"Đóng 30% tiền cọc với tôi đã là con số quá lớn. Nhà trả góp 15 năm. Thời điểm tôi mua nhà là 51 tuổi, chỉ còn 9 năm là hết tuổi lao động nên họ tư vấn để con trai tôi đứng tên nhà", nghệ sĩ hài Phương Bình nói.
Nghệ sĩ Phương Bình là gương mặt quen thuộc với khán giả Việt qua hàng trăm sitcom, phim truyền hình, tiểu phẩm hài. Dù hào quang không thua ai nhưng cuộc đời anh lại vô cùng thăng trầm.
Cực khổ vào nghề, từng vá xe mưu sinh
Nghệ sĩ Phương Bình sinh ra và lớn lên tại Trà Vinh. Hồi đó, trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Đại học Sân khấu & Điện ảnh TPHCM) tuyển sinh ở từng địa phương, qua 2 vòng năng khiếu mới được thi văn hóa.
Mới thi xong vòng 1 năng khiếu, anh đã được đặc cách thi văn hóa luôn mà không cần thi năng khiếu vòng 2. Phương Bình không đẹp nhưng lại đậu thủ khoa lớp diễn viên năm đó.
Như các bạn, Phương Bình đi học, mỗi tháng được nhận lương 13.000 đồng, nửa cân thịt và 13 cân gạo. Bữa nào cũng ăn uống cực khổ với một nhúm rau muống chặt thành từng khúc và mấy con ruốc li ti. Học được 2 tháng, ăn uống cực khổ quá nên Phương Bình viết thư về cho ba mẹ xin về quê kiếm nghề khác.
Được gia đình, thầy cô, bạn bè động viên, khuyên nhủ, anh ở lại học, cố gắng theo nghề rồi quen khổ lúc nào không hay. Để cải thiện cuộc sống, ngày Phương Bình đi học, tối anh cùng bạn đi vá xe ở ngã tư công viên 23/9.
Tốt nghiệp, Phương Bình về công tác tại Đoàn Ca múa nhạc tổng hợp tỉnh Trà Vinh. Nhiều nghệ sĩ trong đoàn là người Sài Gòn không chịu được cuộc sống khổ cực nên đã bỏ về và phải bồi thường. Phương Bình con nhà nghèo, không có tiền để bồi thường nên đành chịu.
Nhưng mọi người bỏ đi hết, còn mình anh nên không diễn được. Vậy là Phương Bình được giao đảm nhận tiết mục hài kịch cuối chương trình khoảng 15 phút.
Lương diễn ngày Tết là 50.000 đồng/ đêm, những ngày vắng khách, anh được trả phân nửa. Ngôi sao tăng cường về đoàn, diễn xong được chở về trung tâm thuê nhà trọ ngủ còn anh em diễn viên của Đoàn Ca múa nhạc thì ngủ ở lồng chợ.
"Lúc đó làm gì có sân khấu. Cái sân vận động lớn, quây bạt lại làm sân khấu. Ngủ dưới đất thì sợ cảm lạnh nên anh em vào nhà lồng trong chợ ngủ trên thớ thịt, hôi gần chết, muỗi mòng cắn không ngủ được. Tối nào cũng thức tới 3,4h sáng, mệt quá mà gục xuống thiếp đi", Phương Bình từng kể (nguồn Trí Thức Trẻ).
Cuộc sống quá cực khổ nên được một thời gian, Phương Bình lên Sài Gòn mưu sinh, anh làm một chiếc tủ nhỏ để bán nước, thuốc lá ngay trước cổng trường Sân khấu điện ảnh cho tới ngày về quê cưới vợ.
Gần 30 năm sống xa vợ, bi kịch con suýt bị mù
“Một nửa” của nghệ sĩ Phương Bình cũng là người bạn thân từ thời học sinh. Vợ anh học Đại học Tổng hợp khoa Văn. Chuyện tình của hai người từng gặp không ít sóng gió khi gia đình nhà vợ không thích Phương Bình làm nghệ sĩ vì sợ nghệ sĩ lãng mạn, bay bướm, lăng nhăng rồi con gái khổ.
Nhưng rồi bằng tình yêu chân thành, nghệ sĩ Phương Bình được bố mẹ vợ tin tưởng gả con gái cho. Năm 1992, anh và vợ làm đám cưới.
Phương bình về công tác ở Đài truyền hình tỉnh. Dù vẫn được tham gia các chương trình văn nghệ phong trào nhưng anh vô cùng nhớ nghề. 2 năm sau, anh xin vợ cho quay lại Sài Gòn làm nghề nhưng không được, anh lặng lẽ trốn đi.
Biết chồng quá mê nghề nên vợ anh đành chịu hy sinh, thay chồng ở nhà chăm sóc dạy dỗ con cái còn bản thân Phương Bình cứ miệt mài đi làm, dành dụm rồi gửi về quê.
Vợ chồng nghệ sĩ Phương Bình có 2 người con trai. Vì công việc, anh ít được về thăm vợ con nên mỗi lần về, bế con là con không chịu. Anh phải ở lâu, kiên nhẫn lắm mới bế ẵm được. Con vừa kịp quen hơi thì anh lại lên Sài Gòn.
Phương Bình từng kể trong chương trình "Các ông bố nói gì tuần này" rằng, lúc mới sinh, cậu con trai lớn suýt bị mù: "Khi mới sinh, con tôi bị nhiễm trùng mắt, hai ba ngày sau không mở được, bế ra nắng thì mủ trong mắt trào ra. Tôi nhìn mà đau xót, cứ nghĩ con bị mù rồi.
Tôi phải bế con chạy thẳng ra viện mắt. Bác sĩ nói gia đình tôi gặp may, chỉ cần chậm 5 tiếng nữa thôi là con tôi mù hẳn. Thời đó, bệnh viện 9 giờ tối đã đóng cửa mà tôi đi diễn tới 11 giờ mới xong. Vừa diễn xong, tôi bế con vào thấy bệnh viện đóng cửa, phải leo rào vào.
Thực ra, không có ông bố nào muốn sống xa vợ xa con hết, do hoàn cảnh mưu sinh, niềm đam mê nghề nên mới phải chấp nhận chuyện đó. Mọi chuyện về con cái vợ tôi đều lo được".
Năm con trai lớn học lớp 9, dưới quê rộ lên tệ nạn học đường, vợ chồng anh cho con lên Sài Gòn học, cha con gần nhau cũng dễ quản lý, dạy bảo. Con lớn tốt nghiệp Đại học Văn hóa, công tác tại một công ty truyền thông và đã lập gia đình. Con trai út học Đại học Trà Vinh chuyên ngành du lịch.
Sau mấy chục năm sống xa nhau, phải tới khi lên chức ông bà nội, vợ chồng nghệ sĩ Phương Bình mới mong được gần nhau mỗi ngày.
23 năm ở nhà thuê, khó khăn tới mức phải xin tiền vợ
Quay lại Sài Gòn từ năm 1994 nhưng mãi tới 2014, Phương Bình mới mua được căn chung cư dành cho người thu nhập thấp ở Bình Chánh theo diện trả góp. 23 năm ở nhà thuê là những khó khăn khủng khiếp mà không từ ngữ nào tả hết.
Có những lúc, Phương Bình khó khăn tới mức phải xin tiền vợ. Học phí 1 tháng từ 7 đến 12 triệu/ tháng, tiền nhà 4, 5 triệu/ tháng nên mỗi tháng, tiết kiệm lắm, Phương Bình cũng phải kiếm được ít nhất 20 triệu thì cha con mới đủ sinh hoạt. Tháng nào bí quá thì anh xin vợ, tháng nào làm dư, anh gửi về lại.
Để cải thiện cuộc sống, Phương Bình cũng mở quán nhậu. Quán làm ăn phát đạt nhưng vì "tiếp khách" nhiều nên được 7 tháng thì chân tay anh phù cả lên do gan không bài tiết được dẫn tới dị ứng nặng. Anh đi show, không ai quản lý, dần dà quán làm ăn thua lỗ. Thế là anh sang quán.
Sau 23 năm lăn lộn mưu sinh ở Sài Gòn, cuối cùng nghệ sĩ Phương Bình cũng mua được căn chung cư trả góp nhưng đứng tên con trai. Anh chia sẻ: "Riêng khoản đóng 30% tiền cọc với tôi đã là con số quá lớn. Mình vay mượn thì lãi mẹ đẻ lãi con, mai mốt có khi mất luôn cả tiền của mình.
Khổ cái là nhà trả góp 15 năm. Thời điểm tôi mua nhà là 51 tuổi, chỉ còn 9 năm là hết tuổi lao động. Họ tư vấn tôi để con trai đứng tên nhà, còn tôi là người hỗ trợ. Tôi ưa nói vui, tiền mình đóng hàng tháng nhưng nhà đó mình không có quyền vì tên của con. Vui thì nó cho ở, buồn nó cho ra khỏi cửa cũng phải chịu.
Nhưng mình mua nhà sau này cũng để cho con cháu thôi. Vợ chồng tôi tính rồi, mình còn căn nhà dưới quê. Nếu ki cóp được mà mua cho thằng út một căn khác thì tốt, còn không thì vợ chồng ở với nó. Chúng nó mà không chịu thì lúc già, vợ chồng vô viện dưỡng lão.
Tôi nói vui thôi, chứ hai thằng con rất ngoan, biết lễ nghĩa, phải quấy. Cha mẹ nuôi con tới lúc trưởng thành, chỉ mong nó không quậy là mừng lắm rồi, còn có hiếu hay không là chuyện của nó. Các cụ bảo, nước mắt chảy xuôi, có đâu chảy ngược. Nó biết nghĩ tới cha mẹ thì mình hạnh phúc, không thì thôi", (nguồn Trí Thức Trẻ).
Tags