"Cả đời tôi đi hát đến nay cũng gần 50 năm mà giờ vẫn còn phải học chứ đừng có nói đến các bạn trẻ" – nghệ sĩ Thanh Hằng chia sẻ.
Cả đời tôi đi hát đến nay cũng gần 50 năm mà giờ vẫn còn phải học
Thanh Hằng từng là một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng trong thập niên 80 và 90, cùng thế hệ NSƯT Vũ Linh, NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Thanh Thanh Tâm…
Sau một khoảng thời gian rời xa sân khấu để chăm lo gia đình, nghệ sĩ Thanh Hằng đã trở lại trong vài năm gần đây. Mới nhất, Thanh Hằng được mời làm giám khảo kiêm huấn luyện viên cho chương trình Tài danh Tân cổ. Cô khẳng định:
"Tôi không phải là người nghiêm khắc. Tôi thông cảm và hiểu cho các bạn thí sinh rất nhiều. Tôi biết rằng, rất nhiều bạn trẻ đam mê cải lương nhưng không có cơ hội học hành nên tới đây để được trau dồi. Mỗi bạn trẻ đều có một tài năng, khía cạnh riêng, nhưng chưa thuần thục kỹ năng biểu diễn, ca hát.
Cải lương ngày xưa có cha truyền con nối, còn bây giờ thế hệ trẻ phải tự tìm hiểu và phải đi đến trường để học. Nhưng nhiều bạn không có cơ hội để học trường lớp cho nên không hiểu sâu về cải lương. Vì vậy, những người như tôi phải có trách nhiệm hướng dẫn các bạn.
Nếu các bạn không hiểu, tôi sẽ giải thích rõ ràng hơn, chứ không khe khắt với các bạn. Cải lương đã là khó rồi mà làm khó cho các bạn nữa thì sẽ khiến các bạn nản lòng, nản chí ngay.
Tôi chỉ nghĩ rằng, mình có được những gì chia sẻ được gì thì cứ chia sẻ. Mong rằng các bạn hiểu, chăm chút cho mình nhiều hơn và trân trọng cái nghề mình đã chọn".
Tiếp đó, nghệ sĩ Thanh Hằng bày tỏ mong muốn dành cho thế hệ trẻ đam mê cải lương:
"Các cô chú tài danh ngày trước mỗi người đều có một cách ca và xử lý khác nhau. Chính vì vậy, tôi mong mỗi thí sinh phải tự tìm ra cho mình một điều đặc biệt để gắn liền với tên tuổi bản thân.
Mặc dù quá trình học không hề đơn giản nhưng tôi mong rằng thế hệ trẻ sẽ kiên trì theo đuổi ước mơ.
Quá trình học hỏi về cải lương đâu phải đơn giản, không phải 1,2 ngày, 1 tháng hay là 1 năm. Cả đời tôi đi hát đến nay cũng gần 50 năm mà giờ vẫn còn phải học chứ đừng có nói đến các bạn trẻ. Cái gì cũng phải từ từ, một mầm non mà muốn trổ bông hoặc thành cây cổ thụ thì nó cũng phải có thời gian dài tích lũy, trải nghiệm".
Không phải cứ tham gia rồi chiến thắng một cuộc thi nào đó là trở thành nghệ sĩ tài danh
Về quan điểm nghề nghiệp, biểu diễn, nghệ sĩ Thanh Hằng chia sẻ:
"Mỗi khi lên sân khấu, tôi không ca cho thuộc bài mà phải có cái ý của bài đó, của câu văn đó. Tôi phải trút hết cái lòng để biểu diễn, diễn tả cho người nghe hiểu về quê hương, xứ sở của mình. Khi người ta hiểu thì người ta mới rung động được trái tim. Nếu cứ ca để cho có mà không mang ý nghĩa thì không thể đi sâu vào lòng khán giả.
Và sau khi đã trải qua hàng loạt thử thách, khó khăn gian khổ thì sự ủng hộ của khán giả chính mà món quà tuyệt vời nhất dành cho người nghệ sĩ.
Khoảng thời gian, quá trình để khán giả công nhận và chấp nhận mình là một người nghệ sĩ tài danh rất gian nan.
Không phải cứ tham gia rồi chiến thắng một cuộc thi nào đó là trở thành nghệ sĩ tài danh.
Cho nên tôi nghĩ, các bạn nếu đã chọn nghề này rồi thì phải hiểu con đường này rất gian truân. Nhưng khi vượt qua được gian truân thử thách thì các bạn sẽ thành tài.
Được một khán giả công nhận, hai người rồi 10, 100, 1000 cho tới hàng triệu người công nhận thì phải trải qua một quá trình. Không phải tự nhiên khán giả thương mình đâu. Khi qua được ải gian khó, được khán giả yêu thương rồi thì mới cảm thấy đó là điều hạnh phúc nhất".
Bên cạnh đó, khi chứng kiến sân khấu cải lương dần sôi nổi trở lại với hàng loạt cuộc thi, chương trình truyền hình, nghệ sĩ Thanh Hằng bày tỏ:
"Tôi từng nghĩ rằng mình đi nước ngoài định cư thì sẽ không còn làm nghề nữa, nhưng thật sự là vẫn còn, hàng ngày tôi vẫn tiếp tục làm dù có nhiều hạn chế.
Khi về đây rồi, tôi thấy khán giả rất chào đón và yêu mến mình nên rất bất ngờ. Có lẽ do tôi biết trân quý từng lời ca, từng diễn xuất và các kiến thức học hỏi thêm từng ngày. Tuy bây giờ lớn tuổi nhưng tôi vẫn không ngừng học hỏi và tìm hiểu trào lưu mới của thế hệ trẻ.
Cải lương là một bộ môn của truyền thống của dân tộc Việt Nam thì không thể mất nguồn cội được, bằng chứng là cải lương đang trở lại mạnh mẽ.
Tôi cũng mong rằng thế hệ trẻ luôn luôn cố gắng, giữ mãi nguồn cội nguồn gốc Việt Nam vì mình là người Việt Nam".
Tags