Chiều nay (20/5), trong khuôn khổ Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất tại Hải Phòng đã diễn ra cuộc tọa đàm Phát triển sân khấu dành cho thiếu nhi.
Như tin đã đưa, Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất diễn ra từ 13 - 20/5 tại Hải Phòng, do Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, UBND thành phố Hải Phòng, Sở Văn hóa & Thể thao Hải Phòng và một số đơn vị liên quan tổ chức.
Cuộc tọa đàm Phát triển sân khấu dành cho thiếu nhi diễn ra chiều nay với sự tham gia của đông đảo các nghệ sĩ, nhà quản lý… ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của người làm nghề.
NSND Trung Hiếu: Thiếu hụt các sân khấu văn hoá truyền thống Việt Nam dành cho thiếu nhi
NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội - cho rằng: "Sân khấu vốn là một loại hình mang đủ yếu tố có thể thu hút và khiến khán giả nhỏ tuổi yêu thích. Tuy vậy, có một điều dễ nhận thấy rằng, ngoài loại hình múa rối nước mang nội dung và hình thức đậm bản sắc dân tộc và được nhiều người biết đến đông đảo, thì những loại hình nghệ thuật sân khấu khác chưa được biết đến nhiều, đặc biệt là sân khấu kịch nói với chủ đề mang màu sắc văn hoá Việt Nam".
Tuy nhiên, hiện nay, các sân khấu kịch nói đều gặp vấn đề nan giải là khan hiếm kịch bản hay. Các tác phẩn sân khấu được dàn dựng thường được lấy cảm hứng từ hình tượng nhân vật hoặc cốt truyện nước ngoài. Cũng dễ lý giải điều này, bởi ngày nay, trẻ en được tiếp xúc sớm với các kênh giải trí và truyền thông thông qua nhiều đồ điện tử tiện dụng. Trẻ em lên mạng, xem các kênh phim, kênh giải trí của nước ngoài nhiều. Và thế hệ nhỏ tuổi, các con bị thu hút và yêu thích những sản phẩm giải trí của nước ngoài nhiều hơn.
"Chính vì nắm bắt tâm lý và thị yếu của khán giả nhí, các đơn vị nghệ thuật có sự lựa chọn về nội dung và cảm hứng các tác phầm nghệ thuật cho thiếu nhi là những nội dung liên quan đến văn học, giải trí, nội dung và hình tượng nhân vật nước ngoài nhiều.
Nhiều các bạn thiếu nhi yêu thích các nhân vật nước ngoài, biết những câu chuyện cổ tích nước ngoài, hơn là những câu chuyện và vở diễn có nội dung về văn hoá Việt Nam. Đó là điều đáng suy nghĩ và cần tìm phương ăn giải quyết" - nam nghệ sĩ nhận định.
Các tác phẩm nghệ thuật mang tính truyền thống, có nội dung và màu sắc văn hoá Việt Nam cũng là một "cuốn sách", một cây cầu kết nối giúp các thế hệ nhỏ tuổi của Việt Nam hiểu hơn về Hà Nội, về Tổ quốc thân yêu. Từ những chương trình nghệ thuật mang màu sắc và nội dung của văn hoá truyền thống, các con sẽ thêm yêu và trân trọng những giá trị văn hoá của đất nước ta.
Thực tế, theo nhận xét của NSND Trung Hiếu: "Tuy vậy, các tác phẩm sân khấu hiện nay chú trọng nhiều đến tính giải trí và phổ cập đối với thiếu nhi hơn những yếu tố văn hoá, giáo dục. Những bài học lồng ghép trong tác phẩm còn gượng ép và chưa thiết thực. Dẫn đến việc tới Nhà hát thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật sân khấu của các bạn thiếu nhi hiện nay chưa phát huy được hết tác dụng và vai trò quan trọng trong việc giáo dục và định hướng nhân cách, tình yêu nước và sự hiểu biết về văn hoá dân tộc.
Chính vì vậy, việc đưa công tác giảng dạy và giáo dục Nghệ thuật vào trường học càng sớm sẽ càng tạo điều kiện và nguồn lực thuận lợi cho sự phát triển của Nghệ thuật đất nước ta. Nhận thức được điều này, Nhà hát Kịch Hà Nội đã triển khai "Đề án Sân khấu Kịch học đường" và hy vọng rằng đề án này sẽ được lan toả rộng rãi, mang đến lợi ích dài hơi, sâu rộng cho thế hệ người Việt hiện nay và tương lai".
Chúng ta cần tập trung và nỗ lực không ngừng xây dựng, bảo tồn, duy trì và phát triển Sân khấu truyền thống với hệ thống các tác phẩm mang đậm bản chất và văn hoá dân tộc. Và những thế hệ khán giả nhí ngày hôm nay cần phải được chăm chút, đầu tư để trở thành những con người biết thưởng thức, yêu thích và đam mê nghệ thuật. Đó cũng chính là nguồn nhân tố bí ẩn đầy tiềm năng có thể trở thành những nghệ sĩ tài hoà mà đất nước ta mong chờ.
Sân khấu biểu diễn nói chung và loại hình kịch nói nói riêng từ đó cũng sẽ trở nên đa dạng, các tác phẩm mang tính truyền thống và hiện đại sẽ phục vụ được nhiều tầng lớp người dân với nhiều độ tuổi khác nhau. Đó là đích đến tốt đẹp mà chúng ta cần phải hướng tới.
NSƯT Sĩ Tiến: "Sân khấu hóa các Tác phẩm Văn học" dành riêng cho thiếu nhi
Năm 2024, tròn 46 năm trên hành trình nghệ thuật sôi nổi với vô vàn dấu ấn đáng nhớ qua các giai đoạn. Nhà hát Tuổi Trẻ đã dàn dựng hơn 100 vở diễn lớn nhỏ dành cho thiếu nhi ở nhiều thể loại nghệ thuật khác nhau, đón hàng triệu lượt khán giả tới rạp cũng như lưu diễn tại các trường học, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo khắp trên cả nước, tham dự nhiều sự kiện, liên hoan sân khấu, dự án hợp tác quốc tế nghệ thuật dành cho trẻ em khuyết tật tại Thái Lan, Ấn Độ, Đức, Nam Phi, Mexico, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Thụy Điển, Đan Mạch…và gần đây là dự án hợp tác Sân khấu Nhạc kịch Thiếu nhi giữa Nhà hát Tuổi Trẻ với Nhà hát Sangsangmaru của Hàn Quốc.
"Từ khi ra đời đến nay, Nhà hát Tuổi Trẻ tự hào về thành tựu đã tạo ra một không gian Sân khấu nơi những câu chuyện được kể bằng ngôn ngữ nghệ thuật vô cùng phong phú, hấp dẫn dành cho khán giả trẻ như một sứ mệnh và tôn chỉ.
Nhà hát cũng là nơi đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và trưởng thành của nhiều thế hệ nghệ sĩ trẻ tài năng, có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của nghệ thuật sân khấu nước nhà lan tỏa các giá trị Chân – Thiện – Mỹ đến các tầng lớp trong xã hội đặc biệt là khán giả trẻ.
Trước khó khăn chung của ngành Nghệ thuật biểu diễn khi phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ với các phương tiện nền tảng kỹ thuật số, các rạp chiếu phim hiện đại cùng các bộ phim "bom tấn", Nhà hát Tuổi trẻ đã không ngừng nghiên cứu tìm những giải pháp ngắn hạn, dài hạn để tháo gỡ khó khăn" - NSƯT Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - cho biết.
Được biết, Nhà hát Tuổi trẻ lập kế hoạch lịch biểu diễn cho cả năm và sớm thiết kế các Poster với đầy đủ kịch mục, tên chương trình theo mùa, theo các ngày lễ kỷ niệm… Đẩy mạnh truyền thông tổng lực trước đợt diễn hoặc các vở diễn, chương trình sắp diễn ra một cách toàn diện trên Fanpage, FB, Website, Tiktok (thậm chí lập riêng Fanpage riêng cho từng vở để khán giả không bị lẫn về từng chương trình)...
"Bên cạnh đó xây dựng mô hình "Sân khấu hóa các Tác phẩm Văn học" dành riêng cho Thanh thiếu niên, nhi đồng thông qua hoạt động này giúp các em được giao lưu trao đổi trực tiếp với các nhà chuyên môn, nghệ sĩ yêu thích, đồng thời giúp học sinh vận dụng các kiến thức văn học vào thực tế, đưa văn học tới gần hơn với đời sống, giúp nâng cao hiệu quả giáo dục sáng tạo, phát triển năng lực tư duy, hướng tới cụ thể hóa cách giảng dạy và học tập một cách có hiệu quả. Đan xen trong buổi thưởng thức nghệ thuật là chương trình talk show thú vị trao đổi với các chuyên gia khách mời (Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà chuyên môn, KOLs, KOC…) về phương pháp phân tích nhân vật, nội dung vở diễn liên hệ thực tiễn với các bài giảng trên học đường của nhà trường.
Sự cộng hưởng giữa diễn xuất của diễn viên và cảm xúc của các em trong vai trò vừa là khán giả, vừa là đối tượng tương tác với nghệ sĩ diễn xuất cùng các yếu tố hỗ trợ khác của sân khấu sẽ hình thành một không khí "Sân khấu học đường – Sân khấu hóa các tác phẩm Văn học" tiêu biểu, một món ăn tinh thần mới cho các em nhằm thu hút thêm các khán giả trẻ khác đến với nhà hát" - nghệ sĩ Sĩ Tiến chia sẻ thêm.
"Đồng hành các dự án nghệ thuật, Nhà hát luôn củng cố xây dựng đội ngũ nghệ sĩ và cán bộ trước hết phải có tâm huyết với sự nghiệp định hướng thẩm mỹ nghệ thuật cho trẻ em, năng động và sáng tạo trong phương pháp tiếp cận với trẻ em.
Sân khấu cho thiếu nhi chính là sự bắt đầu cho lớp khán giả tương lai, đây là một hướng đi đúng đắn mà Nhà hát Tuổi trẻ đã chọn trong suốt 46 năm qua, chúng tôi sẽ luôn phấn đấu là Nhà hát Quốc gia phục vụ thanh thiếu nhi được đông đảo khán giả yêu mến xứng tầm khu vực và thế giới" - Giám đốc Nhà hát tuổi trẻ khẳng định.
Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng năm 2024 diễn ra từ ngày 13 đến ngày 20-5 tại Hải Phòng. Đây là lần đầu được tổ chức, quy tụ 14 đơn vị nghệ thuật tham gia, với 17 vở diễn đặc sắc. Trong đó, 12 vở biểu diễn tại Nhà hát thành phố, 5 vở biểu diễn tại Nhà hát Tháng Tám.
Tags