(Thethaovanhoa.vn) - Dù chỉ là một cuộc hội thảo khiêm tốn tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM vào cuối tuần qua, nhưng vấn đề đào tạo đại học đối với diễn viên, nghệ sĩ sân khấu lại không hề nhỏ...
Bởi từ rất lâu, nền sân khấu của chúng ta vẫn có rất nhiều cách trả lời cho câu hỏi chung: “Cái nghề rất đặc trưng này có cần... tới tấm bằng cử nhân không? Và nếu có, thì nên học thế nào?”.
Học ở trường hoặc ở lò
Thực tế sân khấu hiện nay tồn tại hai dạng nghệ sĩ, một được đào tạo trong trường lớp chính quy, hai là chỉ học qua các “lò” cải lương, hoặc các lớp kịch ngắn hạn. Và họ đều có người nổi tiếng, có “ngôi sao”.
Nhìn kỹ lại, trong lĩnh vực cải lương gần như các “sao” thường xuất thân từ các lò. Chẳng hạn thế hệ vàng của Minh Vương, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Hồng Nga, Thanh Sang, Thanh Tuấn… cho đến những “con nhà nòi” như Bảo Quốc, Thanh Tòng, Kim Cương, Thanh Ngân, Thanh Hằng… đều học từ ngay sàn diễn mà họ đầu quân, học từ những tiền bối mà họ ngưỡng mộ.
Rồi đến thế hệ Thanh Thanh Tâm, Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Hữu Quốc lại học từ cái lò Trần Hữu Trang, cũng liên kết với trường để cấp bằng cho họ thôi, nhưng mỗi giờ lên lớp là ngay chính sàn diễn của Nhà hát Trần Hữu Trang. Tương tự, còn một “lò” khác đã tạo ra không biết bao nhiêu ngôi sao như Quế Trân, Tú Sương, Trinh Trinh, Vũ Luân, Bình Tinh… là nhóm Đồng ấu Bạch Long. Một số nghệ sĩ nổi tiếng khác như Trọng Phúc, Minh Trường thì tự học hoặc bật lên từ giải Chuông vàng Vọng cổ.
Bởi thế, không lạ khi đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu khẳng định: “Tôi cho rằng nghệ sĩ cải lương học ở lò, ở thực tế các sàn diễn thì tốt hơn học ở trường. Tôi từng dạy ở đó mười mấy năm, tôi thấy chương trình học có nhiều thứ mất thời gian mà không dính dáng gì tới nghề”. Theo ông, nghệ sĩ cứ học thẳng ở thực tế và khi biểu diễn người ta cũng chẳng cần quan tâm nghệ sĩ đó có bằng cấp gì, chỉ quan tâm có ca hay, diễn hay không mà thôi.
Thực tế, trong lĩnh vực kịch thì đa số đều có học qua trường Sân khấu hoặc trường Văn hóa nghệ thuật TP.HCM ở hệ trung cấp hoặc cao đẳng. Rất nhiều “sao” từ Thành Lộc, Hữu Châu, Hạnh Thúy, Quốc Thảo, Tuyết Thu, Kim Xuân, Thanh Thúy, Mỹ Uyên, Ái Như, Thành Hội… đều được ái mộ khi đến với nghề theo con đường ấy. Và NSND Việt Anh cũng nói rất thẳng thắn: “Chỉ cần học chính quy đến mức đó thôi, không cần lên tới đại học. Vì hệ trung cấp và cao đẳng dạy thẳng vô nghề nhiều hơn, trong khi hệ đại học có quá nhiều thứ thuộc về nghiên cứu cao siêu. Các em cứ giỏi nghề cái đã, rồi sẽ tự nghiên cứu sau. Mình kéo dài thời gian học tới 4-5 năm làm chi mà ra trường không giỏi, tội các em tốn tiền, tốn thời gian”.
Theo phân tích của ông, các lớp ngắn hạn ở các sân khấu dạy có hiệu quả hơn, và hiệu quả rất nhanh. Chẳng hạn sân khấu Hồng Vân vừa tuyển vào một khóa đông cả trăm em, (đông hơn cả trường sân khấu), mà các em vừa có ngoại hình vừa có tư chất, học hành nghiêm túc, dạy rất thích. Ông nói: “Dạy thẳng vào 4 môn căn bản thôi (hình thể, kỹ thuật biểu diễn, vũ đạo, hóa trang) là ra làm nghề được rồi, không mất thời gian cho những thứ khác. Các ông bà bầu đều có sân khấu riêng, hoặc có show liên tục, nên dẫn học trò đi thực tập, rất mau tiến bộ”.
Thực tế, ngoài diễn sân khấu, lực lượng diễn viên trẻ theo học những khóa ngắn hạn như vậy còn đi đóng phim, làm sự kiện, sống được bằng nghề. Những trường hợp nổi lên như anh kép đẹp Hoàng Ngọc Sơn từng học ở Cao đẳng VHNT, hoặc Xuân Nghị từng học ở sân khấu Hồng Vân, là thí dụ điển hình.
Nhà trường phải đi tìm thí sinh chứ không ngồi đợi
Từ 2 luồng quan điểm ấy, đạo diễn Ái Như có ý kiến: “Tôi nghĩ cả hai cách đào tạo đều có cái hay. Trường lớp cung cấp kiến thức sâu rộng hơn, cũng không phải là thừa. Không có gì là thừa cả, vấn đề là mình biết sử dụng nó hay không”.
“Nói chung, học hệ nào cũng phải học tới nơi tới chốn, làm tới nơi tới chốn, chứ học ba mớ rồi cầm cái bằng thì dù là bằng của trường hay bằng của “lò” cũng vô ích. Người ta xem tác phẩm của anh chị thôi, chứ có ai hỏi tới cái bằng đâu” - chị nói thêm.
Thực tế, phân tích của NSND Trần Ngọc Giàu cho thấy: Để hiệu quả, việc tuyển sinh cần thực hiện ngay từ lớp 9 để các em học song song văn hóa và nghệ thuật, từ đó có thời gian đủ lâu cho quen nghề. Đặc biệt, với cải lương, các diễn viên phải học ca từ nhỏ, vũ đạo sớm từ khi xương cốt còn mềm. Còn theo đạo diễn NSND Trần Minh Ngọc, nhà trường phải đi tìm thí sinh chứ không hẳn ngồi đợi thí sinh tìm tới mình, phải phát hiện tài năng ở vùng xa - đặc biệt là những em nhỏ có năng khiếu - để sớm đưa vào đào tạo. Đặc biệt, cần ưu tiên tuyển thẳng những tài năng trẻ đã vào chung kết các cuộc thi như Chuông vàng Vọng cổ - khi các nhà đài đã “sàng lọc” giúp trường về năng lực.
Đạo diễn NSƯT Ca Lê Hồng đề nghị: Các trường đào tạo như ĐH SKĐA phải gắn với một vài sân khấu biểu diễn để các em có nơi thực tập thường xuyên - thay vì kiểu “dạy chay” phổ biến. Và từ khái niệm “dạy chay”, vấn đề chất lượng giảng viên cũng được đặt ra, khi đạo diễn Ái Như cho rằng người dạy phải có tác phẩm, chứ chỉ có lý thuyết thôi thì học trò cũng không bao giờ giỏi. Nói cách khác, dù bằng cấp là thạc sĩ, tiến sĩ đi nữa, việc không cọ xát thực tế sân khấu cũng là thiệt thòi với họ.
Nói như đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu, khi sân khấu biến đổi liên tục, thì giáo trình trên giấy không thể cứ đứng yên một chỗ. Muốn khắc phục những gì đang có, các trường đào tạo “cử nhân” cho diễn viên cần mời thêm các nghệ sĩ nổi tiếng bên ngoài về dạy - và tất nhiên, thù lao phải xứng đáng với chất xám họ bỏ ra.
Hoàng Kim
Tags