Nghệ sĩ Hương Thanh: Làn điệu quê hương là không có đúng sai

Thứ Tư, 22/03/2023 07:57 GMT+7

Google News

Đã khá lâu rồi nữ nghệ sĩ hải ngoại Hương Thanh - người được mệnh danh là "sứ giả nhạc cổ và dân ca Việt Nam tại Âu châu"- mới tái ngộ khán giả quê nhà, trong một buổi tiệc âm nhạc có hương vị rất riêng: Hương Thanh-Hẹn ở Sài Gòn. Đêm nhạc vừa diễn ra tại Nhà VOH, TP.HCM cách đây ít hôm.

Sự hào hứng và những lời khen tặng của khán giả khi đến với đêm nhạc là điều dễ hiểu, khi món ăn nghệ thuật này khá hiếm hoi trong thực đơn âm nhạc hiện nay. Một đêm của những bài hát dân ca và mang âm hưởng dân ca được thể hiện lại, hòa âm, phối khí theo cách hiểu Tây phương, những bài lý với cách thể hiện mộc mạc nhất.

Đây còn là dịp Hương Thanh hội ngộ, gặp gỡ những nghệ sĩ đã và đang gắn bó với âm nhạc của mình, theo từng quãng thời gian khác nhau. Nói như nhạc sĩ Đức Trí: "Bài hát là cái cớ để chơi nhạc, là cái cớ để chúng tôi gặp nhau, để các anh chị nghệ sĩ được khoe ngón đàn của mình trong những nhạc cụ khác nhau, cùng chơi với niềm đam mê bất tận dành cho nhạc điệu quê hương".

Làn điệu quê hương là không có đúng sai - Ảnh 1.

Ca sĩ Hương Thanh

Người sứ giả miệt mài

Chỉ trong một tuần, khán giả yêu nhạc có dịp gặp lại tiếng đàn của người nghệ sĩ kỳ cựu Nguyên Lê mấy lần, từ các đêm diễn Bống là ai? của Hồng Nhung đến đêm nhạc của Hương Thanh.

Nếu như Bống là ai? là màn chào sân cho sự kết hợp của lần đầu giữa tay guitar cự phách này với Hồng Nhung, thì trong đêm nhạc Hương Thanh-Hẹn ở Sài Gòn là dịp tái ngộ. Bộ đôi Nguyên Lê- Hương Thanh đã có một thời gian dài cộng tác với nhau rất thành công, trong các album như Tales from Vietnam, Moon and Wind, Fragile Beauty

Làn điệu quê hương là không có đúng sai - Ảnh 2.

Nguyên Lê hội ngộ với Hương Thanh ở TP.HCM

Sự tái ngộ lần này cũng cho thấy hành trình âm nhạc dân tộc của Hương Thanh không chỉ dừng lại ở sự kết hợp với Nguyên Lê. Hương Thanh ngày mộtđa dạng hơn, trong nhiều dự án âm nhạc. Việc chị chọn các bài hát cũng cho thấy phần nào của sự đa dạng hóa ấy. Album nhạc jazz Sài Gòn, Saigon gồm những ca khúc tiền chiến nổi tiếng và những sáng tác mới của Hương Thanh là ví dụ.

Trước đó, chị còn du diễn khắp nơi trong ban nhạc Camkytiwa (cầm-kỳ-thi-họa) mà Hương Thanh là người sáng lập, với 3 nghệ sĩ Yan Li (Trung Quốc) chơi đàn hồ (cò); Etsuko Chida (Nhật) chơi đàn koto và E'joung Ju (Hàn Quốc) chơi đàn gômungo. Nhóm Camkytiwa cũng từng gây ấn tượng mạnh với live show tại TP.HCM năm 2011.

Ấy là chưa kể thời gian qua Hương Thanh dành cho Chansons de mon enfance (Những bài hát của tuổi thơ tôi) - album thứ 8 trong sự nghiệp - chủ đề dạy hát dân ca Việt cho trẻ em Việt xa xứ.Và mới nhất, là kết hợp với Đức Trí, trong Hẹn ở Sài Gòn.

Hương Thanh thường kể chuyện chị là con của nghệ sĩ cải lương Hữu Phước, có chị lớn là Hương Lan, từ bé đã say sưa học cải lương, kịch, tân nhạc, cổ nhạc đủ cả. "Từ lúc 16 tuổi ở Việt Nam, chưa ai biết mình con của ai, em của ai, khi sang Pháp, ban đầu hát trong các cộng đồng nho nhỏ, mình kiên trì lắm. Rồi dần dần mới trở thành Hương Thanh như bây giờ".

Làn điệu quê hương là không có đúng sai - Ảnh 3.

Nguyên Lê, Hương Thanh và các nhạc sĩ Patrice Heral, Franck Tortiller - các cộng sự quen thuộc

Hương Thanh từng hài hước ví von rằng cho người nước ngoài nghe nhạc dân tộc mình cũng giống như mình tập ăn phô-mai vậy. Khi mới sang Pháp lúc 16 tuổi, chị không ăn được phô-mai, nhưng lâu dần, thì cũng quen và thấy ngon. Nhạc dân tộc cũng vậy, khán giả Âu- Mỹ lần đầu nghe thấy lạ, nhưng nhờ có những âm thanh quen thuộc của saxophone, của piano, dần dần cũng thấy quen.

Hương Thanh nói mình hát dân ca cũng là cách để tìm lại nguồn gốc của mình. Kẻ "một kiểng hai quê" như Hương Thanh dễ có nhiều tâm trạng lắm. Hễ chị về Việt Nam thì nhớ bên Pháp, về Pháp lại nhớ Việt Nam. Thành ra nhiều khi trong tâm không được yên ổn cho lắm. Chỉ khi hát những làn điệu quê hương, là lúc thấy lòng bình yên nhất.

Đức Trí và sự kiện 35 năm có một

Người mời Hương Thanh về kỳ này không ai khác là Đức Trí. Sự kiện thuộc chuỗi chương trình âm nhạc nghệ thuật Musicque de salon mà nhạc sĩ này đã khởi xướng, thực hiện cùng Gia Định Audio, đến nay đã ra được số thứ 4. Đây cũng là lần đầu tiên Hương Thanh chính thức biểu diễn trên sân khấu lớn cùng Đức Trí, như là cuộc hạnh ngộ của những người bền lòng với nhạc dân tộc.

Làn điệu quê hương là không có đúng sai - Ảnh 4.

Nhạc sĩ Đức Trí chơi nhiều nhạc cụ dân tộc trong đêm nhạc của Hương Thanh

Đức Trí cho biết: "Lúc nhỏ ba tôi bắt tôi học đàn cải lương. Tôi thì mê cây piano, mê đánh trống lắm, nhưng cứ phải học cây đàn kìm thì mới được học trống, học đàn bầu thì mới được học piano. Nhờ vậy nên tôi chơi được nhiều nhạc cụ. Đêm nhạc Hương Thanh là dịp duy nhất tôi được chơi lại các nhạc cụ dân tộc mà rất lâu rồi chưa có dịp biểu diễn trên sân khấu".

Tính ra, đã 35 năm rồi anh mới biểu diễn đàn bầu và các nhạc cụ cổ truyền khác. Hết chơi từ đàn tỳ bà, đàn nguyệt, đàn sến, đến độc huyền cầm, tam huyền cầm. Và chơi rất khéo. Thông thường, dùng đàn tì bà ít ai chơi trong các bài dân ca miền Trung, mà chủ yếu là chơi các bài lý, dân ca miền Nam. Nhưng Đức Trí vẫn chơi để cho thấy khi tiếp tục với một bài lý của miền Trung như Lý mười thương, đàn tì bà vẫn rất hợp.

Đức Trí cũng bày tỏ quan điểm của anh khi chơi nhạc dân tộc: "Việc nghe và hát dân ca là của mọi người, không của riêng ai. Người ta hay cãi nhau là cái nào là đúng, hát thế nào cho đúng. Không có cái nào đúng hoặc cái nào sai, chỉ có hát hay hoặc không hay mà thôi".

Đức Trí nói thêm: "Hương Thanh hát theo kiểu của chị. Trong nghệ thuật không có ranh giới nào, tôi hiểu bài hát này như thế và tôi trình bày theo cách của tôi. Phá bỏ định kiến cũ khi kết hợp giữa dân ca với nhạc jazz, tôi phải biến tấu nhiều để làm sao sau khi nghe bản phá cách của mình, khán giả sẽ tìm nghe phiên bản thuần túy để thưởng thức. Đó là cách mình hướng dẫn người nghe tìm cái thuần túy, nguyên bản".

Minh Minh

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›