Nghệ sĩ cải lương Chí Linh: 'Cũng may tổ nghiệp còn thương'

Thứ Tư, 16/06/2021 08:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Nghệ sĩ Chí Linh chưa bao giờ là ngôi sao, nhưng đã nhiều năm nay cái tên Chí Linh - Vân Hà có một chỗ đứng khá vững chắc trong lòng khán giả mộ điệu cải lương, nhờ lối diễn và cách ca đầy cảm xúc.

Vở cải lương 'nàng Xê-Đa': Mới mẻ và sang trọng

Vở cải lương 'nàng Xê-Đa': Mới mẻ và sang trọng

Vở cải lương Nàng Xê-đa (kịch bản chèo: Lưu Quang Thuận - Lưu Quang Vũ, chuyển thể cải lương: Thể Hà Vân) từng đốn tim biết bao nhiêu khán giả suốt thập niên 1980, với khoảng 1.500 suất diễn, khi thu truyền hình lại gây một “cơn bão” khắp miền Nam. Công ty biểu diễn Song Việt vừa đầu tư tái dựng với bàn tay đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ, ra mắt suất duy nhất vào đêm 30/1 tại Nhà hát Bến Thành.

Trong thời điểm cải lương yếu ớt, nhiều người đã chọn một lối đi khác, Chí Linh và bà xã Vân Hà quyết định tận hiến cho tổ nghiệp bằng cách thành lập Đoàn cải lương Chí Linh - Vân Hà đi lưu diễn.

Thấy vợ chồng Chí Linh - Vân Hà cùng đoàn miệt mài đi lưu diễn, mà không dễ thành công, nhiều người đã gọi họ là “những kẻ điên trong ngôi đền nghệ thuật truyền thống”.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Chí Linh

“Nếu hát không có ai nghe, thì hát cho má nghe”

Chí Linh tên đầy đủ là Huỳnh Trung Đức, sinh năm 1964. Cha anh là chủ một tiệm may nổi tiếng của Sài Gòn hồi trước 1975. Khi anh 16 tuổi, 2 chị ruột là nghệ sĩ Tài Lương và Tài Linh đã thành đào hát có chỗ đứng, vì vậy, họ đã động viên anh học bài bản cải lương tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.

Khởi đầu, anh học cho vui thôi, nhưng càng về sau, trong anh bắt đầu trỗi dậy đam mê. Anh phát tiết tài năng đến mức thầy cô đã chọn anh đi du học về biên đạo múa tại Tiệp Khắc, nhưng anh từ chối.

Chú thích ảnh
Vợ chồng Chí Linh - Vân Hà

Thời điểm Chí Linh bắt đầu trưởng thành, sân khấu cải lương đang thời hoàng kim, vẫn còn đó những tượng đài như Minh Phụng, Minh Vương, Thanh Tuấn… trẻ hơn một chút có Vũ Linh, nên anh chỉ có cơ hội được hát ở đoàn 3 của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Sau 7 năm phục vụ, Chí Linh về Đoàn Cải lương Cửu Long hát kép chính. Lúc này, anh đã thành hôn với người bạn cùng khóa Vân Hà. Một thời gian sau, Chí Linh trở về Sài Gòn hát kép chính cho Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long cùng với đào chánh Ngọc Huyền. Lúc này Vân Hà cũng đã rời Trần Hữu Trang về hát cho Huỳnh Long. Tại đây, Chí Linh dần xác định được chỗ đứng. Anh đã có một lượng khán giả hâm mộ nhất định.

Tiếc thay, vì lý do cá nhân nghiêm trọng tới mức anh phải bỏ hát về nhà học nghề thợ bạc mưu sinh. Nghề mới cho anh một cuộc sống đủ đầy hơn, nhưng mỗi lần chạy ngang rạp hát, tim anh đau nhói. Mẹ anh là người nhìn thấu tâm can của con trai. Bà nói với anh: “Thôi con trở lại nghề hát đi, nếu hát không có ai nghe, thì hát cho má nghe”.

Thế là anh trở lại Huỳnh Long. Anh vẫn đường hoàng hát kép chính. Nhưng lại có sự cố ngoài ý muốn xảy ra, anh bỏ hát một lần nữa. Lúc này, anh về học may và nghĩ rằng vĩnh viễn chia tay với cải lương. Anh nói: “Tôi đã rời bỏ sân khấu 2 lần, nhưng nỗi nhớ làm tôi quay trở lại, cũng may tổ nghiệp còn thương mà cho thêm một cơ hội”.

Chú thích ảnh
Chí Linh vào vai Lê Hoàn, trong vở “Thái hậu Dương Vân Nga”

Tạo dấu ấn Chí Linh - Vân Hà

Thập niên 1990, khán giả bắt đầu ưa chuộng thể loại video cải lương. Do thị trường quá lớn, nên nghệ sĩ nào tham gia thu video đều có cơ hội nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền hơn. Thời điểm này, NSƯT Vũ Linh - Tài Linh là một “cặp sóng thần”, khiến khán giả say mê. Chí Linh - Vân Hà tuy ở vị trí đào kép nhì trong nhiều vở diễn, nhưng tài năng của họ cũng chinh phục được trái tim khán giả. Hình ảnh Tạ Tốn trong vở Ỷ thiên đồ long ký do Chí Linh thủ diễn đã tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng.

Anh và bà xã Vân Hà hóa thân vào rất nhiều vai diễn dễ thương, trong đó có Triệu Tử Long và Tam Kiều trong vở Về đất Kinh Châu.

Thể loại video phim truyện cải lương đã giúp cho Chí Linh - Vân Hà nổi tiếng. Kèm theo đó, là thành công về tiền bạc. Nhưng rồi phong trào video cải lương cũng xẹp xuống, sức sống của cải lương suy yếu. Lúc này, anh và chị chấp nhận hát cúng đình ở các Lễ kỳ yên, hát đám tiệc, hát trích đoạn ở các sự kiện nhỏ, chỉ với mục đích là giữ nghề để lâu lâu được mời hát một tuồng dài hơi, với đầu tư bài bản. Điều kiện làm nghề ngày càng khó khăn hơn, nhưng họ vẫn bám trụ năm này qua năm khác.

Vào năm 2015, giám đốc điều hành Trần Hào biết tin ông bầu trẻ Lê Hoàng muốn nhượng lại sân khấu, nên gợi ý Chí Linh tiếp nhận. Đây là thời điểm cải lương tiếp tục chìm trong khó khăn. Thế nhưng Chí Linh đã đồng ý và sân khấu Chí Linh - Vân Hà ra đời. Ông bầu Chí Linh kể lại: “Lúc không có sân khấu, chúng tôi phải chờ các đạo diễn mời hát. Cải lương khó khăn nên cơ hội hát càng ít dần. Vì thế, khi được hỏi ý kiến về việc thành lập đoàn hát, tôi cũng sợ mình chưa có kinh nghiệm, không giữ nổi. Nhưng nghĩ lại, nếu cải lương có thêm một đoàn hát tư nhân, cơ hội sân khấu sáng đèn sẽ nhiều thêm, sức sống cải lương thêm duy trì, bản thân chúng tôi cũng chủ động thêm việc trình diễn”.

Có thể nhờ tổ thương và cũng có thể vì nắm bắt được gu thưởng thức của khán giả, từ khi thành lập, suất diễn nào cũng bán sạch vé. Nhờ vậy, mà sân khấu đã sáng đèn liên tục được 6 năm. Trong khoảng thời gian đó, Chí Linh và Vân Hà vẫn nhận lời đi hát bên ngoài. Cách đây 1 năm, Chí Linh đã thể hiện xuất sắc vai chúa Trịnh Sâm trong vở Đam mê và quyền lực do NSƯT Hoa Hạ dàn dựng cho sân khấu Kim Ngân. Gần đây, anh hóa thân thật sống động vào vai tên trộm trong vở Nàng Xê-đa do Hoa Hạ dàn dựng cho sân khấu Đại Việt.

Mới đây, Đoàn Cải lương Chí Linh - Vân Hà tái dựng vở cải lương hồ quảng Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài. Ngày diễn được ấn định là 13/6/2021, vé đã bán gần hết, nhưng đại dịch tái bùng phát, đành phải dời lịch diễn. Chí Linh cũng mời 2 người chị là nghệ sĩ Tài Lương và ngôi sao Tài Linh về nước trình diễn. Dù rất khó khăn, nhưng Chí Linh vẫn muốn một lòng một dạ với cải lương. Anh âm thầm tận hiến và hy vọng một ngày nghệ thuật cải lương sẽ tỏa sáng trở lại.

Nguyễn Huy

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›