo các em nghệ sĩ trẻ làm tình nguyện viên trong mùa dịch, nhưng ở tuổi 61 với cột sống bị chấn thương nặng do té từ sân khấu xuống đất, tôi thấy mình không còn đủ sức. Thôi thì ở nhà tuân thủ tất cả các yêu cầu của ngành y tế, xem như bảo vệ được cho mình cũng là góp phần nhỏ bé bảo vệ cho cộng đồng”.

Hoàng Thái Thanh không chỉ gặp khó khăn trong mùa dịch, mà từ khi sân khấu thành lập đến giờ, nghệ sĩ Ái Như và Thành Hội đều chấp nhận cảnh bù lỗ. Họ chịu đấm ăn xôi đến ngày hôm nay chỉ dựa vào một điều duy nhất: Đam mê sân khấu.

Được hỏi là phải chịu lỗ suốt 10 năm như thế thì chị sống thế nào? Ái Như trả lời: “Sự thật thì ngày trước chúng tôi có một căn nhà lớn. Khi sân khấu cần tiền, chúng tôi cho thuê, rồi đi thuê lại căn nhà nhỏ với số tiền thấp hơn. Số tiền dư ra chúng tôi đầu tư vào sân khấu. Về sau này, chúng tôi mua căn hộ chung cư. Chồng tôi là một phó giáo sư, nhà nghiên cứu và giảng viên của Đại học Bách khoa TP.HCM. Thu nhập của anh cũng đủ để gia đình có một cuộc sống vừa vặn. Còn tôi, ngoài sân khấu Hoàng Thái Thanh, tôi cũng viết kịch bản cho các hoạt động nghệ thuật bên ngoài. Con cái chúng tôi đã trưởng thành và đã tự lo cho cuộc sống của mình. Trong cuộc sống vật chất, biết đủ là đủ. Chúng tôi sống giản dị, không phung phí. Tất cả số tiền kiếm được dùng để nuôi sân khấu, đời sống tinh thần của chúng tôi”.

Nguyễn Huy

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›