"Phải nói rằng, má ba Thanh Nga uy nghi lắm, rất ít khi đùa giỡn, nhưng nếu không biết gì chỉ cần hỏi là bà sẽ chỉ dạy nhiệt tình" – nghệ sĩ Thanh Hằng tâm sự.
Thanh Hằng từng là một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng trong thập niên 80 và 90, cùng thế hệ NSƯT Vũ Linh, NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Thanh Thanh Tâm…
Bà được biết đến một nữ nghệ sĩ đa tài, có thể hóa thân vào nhiều loại vai tuồng như đào thương, đào mùi, đào lẵng mùi, lẵng độc, đào độc, vai mụ. Thanh Hằng cũng thành công bên mảng hài kịch, điện ảnh các vai diễn của bà đều được thể hiện xuất sắc.
Sắp tới đây, nghệ sĩ Thanh Hằng sẽ trở lại sóng truyền hình với vai trò giám khảo chương trình Tài danh Tân cổ 2023 phát sóng trên THVL1.
Trước khi ghi hình chương trình, nữ nghệ sĩ chia sẻ đôi điều với chúng tôi về chuyện đời, chuyện nghề.
Con gái sống ở Úc, rành tiếng Anh hơn tiếng Việt nhưng vẫn mê cải lương
Được biết, năm nay là năm đầu tiên cô và con gái ăn Tết cùng nhau tại Việt Nam sau 6 năm cô về nước. Cảm xúc của hai mẹ con thế nào?
Đúng rồi, đến giờ cũng đã 6 năm tôi trở về Việt Nam và được công nhận là công dân Việt Nam. Đây là điều khiến tôi vui mừng và hạnh phúc lắm.
Năm nay càng hạnh phúc hơn khi lần đầu tiên tôi được đón con gái Thúy Nga trở về quê hương ăn Tết năm 2023. Không chỉ cùng ăn Tết, hai mẹ con tôi còn được trình diễn một tiết mục trong chương trình Vui Xuân cùng THVL 2023.
Phải nói đây là một bước ngoặt đầu đời của con gái tôi và tôi chính là người dìu dắt, dẫn đường cho con bước lên sân khấu. Nuôi con từ tấm bé, chứng kiến quá trình trưởng thành của con, nay lại được chứng kiến con lên sân khấu, đó là cảm giác vui mừng khó tả của người làm mẹ như tôi.
Con gái cô rất yêu thích cải lương dù sống ở nước ngoài. Đây là điều hiếm thấy ở thế hệ trẻ. Điều này diễn ra tự nhiên hay là thành quả giáo dục, định hướng của cô từ khi con còn nhỏ?
Thúy Nga qua bên Úc sống từ nhỏ nên tiếng Việt rất hạn chế, nhưng bù lại có máu văn nghệ ở trong người sẵn rồi. Vì ở bên đó học tiếng Anh nhiều hơn, về nhà mới nói tiếng Việt với mẹ nên con không có nhiều thời gian học hỏi về cải lương. Khi học nhạc, Thúy Nga hát tiếng Anh nhiều hơn, nhưng con cũng thường xuyên theo dõi giai điệu dân ca qua băng đĩa, truyền hình.
Cải lương khó lắm, không dễ học đâu, học phải có thầy, có trường, có lớp đàng hoàng chứ học kiểu copy thì không có căn bản. Thúy Nga dù ở nước ngoài nhưng thích nghe những ca khúc về dân ca nhiều rồi tự nhiên tìm hiểu ra bài Nỗi buồn mẹ tôi và lén ca ở trong phòng.
Nghe xong, nó nói với tôi rằng con thích bài này quá. Tôi lập tức bảo con ca thử cho mình nghe. Nghe xong, tôi thấy cũng được rồi mới hướng dẫn cho Thúy Nga những chữ tiếng Việt sao cho rành hơn.
Sau khi thu âm, Thúy Nga tự nghe mình ca rồi nói: Mẹ ơi bây giờ con thích nghe nhạc dân ca nhiều hơn nhưng cải lương mẹ phải chỉ con từ từ, con cũng rất thích vọng cổ nhưng mà con chưa ca được. Con làm được con mới dám hát, dám thu. Mẹ chỉ con ca dân ca trước đi rồi từ từ con sẽ ca vọng cổ theo mẹ. Thí dụ cái nào khó quá thì mẹ ca, cái nào mà dễ mẹ chỉ con ca.
Cứ như vậy, tôi chỉ cho con hát cải lương từng chút một. Hai mẹ con cứ thế ca cho nhau nghe rồi cải lương thấm dần vào con gái tôi.
Tự khóc, tự cười, tự diễn cải lương một mình ở bãi đậu xe
Cảm xúc của cô như thế nào khi con gái thích theo nghiệp mẹ?
Tôi hạnh phúc lắm vì trong số các con chỉ có Thúy Nga mặn mà với nghệ thuật và sân khấu.
Ban đầu, tôi trăn trở hoài vì đâu nghĩ con sẽ về Việt Nam. Tôi cũng chỉ nghĩ rằng con mình sẽ theo dòng nhạc bên Úc, chứ không ngờ rằng con về Việt Nam rồi lại thích dòng nhạc dân ca.
Sau khi nghe con thu xong bài Nỗi buồn mẹ tôi, tôi bảo con nói: Nếu mẹ nói thật tình thì con hát chưa hẳn được gọi là hay. Nhưng thứ nhất là âm hưởng, thứ hai là cảm xúc, con ca trong bài này đều có, khi nghe lại mẹ thấy rất dễ thương. Bên trong sự dễ thương đó là sự chất phát, cảm xúc từ trái tim. Cho nên mẹ khuyến khích con nên tìm thêm nhiều bài nữa về dân ca.
Đến giờ thì Thúy Nga vẫn đang phải học nhiều vì tiếng tiếng Việt cũng còn lơ lớ. Nhưng tôi luôn bảo con rằng, nếu con làm được điều đó thì các bạn trẻ cùng thế hệ rất là tôn trọng và quý con.
Tuy là người gốc Việt nhưng con sống ở Úc, mà lại giỏi tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt. Khi con ca được dân ca, con ca được tiếng Việt dù còn ca lơ lớ, nhưng điều đó vẫn khiến mẹ hạnh phúc, hãnh diện và tự hào rằng con của mẹ luôn luôn hướng về nguồn cội của mình, là tiếng Việt Nam, là dân tộc Việt Nam.
Trong 15 năm sống tại nước ngoài, cô có khi nào chạnh lòng nhớ và muốn quay lại sân khấu?
Có thể nói đó là nỗi khổ lòng, khoảng thời gian tôi cảm thấy bơ vơ. Điều hạnh phúc của tôi là được đứng trên sân khấu vì sân khấu là nơi bảo bọc Thanh Hằng.
Bởi vậy, suốt 15 năm sống ở nước Úc, không ngày nào tôi vơi đi thương nhớ, mà càng nhớ lại càng sâu đậm nhiều hơn nữa. Vì không biết phải làm thế nào nên mỗi khi chở con đi học xong, thời gian rảnh chưa nấu cơm nước gì, tôi thường tìm ra ngoài chỗ đậu xe để hát.
Công viên ở bên Úc rất vắng, ít người qua lại gần như chỉ có mình mình nên tôi thường lấy beat nhạc ra tự ca tự diễn, tự nhớ lại những nhân vật, những vai mà mình từng diễn. Thậm chí, tôi tự cười, tự khóc một mình đến khi cân bằng cảm xúc lại về nhà và trở lại nhịp sống bình thường.
Má ba Thanh Nga chỉ kêu nhẹ một tiếng "Má ơi" mà tự nhiên người ta khóc
Được biết, cô từng có thời gian tiếp xúc và làm việc với nữ hoàng sân khấu Thanh Nga. Cô có thể chia sẻ kỷ niệm và tình cảm của mình dành cho huyền thoại cải lương này?
Lúc 10 tuổi, bà ngoại có cho tôi đi học nhịp thầy Út Trâm. Có một chút nhịp trong người, trong đầu, trong tiếng của mình rồi thì bắt đầu học ca, học diễn.
Gần như trong dòng máu của tôi đã là bốn đời nghệ sĩ. Ông bà, cha mẹ tôi đã là nghệ sĩ rồi nên có một truyền thống là chỉ có mặn mòi nghe ca và xem diễn thôi, mọi chuyện khác không chú ý tới nhiều. Tôi lại mê má ba Thanh Nga dữ lắm, giờ phút nào má tập tuồng thì đứng kế bên đó.
Thời điểm tham gia đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, tôi khoảng 13,14 tuổi, còn rất nhỏ và mới chỉ là diễn viên múa thôi chứ chưa phải là nghệ sĩ trong đoàn.
Khi má ba Thanh Nga hát ngoài sân khấu thì tôi ngồi ở trong cánh gà chăm chú chạy ra nhìn từng ánh mắt, cái miệng. Tôi xem cái miệng má ba ca sao, cái nụ cười sao, con mắt sao rồi nhìn theo đó để mà học hỏi.
Cách ca của má ba Thanh Nga bình thường, đơn giản, không luyến láy nhiều như các bạn nhưng rất khó để bắt chước theo vì giọng má trầm ấm, lại có chiều sâu.
Giọng của má ba Thanh Hằng mạnh, khỏe, nên muốn hát theo má là phải tiết chế dữ lắm. Không phải dễ mà học được giọng ca của má ba Thanh Nga đâu.
Nhiều người nghĩ nghệ sĩ phải giọng mạnh, giọng khỏe nhưng các bạn nên nhớ, đâu phải là vai nào mình cũng mạnh, khỏe. Có những nhân vật, má ba Thanh Nga chỉ kêu nhẹ một tiếng "Má ơi" mà như vậy tự nhiên người ta khóc.
Sân khấu cải lương này huyền bí vô cùng. Nếu tìm hiểu thì các bạn phải tìm sâu vào. Rồi các bạn mới thấy rằng, có những cái mình muốn học mà học không được chứ không phải đơn giản đâu.
Các bạn trẻ mới bây giờ có xu hướng ca cho mạnh cho khỏe, nhưng phải hiểu, có những nhân vật mình phải ca theo tình huống và thời điểm.
Dấu ấn trước tiên về má ba Thanh Nga là kỷ niệm ngày tôi bước vào học múa vở Bên cầu dệt lụa đầu tiên.
Lúc đó, tôi chưa biết makeup, hóa trang là gì. Chính má ba Thanh Nga đã cầm cây viết chì vẽ cặp chân mày cho tôi trước tiên. Đó là kỷ niệm đẹp vô cùng.
Đến hiện tại bây giờ, cách vẽ chân mày của tôi vẫn còn nét của má ba. Lần đầu tiên má ba Thanh Nga cho tôi ca hậu trường là vở Bên cầu dệt lụa, mà thực ra là ngâm thơ thôi chứ không phải ca và chỉ có hai câu.
Phải nói rằng, má ba Thanh Nga uy nghi lắm, rất ít khi đùa giỡn, nhưng nếu không biết gì chỉ cần hỏi là bà sẽ chỉ dạy nhiệt tình.
Trong sân khấu cải lương, NSND Phùng Há được biết đến là Tổ nghề sống và người thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ. Cô có thể chia sẻ kỷ niệm của mình về má Bảy Phùng Há?
Tôi gọi NSND Phùng Há là bà ngoại Bảy vì bà là bạn thân của bà ngoại Thanh Hằng - cô Tư Hélene.
Tuy nhiên tôi ít được tiếp xúc với bà ngoại Bảy vì 14 tuổi đã theo đoàn Thanh Minh - Thanh Nga đi tỉnh biểu diễn, không ở thành phố. Dù ít tiếp xúc nhưng ngoại Bảy biết tôi là cháu của cô Tư Hélene, nên cũng theo dõi.
Có một kỷ niệm mà tôi chỉ nghe nói lại thôi, là khi ngoại Bảy nằm trong bệnh viện Nguyễn Trãi thì tôi thi giải Trần Hữu Trang năm 1991.
Lúc đó nằm trong viện, nghe mọi người nói đang diễn ra cuộc thi thì ngoại Bảy có đi ra xem và tuyên bố một câu rằng: Thanh Hằng là con nhà nòi, giải Trần Hữu Trang là giải xứng đáng cho Thanh Hằng nhiều nhất. Nó laà một người nghệ sĩ xứng đáng.
Câu nói này của ngoại Bảy khiến tôi cảm thấy rất hạnh phúc.
Tags