Theo đạo diễn Lê Quý Dương, "Huyền thoại tuổi thanh xuân" đã được dịch sang tiếng Anh và tiếng Bangladesh, được dàn dựng thành một chương trình sân khấu thực cảnh quy mô lớn tại ĐH quốc gia Dhaka vào đầu năm 2024.
Huyền thoại tuổi thanh xuân vừa được tác giả-đạo diễn Lê Quý Dương phối hợp Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam dàn dựng và công diễn vào Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Vở diễn tái hiện trên sân khấu câu chuyện về sự hy sinh của 10 nữ Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong đã hy sinh năm 1968 tại Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), một vùng trọng điểm đánh phá của địch nhằm ngăn chặn con đường tiếp tế cho chiến trường miền nam trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Theo Giáo sư Istafael Shaheen, Chủ nhiệm Khoa Sân khấu và Nghệ thuật biểu diễn Đại học quốc gia Dhaka của Bangladesh, ông rất xúc động khi đọc kịch bản vở Huyền thoại tuổi thanh xuân (Đỗ Minh Thu chuyển ngữ sang tiếng Anh).
Giáo sư Istafael Shaheen đã liên hệ với tác giả Lê Quý Dương và mời anh trực tiếp đạo diễn dàn dựng vở Huyền thoại tuổi thanh xuân để giới thiệu đến công chúng Bangladesh. Đó là cách ông mong muốn chia sẻ thông điệp "Hãy sống một cuộc đời đáng sống" cùng khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và những giá trị nhân văn mà vở kịch chuyển tải đến thế hệ trẻ Bangladesh.
Để chuẩn bị cho việc dàn dựng, đơn vị thực hiện của nước bạn đã tổ chức tuyển chọn diễn viên, đọc phân tích kịch bản và dự kiến sẽ dựng trên một thực cảnh lớn, tái hiện bối cảnh chiến tranh khốc liệt từ kinh nghiệm mà Huyền thoại tuổi thanh xuân được dựng tại Việt Nam.
Theo đó, mỗi nghệ sĩ, diễn viên khi được chọn sẽ tự mình đọc, tìm hiểu tư liệu về chiến tranh kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam và câu chuyện hy sinh của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc, cảm nhận về từng nhân vật mình thấy phù hợp, rồi viết thành bài luận cá nhân để báo cáo đạo diễn xin chọn vai.
Đạo diễn Lê Quý Dương đã hướng dẫn để đơn vị dựng vở tiến hành dựng thử trên thực cảnh ngoài trời để tìm hiểu khả năng lan tỏa và hiệu ứng từ khán giả trước khi bắt tay vào dàn dựng chính thức vào đầu năm 2024.
Tags