Cuốn sách ảnh Hành trình cùng lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Xu-Đăng (NXB Thông tấn, 2022) của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á đã ghi lại những hình ảnh sống động về những “chiến sĩ mũ nồi xanh” Việt Nam trong quá trình thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan (Xu-Đăng).
Nhân dịp ra mắt cuốn sách ảnh và khai mạc triển lãm cùng tên tại Hà Nội cuối tuần qua, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với nhiếp ảnh gia Nguyễn Á.
Cảm hứng từ những “chiến sĩ mũ nồi xanh”
* Cơ duyên nào để anh có chuyến hành trình sát cánh cùng lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan?
- Ngày 23/3/2021, tôi được tới tiếp cận tiễn đoàn Bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 3) lên đường đến Nam Sudan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, tại sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi được gặp Trung tá Trịnh Mỹ Hòa - giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 3). Khi ấy, tôi chỉ nói giỡn chơi với anh: “Hòa ơi, không biết một ngày nào đó anh có được qua bên bển để tác nghiệp hay không?”. Không ngờ, sau này, “một ngày nào đó” đã thành sự thật.
Đi bất cứ nơi đâu, con người của tôi chỉ có nụ cười, trái tim và những cuốn sách. Mọi người vẫn yêu quý tôi bằng sự chân thực, vì tôi tạo được lòng tin nơi mọi người. Những cuốn sách của tôi đã đến được tay các vị lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Đây là điều may mắn, giống như trúng số. Và cuối cùng, tôi đã nhận được quyết định của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về việc đi cùng lực lượng gìn giữ hòa bình đến Nam Sudan. Tôi rơi nước mắt, vì mong đợi của mình đã thành hiện thực.
* Được biết chuyến đi của anh tại Nam Sudan diễn ra đúng 1 tháng. Anh có thể chia sẻ thêm về quá trình tác nghiệp của mình?
- Giữa Việt Nam và Nam Sudan có sự chênh lệch múi giờ nên để có những giấc ngủ ngon cũng khó. Thế nhưng, tôi được sống trong một môi trường mà bản thân luôn rất muốn tác nghiệp mọi lúc mọi nơi. Tại bệnh viện dã chiến của Việt Nam đóng tại Bentiu, lực lượng y tế luôn bận rộn liên tục từ sáng đến chiều. Nhiều hoạt động từ chữa bệnh, dân vận… đến những hoạt động sinh hoạt thường nhật như trồng cây, nấu ăn v.v… đều là những hoạt động khiến tôi thích. Tôi luôn muốn mình trong trạng thái cầm máy để có được càng nhiều bức ảnh càng tốt, bởi đây là cơ hội hiếm hoi không phải lúc nào cũng đến.
Trong quá trình 1 tháng, bất cứ giờ nào tôi cũng có thể bấm máy chụp ảnh từ sáng sớm cho đến tối. Khi các chiến sĩ xuất quân đi dân vận, hoặc khi có bệnh nhân, tôi đều đi theo, bất kể giờ giấc. Đây là một môi trường tác nghiệp không có bất cứ sự sắp đặt nào từ trước, mọi khoảnh khắc đều được ghi lại bằng hình ảnh.
Chuyến đi của tôi bắt đầu từ 27/4 đến 27/5, và khi ra sách là ngày 1/7. Tức là từ ngày đi đến ngày ra sách chỉ có 64 ngày. 1 tháng tại Nam Sudan tôi luôn cố gắng hết sức, thậm chí khi trở về tôi đã sụt 5kg. Tôi muốn vừa chụp ảnh, vừa biên tập thực sự chu đáo và kỹ lưỡng để chuẩn bị cho cuốn sách.
* Còn những khó khăn của anh trong quá trình tác nghiệp thì sao?
- Môi trường sống ở đó thiếu nước trầm trọng, rất nóng, gió bụi, lốc xoáy… Và vấn đề an toàn cũng rất quan trọng. Liên Hợp Quốc cũng như Bệnh viện đã có những khuyến cáo từ trước rằng quá trình làm việc phải thật cẩn thận, kỹ càng. Do đó, trong quá trình tác nghiệp tôi phải tuân thủ các nội quy của Bệnh viện. Tại đây, bệnh viện dã chiến chỉ cách trại tị nạn chứa hàng nghìn người dân địa phương qua một tấm hàng rào.
Thời gian ấy, ngày nào tôi cũng cầm máy ảnh, thậm chí ngủ cũng mơ có chiếc máy ảnh trên tay. Khi làm nghề, tôi luôn đau đáu một điều: Những bức ảnh hôm nay phải mới hơn, tốt hơn hôm qua. Phải làm sao dựa vào câu chuyện của những “chiến sĩ mũ nồi xanh” để truyền cảm hứng cho tất cả mọi người.
* Vậy sau chuyến tác nghiệp theo chân những “chiến sĩ mũ nồi xanh” tại Nam Sudan, anh nhận được điều gì về cho mình?
- Sau chuyến đi, tôi có được nhiều năng lượng. Đầu tiên là năng lượng ở một môi trường nước ngoài, nơi tôi học được nhiều điều ở những người trẻ. Đó là những chiến sĩ đang lan tỏa lòng yêu nước với sự giỏi giang và tinh thần cống hiến trên một đất nước xa xôi của châu Phi. Họ là những người mang đến cho tôi nhiều năng lượng và cảm xúc cho cuốn sách ảnh lần này.
Chuyến đi còn cho tôi thấy sự thương yêu, đoàn kết. Tôi may mắn có cơ hội được đồng hành cùng lúc với 2 lực lượng của Bệnh viện dã chiến 2.3 và 2.4. Đó là dịp hiếm hoi trong đời để tôi phần nào góp sức khắc họa hình ảnh về con người Việt Nam đang thông qua tổ chức Liên Hợp Quốc để chung tay giúp đỡ bạn bè quốc tế.
Ngoài ra, tôi có dịp giới thiệu thêm về con người và đất nước Nam Sudan, một quốc gia tuy còn bất ổn về chính trị, cuộc sống còn muôn vàn khó khăn nhưng người dân vẫn luôn lạc quan, tươi vui và vô cùng mến khách. Mỗi lần gặp đoàn Việt Nam, họ luôn nở nụ cười và nói với chúng tôi: “Việt Nam good, Việt Nam number one”. Tôi cảm thấy tự hào khi hình ảnh Việt Nam hiện diện thật đẹp trong trái tim họ.
Với một người cầm máy ảnh, quan trọng nhất vẫn là được làm những điều mình thích, và thích những điều mình làm. Tôi đã có được điều ấy. Quan trọng hơn, tôi luôn thấy mọi thứ xung quanh đều nhẹ nhàng, đều đẹp và tôi yêu chúng. Có như vậy, mới có thể hóa giải được những nặng nề về tiền bạc, danh vọng, chức tước… (Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á) |
“Tôi chỉ có tấm lòng…”
* Được biết, anh đã có 17 cuộc triển lãm, 16 cuốn sách ảnh. Vậy, đâu là cuốn sách mà anh tâm huyết nhất?
- Bất cứ cuốn sách nào tôi làm, tôi cũng đều tâm huyết. Mỗi cuốn sách của tôi là một chuyên đề. Ví dụ, chuyên đề về những người khuyết tật truyền cảm hứng, về di sản Việt Nam, về biển đảo của Việt Nam. Gần nhất, tôi cũng làm 2 cuốn sách ảnh về dịch Covid-19 trên cả nước và ở TP.HCM. Đây là những đề tài khó, đòi hỏi người chụp lao vào những điểm nóng.
Nhưng, tôi thấy may mắn khi mỗi ngày mình vẫn có những điều mới mẻ để làm. Tôi luôn muốn làm cái mới, tuyệt đối không làm cái cũ, không trùng lặp.
- Triển lãm ảnh và ra mắt sách ảnh 'Lý Sơn – Hôm nay' của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á
- Nguyễn Á ra mắt sách ảnh về bóng đá Việt Nam 2018
- Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á: 'Hầu đồng Việt Nam đang có sức sống mãnh liệt nhất'
* Cho đến nay, đã có hơn 30 năm cầm máy ảnh, có nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, vậy nhiếp ảnh đã mang đến cho anh những điều gì?
- Nếu để lặp lại một lần nữa, tôi vẫn chọn con đường này - con đường sống và làm nghề với nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh đã cho tôi nhiều bạn bè, tạo cho tôi nhiều tình yêu của mọi người dành cho mình. Tôi chỉ có tấm lòng, và mọi người đến với tôi qua mỗi cuộc triển lãm và ra mắt sách bằng tình thương. Họ thấy được sự chân tình của mình, thấy mình có trách nhiệm với cuộc đời, và đến với mình bằng sự chia sẻ. Đó là điều quan trọng nhất của một người cầm máy ảnh.
Những giải thưởng đến một thời điểm nào đó sẽ không còn quá quan trọng. Quan trọng hơn là chúng ta làm được điều gì cho đời. Những cuốn sách của tôi có lẽ sẽ truyền được động lực cho nhiều người. Đó là điều mong muốn của tôi.
Tôi là một người luôn nhẹ nhàng với mọi thứ, nên luôn muốn mọi thứ đến với mình theo một cách tự nhiên, bình yên. Song, nếu đã làm, phải đi tới tận cùng, để mọi người có thể đặt lòng tin ở mình. Làm tốt ắt sẽ được tin yêu và trao cơ hội để làm tiếp. Đó là những điều mới, và là cách mọi thứ sẽ đến rất tự nhiên. Đó cũng là điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất trong những điều hạnh phúc.
* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện!
Vài nét về nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á Nguyễn Á sinh năm 1968, có hơn 30 năm cầm máy và gắn bó với nhiều thể loại ảnh, từ thời trang, album cưới, nghệ sĩ cho đến báo chí, nghệ thuật… Anh đã được trao nhiều giải thưởng và danh hiệu trong nước, quốc tế. Nguyễn Á dành nhiều tâm huyết với sách ảnh nghệ thuật theo chủ đề, gây ấn tượng với các sách và triển lãm song hành như: Hoàng Sa - Trường Sa, biển đảo Việt Nam (2014); Hầu đồng Việt Nam (2018); Khi ta đang còn trẻ (2019); Chúng tôi là Việt Nam (2021); Sài Gòn ngoan cường (2021) v.v… |
Công Bắc (thực hiện)
Tags