Nghệ sĩ cải lương 2 miền Nam Bắc đã hội ngộ trong Liên hoan Nghệ thuật Đờn ca tài tử mở rộng do Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng tổ chức tối 9/5, tại quảng trường Nhà hát thành phố. Đây là chương trình hưởng ứng Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng năm 2024 và kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2004).
Liên hoan quy tụ các nghệ sĩ, diễn viên của các Nhà hát Cải lương hai miền Nam, Bắc, gồm: Đoàn Cải lương Hải Phòng, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Cải lương Hà Nội và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.
Với chủ đề "Hải Phòng - Miền di sản 2024", Liên hoan giới thiệu tới nhân dân thành phố Hải Phòng và du khách về nghệ thuật Đờn ca tài tử, nguồn gốc bài ca vọng cổ, cải lương với những làn điệu có nội dung ca ngợi quê hương, đất nước.
Mở đầu Liên hoan, các nghệ sĩ cải lương mang tới khán giả bản hòa tấu Đoản khúc lam giang, Phú Lục, Tây Thi, Nam Xuân, Nam Ai, Nam Đảo. Đến với Liên hoan, khán giả cũng được thưởng thức các làn điệu vọng cổ như Dạ cổ hoài lang, Dòng sông quê em, đặc biệt là trích đoạn "Cung phi Điểm Bích".
Theo Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Vinh, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Liên hoan là dịp để các nghệ sĩ Cải lương 2 miền Nam Bắc hội ngộ, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp, phát huy giá trị đặc sắc, độc đáo của nghệ thuật Đờn ca tài tử. Các đoàn sẽ mang đến những chương trình biểu diễn đặc sắc phục vụ khán giả thành phố Cảng.
Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của người dân Nam Bộ, hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XIX, được tạo ra từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và kết hợp với các làn điệu dân ca ngọt ngào, sâu lắng của các địa phương, vùng, miền khác nhau của Nam Bộ.
Liên hoan diễn ra trong 2 ngày, ngày 8 và 9/5/2024, tại quảng trường Nhà hát thành phố Hải Phòng.
Tags