Nghệ sĩ đàn tranh Vanessa Võ Vân Ánh: Dù ở đâu, vẫn luôn tạo ra sự khác biệt

22/09/2014 17:13 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Ngay sau khi gây quỹ Nhịp cầu âm nhạc trong tháng 8 vừa qua tại Việt Nam, nghệ sĩ đàn tranh Vanessa Võ Vân Ánh trở lại Mỹ ngay để chuẩn bị cho vai trò giám khảo Vòng loại giải thưởng âm nhạc danh giá Grammy lần thứ 57, hạng mục World Music vào ngày 17, 18/9 tại Mỹ.

Vinh dự này được Ban tổ chức giải Grammy ghi nhận qua quá trình nghệ sĩ Võ Vân Ánh đã đóng góp cho dòng nhạc world music trong nhiều năm qua. Còn với Võ Vân Ánh, 4 năm trở lại đây chị mới thực sự có nhiều thời gian dành cho niềm đam mê của mình. Trước đó, như bao phụ nữ khác, gia đình chiếm khá nhiều thời gian của chị.

* Chị có phải chuẩn bị gì cho vị trí giám khảo của mình tại giải Grammy năm tới không? Chị có thể chia sẻ chút kinh nghiệm cá nhân để có thể làm việc với những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới?

- Sẽ không có gì phải chuẩn bị ngoài việc, tôi phải nghe rất nhiều CD gửi về tham dự giải. Hiện nay, các thành viên Ban giám khảo không được biết trước nhau vì Ban tổ chức tránh tình trạng các giám khảo hội tụ để xây dựng hình ảnh cho một nghệ sĩ nào đó.

Tôi nghĩ khi làm việc với các nghệ sĩ nổi tiếng dĩ nhiên họ đều là những người giỏi vì với tôi, họ không thể nào nổi tiếng mà không giỏi. Tất nhiên cũng có người nổi tiếng bằng cách này hay cách khác nhưng âm nhạc hay nghệ thuật nói chung, dù hay hay dở vẫn có nhóm khán giả riêng của mình.

Còn khi làm việc với nghệ sĩ quốc tế, tôi nghĩ mình phải khẳng định được mình là ai, gốc của mình ở đâu và mình phải biết lắng nghe, chia sẻ. Nếu bạn muốn được đánh giá cao, hãy chia sẻ những thông tin trung thực. Với những thông tin mình không biết phải thừa nhận là không biết, nhưng hãy cởi mở rằng mình biết người có thể trả lời tốt hơn câu hỏi đó. Âm nhạc là một câu chuyện và để tìm đến những điểm chung, mình phải biết cách đối thoại.

* Cuộc sống của chị thay đổi như thế nào từ một công dân Việt trở thành một công dân Mỹ?

- Từ cuộc sống cho đến con đường nghệ thuật, tôi đã có một sự thay đổi rất lớn khi sang Mỹ. Dù trước đó, không “xa lạ” gì với sự nay đây mai đó khi lưu diễn qua 25 nước trên thế giới nhưng tôi vẫn phải mất một thời gian dài để thích nghi với cuộc sống ở nơi đây. Cũng may mà có ông xã sống ở đây từ nhỏ, ổn định công việc và tương đối thành công trong sự nghiệp nên tôi đã có một sự chuẩn bị rất tốt khi bước vào cuộc sống mới, không phải như những người mới nhập cư, không có bạn bè.

Sang Mỹ cũng là bước ngoặt rất lớn trong con đường nghệ thuật của tôi vì âm nhạc của tôi khi còn ở Việt Nam khó thích hợp với thị trường, thị hiếu ở Mỹ. Điều đáng thử thách và tôi muốn chia sẻ là khi ở Mỹ, hơn bao giờ hết, tôi biết mình làm gì thì làm nhưng luôn xác định cho mọi người thấy mình là ai, tôi rất khác biệt, khác với những người Việt Nam khác và đặc biệt rất khác với các nghệ sĩ đến từ những quốc gia khác. Vì thế sự thay đổi lớn của tôi khi sang Mỹ là viết nhạc rất nhiều.

* Trong âm nhạc, chị theo đuổi world music với sự kết hợp cổ - kim. Còn trong cuộc sống riêng, chị tổ chức gia đình mình như thế nào?

- Thì cũng cổ - kim chứ! (cười). Vì thực ra âm nhạc của tôi đến từ cuộc sống gia đình. Ý tôi là tôi chơi nhạc nhưng cũng không chơi nhạc pop hay giao hưởng mà tôi chơi nhạc dân tộc. Với người phương Tây họ gọi đó là cổ điển truyền thống.

Cũng phải thừa nhận là học nhạc dân tộc nên mình có nhiều cái truyền thống nhưng cũng chính từ cuộc sống gia đình đã khiến tôi phải tìm cách thích nghi. Đặc biệt là các con tôi sinh ra tại Mỹ, được thừa hưởng những thế mạnh từ cuộc sống hiện đại nhưng tôi vẫn phải “uốn nắn” để giữ được cái gốc của các con là người Việt. Cả hai vợ chồng tôi từng bị các con than thở là “tiger mum, tiger dad” khi bắt chúng học toán quá nhiều. Chỉ có điều trong mọi vấn đề, chúng tôi luôn tìm cách để các con phát triển tự nhiên nhưng vẫn có nề nếp, có dân chủ để mọi người trong gia đình có cơ hội chia sẻ suy nghĩ của mình nhưng ý kiến cuối cùng vẫn là bố mẹ quyết định.

* Người Việt - nhất là phụ nữ, thường phải đau đầu khi muốn chu toàn “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Còn chị thì sao?

- Tôi nghĩ rằng, không chỉ người Việt đâu mà phụ nữ nào cũng muốn có sự nghiệp thành đạt và gia đình hoàn hảo. Vì thế, đây sẽ là nỗi đau đầu của phụ nữ toàn thế giới!

Tất nhiên, phụ nữ càng thành công trong công việc thì phải mất bớt thời gian với gia đình. Vì thế giải pháp của tôi là mình chỉ làm tới mức mình có thể nhận được vì suy cho cùng, mình làm không phải để theo đuổi kinh tế.

Hơn nữa, dù thành công thì cũng chỉ đến một mức nào đó thôi và nếu muốn giữ sự cân bằng trong cuộc sống gia đình thì không thể tham quá. Đối với nhiều gia đình, người mẹ lúc nào cũng cần có mặt ở nhà thì gia đình mới hạnh phúc được nhưng đối với gia đình tôi, tôi nhận được sự ủng hộ của chồng con mỗi khi đi diễn xa nhà.

* Nếu không phải vì chị có một niềm đam mê riêng, với cuộc sống đầy đủ của gia đình hiện có, bản thân chị có muốn làm một bà nội trợ thuần túy?

- Chắc chắn là không! Dù biết làm nội trợ có nhiều niềm vui, nhất là chỉ cần nhìn thấy con mình lớn là vui rồi. Nhưng đó cũng là cuộc sống khiến mình bị bó buộc và luẩn quẩn trong xã hội rất nhỏ của các con.

Tôi nghĩ ít nhiều, cũng phải có một công việc nào đó để đưa mình ra ngoài xã hội. Còn với một người phụ nữ đã đạt được những thành công nhất định, lại càng khó khi phải lùi lại một bước trong sự nghiệp, chỉ lo nội trợ trong nhà.

* Người ta có câu sau lưng một người đàn ông thành đạt, luôn có bóng dáng của một người phụ nữ. Với chị, điều đó có phải là ngược lại? Và đằng sau chị, là một người đàn ông như thế nào?

- Mặc dù trong gia đình tôi có sự phân chia công việc rõ ràng: người lo về kinh tế, người lo về tinh thần (là tôi) nhưng cho đến lúc này, tôi nghĩ rằng sự thành công của cả hai vợ chồng có được, đều là bởi mỗi người chúng tôi luôn biết nhường nhau “tiến lên - lùi xuống” đúng thời điểm. Nên khi chồng là người rất thành công thì tôi luôn là người đứng sau anh ấy. Và thành công của tôi cũng dựa trên “nguyên lý” này. Thực sự, 4 năm trở lại đây tôi cũng mới có nhiều thời gian dành cho âm nhạc và gặt hái những thành công. Tôi đã làm được điều đó từ sự ủng hộ, chia sẻ và đồng cảm từ chồng - một người rất am hiểu nghệ thuật. Còn để nhận được sự hỗ trợ như thế, tôi cũng phải biết chia sẻ và lắng nghe. Chúng tôi luôn cư xử với nhau như vậy.

* Vẫn biết, chị theo đuổi đam mê của mình không phải vì lo kinh tế nhưng tôi muốn hỏi, với những hoạt động như chị đang có như biểu diễn, viết nhạc cho các dự án phim, giảng dạy, hoạt động xã hội… Như thế có đủ cho một cuộc sống tại Mỹ?

- Thực sự mà nói, nếu chỉ để có một cuộc sống ổn định thôi thì đủ vì những thành công đã đem lại vị trí cũng như kinh tế cho tôi. Tuy nhiên, để có cuộc sống như gia đình tôi đang có lại là không đủ vì đời sống của gia đình tôi hiện nay là khá cao.

Tôi đã làm rất nhiều việc khác nhau trong âm nhạc nhưng yêu thích nhất vẫn là biểu diễn, sáng tác và giảng dạy. Lý do là bởi biểu diễn giúp tôi giới thiệu con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới, sáng tác giúp tôi chuyển tải suy nghĩ tình cảm của chính mình còn giảng dạy chính là để gìn giữ văn hóa dân tộc, tạo nên những thế hệ kế tiếp duy trì và phát triển âm nhạc nước nhà.

* Cảm ơn chị.

Nghệ sĩ Vanessa Võ Vân Ánh, sinh năm 1975, học đàn tranh từ năm 6 tuổi trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Năm 1995, chị đoạt giải Nhất cuộc thi Tài năng trẻ đàn tranh toàn quốc và giải Nhất độc tấu nhạc dân tộc hiện đại - tiền đề cho sự phát triển dòng nhạc world music mà chị đang theo đuổi. Năm 2003, chị sáng tác âm nhạc cho bộ phim được đề cử giải Oscar Daughter From Danang, năm 2009 chị đoạt giải Emmy Awards với soundtrack phim Bolinao 52 và gần đây nhất, bộ phim tài liệu A Village Called Versailles với phần âm nhạc do chị đồng sáng tác đã đoạt giải thưởng Khán giả trong Liên hoan phim New Orleans. Năm 2013, CD Three Moutain Pass của chị đoạt Top 10 những CD hay nhất thể loại world music tại Mỹ và Top 50 những CD hay nhất của tất cả các thể loại âm nhạc tại Mỹ.

Bài: Ngọc Minh - Ảnh: Christine Jade
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm