Nghệ sĩ Mai Thành - 'Hạnh phúc khi nói được tiếng lòng của nhiều số phận'

Thứ Tư, 13/05/2020 19:57 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Nghệ sĩ Mai Thành luôn khẳng định, công việc của một diễn viên lồng tiếng không hề nhẹ nhàng theo cách người ta nghĩ là suốt ngày ngồi trong phòng máy lạnh, được... coi phim mới và nói chuyện. Thực tế, họ là những người bận rộn với cái đầu không một chút thảnh thơi…

NSƯT Hùng Minh: 'Biết giấu mình đi để nhân vật được sống'

NSƯT Hùng Minh: 'Biết giấu mình đi để nhân vật được sống'

Nếu thuyết minh là lời đọc của một người cho toàn bộ hội thoại trong phim, thì nghề lồng tiếng theo nhận định của NSƯT Hùng Minh chính là “Biết giấu mình đi để nhân vật được sống”.

Để làm gì? Ông khẳng khái nói: “Để đi tìm hạnh phúc vì mình được nói tiếng lòng của nhiều số phận”.

Cần thanh, không cần sắc

Nghệ sĩ Mai Thành có thâm niên lồng tiếng cho những vai diễn của chính mình trên màn ảnh, có khi ông lồng tiếng cho những vai phụ, tựu trung đều có số phận. “Cái nghề lồng tiếng ngộ lắm, cứ nhìn màn hình và nói suốt khiến người lồng tiếng như bị stress. Nhưng nó bổ sung cho người làm nghề sự mẫn cảm, biết chia sẻ vì bản thân được sống trong quá nhiều hoàn cảnh. Có khi cầm kịch bản lên không nói được, tự nhiên nước mắt lại rơi” - ông lý giải gọn ơ như thế.

Theo ông, một diễn viên lồng tiếng đôi khi phải gánh tới mấy nhân vật trong một phim, đọc suốt từ sáng đến tối, có khi về đến nhà mệt bã người. Nhưng ông cực kỳ yêu thích nghề này bởi ngoài nghề diễn viên, ông còn được diễn xuất bằng giọng nói, đó là bộ môn nghệ thuật giúp người diễn viên đốt cháy giai đoạn nhanh nhất trong cách hóa thân vào nhiều tính cách, nhiều số phận nhân vật. Chưa kể đến các nhân vật hoạt hình, chương trình quảng cáo, kịch phát thanh trên audio, hài hước, trò chơi điện tử có lồng tiếng nhân vật và con rối.

Khi nước mắt rơi được, nghĩa là đã thực hiện được nghề lồng tiếng một cách “ngon ăn”. Vì theo ông, nghệ sĩ lồng tiếng cần "thanh" không cần "sắc". Vai của họ mỗi ngày một khác, đòi hỏi sự thăng hoa, cũng có thể liên quan đến ca hát nhất là khi phải lồng tiếng cho phim Ấn Độ.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Mai Thành

Để tồn tại với nghề lồng tiếng, ông dành nhiều thời gian nghiên cứu khả năng biểu đạt qua từng vai diễn, với nhiều tính cách khác nhau. Ông nói, ở Nhật Bản, ngành nghề này có khoảng 130 trường và đoàn lồng tiếng của các công ty truyền thông. Trong khi ở Việt Nam, phim và chương trình tiếng nước ngoài được phụ đề tiếng Việt trên truyền hình mãi đến năm 1985 mới có trường dạy, mà rộ lên chỉ từ phim bộ cần chuyển âm. Phim hoạt hình Rio là bộ phim chiếu rạp của Hollywood (Mỹ) đầu tiên được lồng tiếng Việt. Kể từ đó, những phim thiếu nhi nước ngoài chiếu rạp đều được lồng tiếng.

HTV3 là kênh truyền hình có các chương trình truyền hình lồng tiếng cho thiếu nhi, bằng cách dùng nhiều diễn viên lồng tiếng để lồng vai nhân vật. Những bộ phim nước ngoài trên HTV3 chủ yếu do TVM Corp lồng tiếng. TVM Corp ngoài lồng tiếng chương trình thiếu nhi còn lồng tiếng cho phim truyền hình châu Á, Âu như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ.

“Giới trẻ theo nghề này ngày nay có nhiều cơ hội để rèn luyện, vì những năm gần đây các kênh truyền hình các tỉnh nhập về nhiều phim các nước Thái, Hàn, Ấn Độ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức… và cần đội ngũ lồng tiếng đa dạng hóa nghề và tìm được sự chuẩn hóa. Bởi, công nghệ thu âm, chỉnh sửa bằng máy móc ngày nay dựa theo công nghệ 4.0, nên giới trẻ làm nghề lồng tiếng đã nắm bắt rất nhanh những thay đổi của thế giới để áp dụng cho nghề” - ông nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Mai Thành trong phim “Long thành cầm giả ca”

Khóc cười sau micro, nhưng hãnh diện vô cùng

Nghệ sĩ Mai Thành gắn bó với đoàn kịch nói Kim Cương, ông chuyên đóng những vai ông già trên sân khấu cho đến màn ảnh nhỏ. Cái nghề lồng tiếng đối với ông là được khóc, cười cùng nhân vật sau micro, nhưng khi ông đi xem, đặt mình vào ghế khán giả, thấy phim thành công, có sự đóng góp của mình trong đó, ông hãnh diện vô cùng. “Nghề lồng tiếng âm thầm làm cho các số phận thăng hoa cảm xúc, chỉ bằng giọng nói của mình tôi có hàng trăm số phận rất thú vị” - ông nói.

Kể lại quãng đời đến với nghề, ông cho biết, năm 13 tuổi, ông cùng gia đình di cư từ Long Xuyên lên Sài Gòn. Mê hát từ nhỏ, mỗi lần có được tiền ăn sáng, ông gom góp đi mua những cuốn sách in bài vọng cổ để tập hát . Khi 16 tuổi, ông thi vào khóa diễn viên đầu tiên của Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP.HCM). "Tôi đã được thầy Năm Châu và cô Bảy Phùng Há dạy dỗ, khi thì chạy cờ, múa kiếm, khi thì làm nghề nhắc tuồng, quân hầu, múa roi ngựa... Để từ đó mơ được làm kép đẹp trên sân khấu cải lương” - ông bồi hồi nhớ lại.

Thế nhưng ra trường ông về Đoàn Kịch nói Kim Cương, rồi đắt sô quay truyền hình cho nhiều ban kịch. Mà số của ông chuyên đóng vai ông già. Đến khi có thêm nghề lồng tiếng ông cũng thoại đa số là nhân vật già.

Không để bị trùng lắp từ diễn xuất cho đến nghề lồng tiếng, với mỗi nhân vật, ông chọn cách thể hiện khác nhau. Ông là người có ý kiến tranh luận nhiều nhất khi bước vào phòng thu âm để vai diễn của ông hay hơn.

Năm nay đã 81 tuổi, nhưng ông chưa một ngày ngơi nghỉ. Cứ có phim, có kịch, có sô lồng tiếng là lên đường cùng cái ba-lô quen thuộc.

Nói về niềm mơ ước, ông cười: "Tôi cầu nguyện Tổ nghiệp cho tôi có được cơ hội như NSND Bảy Nam ở tuổi 94 vẫn được được lên sân khấu diễn cùng con cháu”.

Đối với NS Mai Thành, ông luôn đề cao chuẩn mực làm nghề, đó là cách học tuồng, tạo sự tương tác với bạn diễn. 30 năm trôi qua, kể từ ngày đóng bộ phim đầu tiên, niềm say mê điện ảnh trong lòng ông vẫn hừng hực. Hiện nay những khi rảnh, ông vẫn tranh thủ dạy ca hát, dạy múa cho các diễn viên trẻ tại nhà văn hóa các quận và Trường Khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, CLB Bừng Sáng...

Cuộc sống đời thường của ông rất hạnh phúc với người vợ và 8 con. Con út của ông năm nay đã 34 tuổi, đại gia đình của ông cộng lại có 36 con, cháu, dâu, rể. Bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình của ông là: "Làm đúng bổn phận của người chồng, người cha và người nghệ sĩ công dân".

Cần nhân rộng việc dạy nghề lồng tiếng

* Ông có hài lòng với cuộc sống hiện tại?

- Tôi sinh năm 1939, năm nay 81 tuổi Tây, 82 tuổi ta rồi. Trong sự nghiệp tôi được biết đến với các vai diễn trong các vở cải lương nổi tiếng như: Khi người điên biết yêu, Giai nhân và ác quỷ, Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo, Men nắng, Vó ngựa truy phong... Bước vào làng điện ảnh từ năm 1981, tôi cũng có nhiều vai diễn hay như: Giám đốc Tư Trực trong phim Biển sáng. Sau này các đạo diễn tìm vai ông già đều mời tôi thể hiện và được khen ngợi qua các phim: Xóm nước đen, Chuyện của Tuấn, Chim phóng sinh, Chung cư, Con chó Phèn, Ngày ấy quê tôi, Người đẹp Tây Đô, Sương gió biên thùy... Gia đình tôi hạnh phúc, con cháu ngoan hiền, vậy là tôi hài lòng quá rồi.

* Nếu quay lại thời kỳ đầu, ông có chọn thêm nghề lồng tiếng?

- Tất cả đều đủ duyên để có được cái nghề nuôi bản thân và làm giàu cho hành trang nghệ thuật. Như đã nói, tôi thích nghề lồng tiếng. Hiện nay do sức khỏe yếu nên tôi từ chối nhiều, tôi nghĩ các trường nghệ thuật của Việt Nam cần nhân rộng việc dạy nghề này, để phim quốc tế có nhiều màu sắc khi nhập về Việt Nam, phục vụ cho khán giả thích được xem phim lồng tiếng.

* Ông mong muốn điều gì cho nghề lồng tiếng hiện nay?

- Đội ngũ diễn viên lồng tiếng hiện nay nói thừa cũng được mà thiếu cũng được. Bởi vì chưa có chiến lược phát triển, điều chỉnh. Tôi mong có một giáo trình được chuẩn hóa để đào tạo nguồn nhân lực thật tốt cho ngành nghề này trong tương lai.

* Xin cảm ơn ông!

Thanh Hiệp

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›