Trong xếp hạng những ca khúc đáng nhớ nhất UEFA EURO, Three Lions (Football's Coming Home) của David Baddiel, Frank Skinner và The Lightning Seeds luôn hiển nhiên đứng hàng đầu. Tới mức, nhiều người vẫn khăng khăng đó là ca khúc chính thức của EURO năm 1996, tổ chức ở Anh.
Thực tế, ca khúc EURO năm đó là We're In This Together, nhưng sức mạnh biểu tượng Three Lions (Football's Coming Home) quá lớn, đã dễ dàng vượt qua giai điệu chính thức.
Những lựa chọn kỳ lạ
"Khi nghĩ đến EURO 1996, giai điệu Three Lions liền vang lên trong đầu tôi" -giám đốc UEFA EURO 2024 Philipp Lahm chia sẻ khi nói về sức mạnh gắn kết của âm nhạc và bóng đá.
Thế nhưng, ban đầu, Three Lions có xuất phát rất khiêm tốn: chỉ là giai điệu nền bên cạnh giai điệu chính, để tăng thêm không khí, giúp kiếm tiền cho EURO. Theo tác giả Ian Broudie, Hiệp hội Bóng đá Anh (FA) đã tìm đến, yêu cầu ông viết một ca khúc cho giải tổ chức tại Anh năm 1996.
Broudie là một cái tên lớn trong giới âm nhạc Liverpool từ thập niên 1980. Ông thành lập nhóm nhạc The Lightning Seeds năm 1989, có hit Pure lọt top 20. Thời điểm EURO 1996, ông đang hưởng thành công lớn với album thứ 3 Jollification.
"Tôi biết nhóm New Order từng thực hiện một ca khúc về bóng đá (World in Motion tại Italy 1990), nhưng tôi đã do dự khi FA yêu cầu tôi làm ca khúc cho EURO 1996" - Broudie nhớ lại.
Tuy nhiên, cuối cùng, ông cũng nhận lời. Thậm chí, ông đã có sẵn giai điệu rất phù hợp với bóng đá nhờ phần điệp khúc có thể hòa ca ở sân vận động lớn. Nhưng về phần lời, ông phải viện tới 2 danh hài Frank Skinner và David Baddiel.
Skinner là diễn viên hài độc thoại nổi tiếng và đã giành được Giải thưởng Perrier tại Edinburgh Fringe vào năm 1991. Baddiel thì đạt được thành công vang dội với chương trình hài The Mary Whitehouse Experience.
Đáng chú ý hơn, bộ đôi đang hợp tác làm chương trình Fantasy Football with Frank Skinner and David Baddiel rất đình đám trên TV vào thời điểm đó. Trong chương trình này, các vị khách tới nhà họ và trao đổi về đội bóng trong mơ của họ. Chính vì thấy 2 danh hài như đại diện cho tiếng nói của người hâm mộ bóng đá Anh, Broudie mới mời họ về.
"Liverpool thi đấu với Leeds tại sân Anfield vào giữa tuần nên tôi mời Skinner và Baddiel đến phòng thu của mình" - Broudie kể về lần gặp mặt - "Skinner đến nhưng Baddiel thì không muốn bỏ lỡ trận đấu trên sân nhà của đội Chelsea yêu quý. Sau trận đấu, tôi đưa Skinner trở lại phòng thu, chơi giai điệu ý tưởng trên dương cầm cho anh nghe. Chúng tôi đồng ý sẽ làm nhạc cùng nhau".
Họ đã hợp tác rất ăn ý với nhau, hoàn thiện ca khúc Three Lions. Vấn đề bây giờ là mời ai thể hiện ca khúc?
Lúc này, FA đã hỏi họ: "Các anh muốn có bao nhiêu cầu thủ tham gia hát ca khúc này?" Câu trả lời là không ai cả! "Tôi nghĩ ca khúc chỉ đáng làm nếu nó phản ánh cảm giác của một người hâm mộ bóng đá. Vì vậy, tôi không muốn có các cầu thủ hát trong đó" - Broudie giải thích.
Ca khúc “Three Lions (Football’s Coming Home)” của kỳ EURO 1996
Bộ đôi danh hài đã đưa ra đề nghị rất táo tợn - "khi xét tới khả năng thanh nhạc của chúng tôi" như Baddiel nói sau này - là họ sẽ tự thể hiện ca khúc. Thật bất ngờ là Broudie đồng ý. Cả nhóm The Lighning Seeds của Broudie cũng tham gia hát.
Thế nhưng, khi nghe bản hoàn thiện của Three Lions, FA tỏ ra rất chán ghét. Các cầu thủ của đội tuyển Anh cũng không ưa gì ca khúc.
Nhưng thật sự cũng không thể trách họ!
"90% thời gian là thua. Làm người hâm mộ bóng đá phần lớn là thất vọng" - nhạc sĩ Ian Broudie.
Sức mạnh của hi vọng
Lý do là nội dung của Three Lions (Football's Coming Home) hoàn toàn không như những gì mọi người mong chờ ở một ca khúc cổ động.
Ban đầu, không khí khá ổn với lời hát "It's Coming Home" (Bóng đá đang trở về nhà) lặp đi lặp lại.
EURO 1996 là lần đầu tiên nước Anh đăng cai một giải đấu bóng đá quốc tế kể từ năm 1966. Dù các phiên bản của môn bóng đá có thể có nguồn gốc xa hơn, từ các quốc gia khác, theo FIFA, hình thức bóng đá hiện đại được ra đời ở Anh vào năm 1863. Thế nên không sai khi nói bóng đá đang trở về quê nhà của nó.
Nhưng ngay sau đó, nhiều người nghe sẽ có cảm giác bị dội gáo nước lạnh. "Mọi người dường như đã biết trước kết quả rồi/ Trước giờ đều như thế/ Cứ biết thế thôi, chắc chắn rồi/ Đội tuyển Anh thể nào cũng thua thôi"!
Ôi! Thế nào mà lại viết một ca khúc như vậy!
"Khi ngồi xuống viết lời, điều đầu tiên tôi và Skinner nói đến là thực tế: thực tế của việc trở thành một người hâm mộ đội tuyển Anh. Chương trình của chúng tôi nói về thực tế của việc trở thành một người hâm mộ bóng đá và cách chúng tôi tiếp cận ca khúc cũng giống vậy" - Baddiel nhớ lại - "Thay vì viết một ca khúc lý tưởng hóa hoặc khúc khải hoàn, giống như hầu hết những ca khúc trước đó, với viễn cảnh giành cúp, lần này, chúng tôi quyết định viết một ca khúc về việc chúng tôi, nước Anh, sẽ thua. Bởi vì đó là những gì kinh nghiệm đã dạy chúng tôi".
Broudie đồng tình với 2 danh hài. Bởi kinh nghiệm của ông cũng vậy: "90% thời gian là thua. Làm người hâm mộ bóng đá phần lớn là thất vọng".
Nhưng điều quý giá hơn cả là có thể đứng dậy sau thất bại. "Three Lions thực sự là một ca khúc có tư duy kỳ diệu. Về việc cho rằng chúng ta sẽ thua, một cách hợp lý, dựa trên kinh nghiệm, nhưng hy vọng rằng bằng cách nào đó chúng ta sẽ không thua" - Baddiel nói tiếp.
Và như thế, phần sau của ca khúc là hồi tưởng lại những cú xoạc bóng, sút xa, ghi bàn, ăn mừng,… của các danh thủ bóng đá Anh, cách họ vẫn tiến lên bất chấp những lời trêu chọc, mỉa mai, những lần suýt thành công càng khiến ta thất vọng,…
Sau tất cả, biểu tượng Tam Sư (3 con sư tử) vẫn tự hào tỏa sáng trên áo đội tuyển và "30 năm đau buồn nhưng không thể nào làm tôi ngừng mơ ước" - ý nói 30 năm dài thất bại của đội tuyển Anh kể từ sau chiến thắng World Cup năm 1966.
Thừa nhận thực tại nhưng vẫn dạt dào hi vọng, còn gì đẹp hơn thế?
"Tôi nghĩ, đó là lý do tại sao khi mọi người hát ca khúc ở sân Wembley, hòa nhịp trải nghiệm của họ, ca khúc đã tạo nên hiệu ứng rực rỡ, kỳ lạ đến vậy. Đó là một ca khúc bóng đá, dành cho một đất nước không hung hăng chiến thắng bằng được" - Baddiel chiêm nghiệm - "Nó lạc quan nhưng vẫn chứa đựng một điều gì đó u sầu và dễ bị tổn thương. Lần đầu tiên tôi nghe nó được hát bởi 78.000 người, tôi cũng có thể nghe thấy điều đó: nỗi đau và niềm hy vọng, cũng như niềm vui".
Niềm an ủi
Ca khúc Three Lions (Football's Coming Home) được phát hành dưới dạng đĩa đơn vào ngày 20/5/1996, trở thành ca khúc đầu tiên giành No.1 ở Anh vào 4 lần khác nhau. Từ một ca khúc giải trí để kiếm tiền, nó dần ăn sâu vào tâm trí nước Anh, giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim người hâm mộ bóng đá Anh.
Ca khúc được miêu tả là "thánh ca" của bóng đá Anh kể từ năm 1996. Điệp khúc "It's Coming Home" tới nay vẫn là giai điệu hòa ca yêu thích trong các trận bóng đá Anh.
Tại EURO 1996, ca khúc cũng là niềm an ủi lớn sau khi Anh thua Đức ở bán kết. Người cay đắng duy nhất có lẽ chính là tác giả Ian Broudie.
"Khi chúng tôi bị loại (5-6 trước Đức trên chấm phạt đền ở bán kết), tôi đã ở Wembley và hoàn toàn tê liệt cảm xúc. Trở lại khách sạn, tôi đang nằm trên giường thì nghe thấy tiếng hát: "Ba con sư tử trên áo…" và nhớ mình đã nghĩ: "Thật tuyệt khi họ hát bài đó dù chúng ta đã thua" - Broudie nhớ lại - "Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy toàn là cổ động viên Đức. Tôi đã phải kiềm chế để không ném chiếc TV ra ngoài cửa sổ".
Tags