Giải bóng đá EURO 2024 đã bắt đầu. Đây là thời điểm mà nhiều đấng mày râu dõi theo vòng lăn của trái bóng và bàn luận sôi nổi về mọi thứ liên quan đến giải đấu. Nghệ sĩ là một trong những nhóm người rất mê bóng đá, Trung Dân cũng là một trong số đó.
1. Ở đấu trường EURO, Trung Dân thích Hà Lan nhất và Đan Mạch nhì. Anh thích Hà Lan vì màu da cam và dư âm từ bộ ba "Hà Lan bay" là Frank Rijkaard, Marco van Basten và Ruud Gullit. Còn Đan Mạch, dù không có siêu sao, nhưng vô cùng mạnh mẽ và lì đòn, gợi nhớ hình ảnh các chiến binh Viking mà Trung Dân ưa thích trong các tác phẩm văn học. Năm nay Hà Lan và Đan Mạch đều có mặt, nên anh ủng hộ một trong hai đội này trở thành nhà vô địch.
Theo Trung Dân, việc xem đá bóng ở nhà không vui bằng xem chung với đồng nghiệp, hoặc ở quán xá. Anh còn nhớ mãi thời xa xưa, anh thường xem bóng đá châu Âu và World Cup chung với hai cây đa cây đề trong làng cải lương là NSND Diệp Lang và NSƯT Trường Xuân.
Diệp Lang rành bóng đá và có biểu hiện cảm xúc rất mãnh liệt. Ví dụ như cầu thủ ông yêu thích mà đá hụt bóng hoặc để thua, thì ông vỗ đùi, la hét rất lớn, dù ông rất hiền. Trường Xuân thì có khả năng bình luận rất duyên dáng, thông minh. Ông có tốc độ nói nhanh và đài từ rất hài hước nên ông tường thuật các đường đi của trái bóng vô cùng sôi nổi. Tuy nhiên, ông rất cảm tính, cầu thủ nào đá không vô là ông chửi tan nát và vu… gã đó bán độ. Cứ thế, ông cứ bắn liên thanh cho đến khi trận đấu kết thúc.
Dù rất mê bóng đá, nhưng hai nghệ sĩ kỳ cựu này không bao giờ cá độ. Nhìn thấy một số nghệ sĩ "lên bờ xuống ruộng" vì cá độ bóng đá, Diệp Lang khuyên đàn em Trung Dân đừng dính vào tệ nạn ấy. Bản thân Trung Dân cũng từng chứng kiến hậu quả từ đồng nghiệp, nên anh chủ động tránh xa. Anh kể: "Hồi tấu hài còn thịnh, chúng tôi gần như diễn mọi ngày trong tuần, nên nghệ sĩ hài kiếm tiền khấm khá. Nhưng vài người có máu mê cá độ, cứ đến mùa EURO, World Cup hoặc giải nào có Việt Nam đá là họ như người mất hồn".
Anh kể thêm: "Cụ thể, sau hậu trường có đặt cái tivi tường thuật trực tiếp trận đấu. Có lúc họ diễn ngoài sân khấu mà tâm trí lại đặt trong trận đấu. Có lúc đang diễn, họ nghe hậu trường la hét tỷ số là họ giật mình, ngưng diễn. Nếu biết kết quả đội họ bắt mà thắng, họ nói lời cảm ơn ngay trên sân khấu, hoặc làm dấu ơn trời. Điều này khiến cho khán giả ngơ ngác và bạn diễn cũng không biết tiếp ứng thế nào".
Sau khi mùa bóng đá kết thúc, có vài nghệ sĩ đang diễn trên sân khấu, nhìn xuống thấy chủ nợ đang ngồi chờ, mắt nhìn lăm lăm, họ mất hồn không diễn nổi. Vậy mới có trường hợp yêu cầu bầu sô không trương tên tuổi lên băng rôn, vì sợ chủ nợ biết mà tìm đến. Theo Trung Dân, có nhiều trường hợp nghệ sĩ ban đầu làm cò ăn huê hồng, sau thấy ham quá ra làm cái, rồi thua đến phá sản, nợ nần chồng chất, trốn chui trốn nhủi. Thậm chí bệnh tật không có tiền chữa trị, dù lúc đương thời họ kiếm tiền rất nhiều. Đến giờ, hậu quả của cá độ bóng đá vẫn còn âm ỉ và chực bộc phát trong giới nghệ sĩ. "Trái bóng đã "lăn" một số nghệ sĩ lên bờ xuống ruộng" - Trung Dân nói.
Trung Dân tâm sự: "Tôi chỉ là một nghệ sĩ rất bình thường, nên đâu dám ngăn cấm anh em cá độ, dù biết luật pháp Việt Nam không cho phép. Nếu có quyền, chắc tôi sẽ tìm một biện pháp gì đó thật hợp lý hợp tình để ngăn họ lại, bởi mỗi khi nhìn thấy đồng nghiệp của mình gặp khó khăn vì cá độ bóng đá, tôi rất đau lòng".
2. Nghệ sĩ hài Trung Dân không phải là tín đồ bóng đá theo kiểu không bỏ sót trận đấu nào ở các giải vô địch Anh, Tây Ban Nha, Italy... Mà anh chỉ xem vào những dịp đặc biệt, ví dụ như những trận đấu có tuyển Việt Nam, hoặc là các giải như EURO, World Cup.
Trước đây, khi còn đi diễn đêm hoặc quay khuya nhiều, anh thường xem luôn trên trường quay, vì lịch đấu ở giải EURO và World Cup thường diễn ra vào nửa khuya giờ Việt Nam. Giờ có tuổi, anh tranh thủ ngủ sớm, ít ra ngoài vào ban đêm. Vì vậy, EURO 2024 anh cũng xem tại nhà với gia đình, những trận không quá khuya.
Dù rất mê xem bóng đá, nhưng anh chưa bao giờ đặt chân đến sân bóng để xem trực tiếp bất cứ trận đấu nào, dù cơ hội đi xem không ít. Anh không thích chốn đông người, nên thường xem qua tivi.
Anh thích được ngồi bên bạn bè ở không gian thoải mái, riêng tư và bình luận với người hợp gu. Điều này xuất phát từ việc trước đây, anh xem bóng đá trong một quán rượu, cùng với một người bạn. Một khán giả thấy Trung Dân nên qua bàn bắt chuyện, khởi đầu anh này tỏ ra yêu quý Trung Dân và vui được ngồi xem bóng đá cùng nhau. Nhưng vì anh này ủng hộ một đội bóng đối thủ của người bạn Trung Dân. Hai người ủng hộ hai đội khác nhau, lại ngồi chung bàn, nên khi ngấm rượu, hai ông bắt đầu cãi nhau rất to tiếng. Lúc đó, vị khán giả quên mất Trung Dân cũng đang ngồi đó, khiến mọi người chú ý. Từ đó, Trung Dân thích xem bóng đá ở chốn riêng tư hoặc với những bạn bè quen tánh nết.
Trung Dân có kỷ niệm đáng nhớ tại EURO 1988. Lúc đó, Trung Dân và đoàn nghệ sĩ đang lưu diễn ở vùng sâu vùng xa, không có điện. Đó là trận chung kết giữa Hà Lan và Liên Xô (cũ), diễn ra tại Tây Đức. Tại giải này, bộ ba "Hà Lan bay" và đội tuyển đã giành chức vô địch châu Âu đầu tiên của họ. Đoàn nghệ sĩ xem trận chung kết với bình ắc quy, lúc trận đấu đang hào hứng, khi Marco van Basten sắp tạo ra siêu phẩm, thì bình ắc quy hết điện do cạn nước, tắt ngang. Cả nhóm hụt hẫng, tiếc nuối, nhưng không biết làm gì, đành tiu nghỉu ngồi đoán mò. Mùa giải này Hà Lan còn hạ Đức 2-1 ngay tại sân Hamburg ở trận bán kết, rất kịch tính. "Các kết quả và diễn biến của hai trận này tôi chỉ biết được vào mấy ngày sau, khi đọc báo" - Trung Dân kể.
Vì bỏ lỡ trận chung kết với đội tuyển mà bản thân yêu thích nhất, nên trong mấy lần phát lại sau đó, Trung Dân đều tìm xem. Đến nay, thỉnh thoảng anh vẫn xem lại cú sút chéo góc đẳng cấp của Marco van Basten, đánh bại thủ môn huyền thoại Dasayev.
"Nếu có quyền, chắc tôi sẽ tìm một biện pháp gì đó thật hợp lý hợp tình để ngăn họ lại, bởi mỗi khi nhìn thấy đồng nghiệp của mình gặp khó khăn vì cá độ bóng đá, tôi rất đau lòng" - Trung Dân.
Tags