Trung Nghĩa từng 5 lần tác nghiệp trực tiếp tại giải EURO, nhưng anh vốn là phóng viên mảng văn hóa văn nghệ, là tác giả của một số đầu sách thú vị. Vậy cơ duyên nào khiến anh lại tác nghiệp nhiều kỳ giải EURO đến thế?
Hỏi ra mới biết, Trung Nghĩa mê bóng đá từ bé, từ thời còn là học sinh trung học cho đến khi là sinh viên báo chí anh từng viết nhiều tin bài về bóng đá, không khí SEA Games... Trước khi trở thành phóng viên, Trung Nghĩa đã mạnh dạn tự túc lên đường sang châu Âu tác nghiệp giải EURO năm 2000. Kể từ đó anh được sự tín nhiệm của tòa soạn trong việc cử đi tường thuật những điều "mắt thấy tai nghe" tại chỗ trong nhiều kỳ giải bóng đá lớn nhất hành tinh.
* Sau nhiều kỳ tác nghiệp trực tiếp tại giải EURO, đâu là kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh?
- Năm lần tác nghiệp EURO là cả thanh xuân của tôi, không chỉ về mặt dòng thời gian, mà còn là hành trình của một niềm say mê bóng đá, là những gì tâm huyết với nghề nghiệp dành cho giải đấu trời Âu vốn có sức thu hút lớn đối với các tín đồ túc cầu giáo toàn cầu.
Tôi may mắn được đến với EURO kể từ khi còn là một cậu sinh viên mới ra trường, trong bối cảnh mà việc một phóng viên từ Việt Nam bay sang tận châu Âu chỉ để tác nghiệp bóng đá là điều gần như "không tưởng", nhất là lại… đi tự túc nữa, thì gần như chưa từng có tiền lệ. Tôi nghĩ tình yêu bóng đá, duyên phận nghề báo, sự động viên, hỗ trợ thủ tục của chị tôi là Lưu Bích Kiều (bấy giờ ở Vienna, Áo), sự ủng hộ quyết liệt của người thầy và cũng là một trong những người sếp của tôi lúc đó là anh Nguyễn Thế Truật (nguyên Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ) đã chắp cánh cho tôi bay đến EURO đầu đời.
Và cái gì đầu tiên cũng là khó quên: Tôi mãi mãi nhớ cảm giác lần đầu tiên bước vào sân vận động ở Brussels (Bỉ) xem trận Italy - Bỉ, hoặc sau đó vào sân vận động ở Rotterdam (Hà Lan) xem trận chung kết EURO 2000, chứng kiến tuyển Pháp do Didier Deschamps làm đội trưởng nâng cao cúp vô địch sau khi thắng Italy 2-1.
Tôi cũng may mắn có mặt tại Bồ Đào Nha để chứng kiến và chụp ảnh siêu sao Cristiano Ronaldo ở tuổi 19 ghi bàn thắng đầu tiên trong màu áo đội tuyển quốc gia ở trận khai mạc EURO 2004…
Tôi có mặt ở thủ đô Kiev (Ukraine) xem trận chung kết EURO 2012 và từng đặt chân đến khu vực từng xảy ra thảm họa hạt nhân Chernobyl...
* Tại kỳ World Cup 2006, anh từng tác nghiệp vòng quanh khắp nước Đức - quốc gia chủ nhà EURO 2024. Cảm nhận của anh về đội tuyển Đức và trình độ tổ chức bóng đá của họ?
- Tôi có dịp đến nước Đức nhiều lần, trong đó lần ở lâu nhất chính là 1 tháng rưỡi tác nghiệp giải đấu World Cup 2006. Nhắc đến Đức thì dĩ nhiên là một nền bóng đá lớn, giàu truyền thống và từng giành nhiều danh hiệu vô địch EURO lẫn World Cup.
Tôi có kỷ niệm hỏi chuyện và chụp ảnh "hoàng đế bóng đá Đức" Franz Beckenbauer, người vừa qua đời hồi đầu năm nay và được tri ân tại lễ khai mạc EURO 2024. Tôi tìm đến thăm lò bánh mì của gia đình Jurgen Klinsmann ở TP Stuttgart tìm hiểu thêm được nhiều điều thú vị về cựu tiền đạo và HLV lừng danh này.
Kể từ World Cup 2006, đội tuyển khi đó do Klinsmann làm HLV, bóng đá Đức đã thay đổi từ lối đá "xe tăng" khuôn thức, chặt chẽ, sang lối đá tấn công đẹp mắt hơn. Sau giai đoạn thăng trầm, đến EURO 2024 này, chúng ta đang thấy tuyển Đức trở lại khá mạnh mẽ, gặt hái thành công ở vòng bảng bằng lối đá tấn công (ghi 8 bàn/3 trận). Tôi nghĩ Đức có thể vào đến bán kết giải này.
Tôi nhớ mãi những ngày chứng kiến biển người hàng trăm ngàn CĐV Đức tụ tập ở khu Fanzone có màn hình lớn dựng trước cổng thành Brandenburg (biểu tượng ở thủ đô Berlin) cổ vũ cho đội nhà.
Người Đức rất mê bóng đá, lại có tính cách khoa học, kế hoạch, thẳng thắn, minh bạch… nên việc tổ chức giải đấu lớn không khó đối với họ. Vài trục trặc về giao thông, giờ tàu trễ, ùn tắc đám đông CĐV tại EURO 2024 thật ra là chuyện không lạ gì trước và sau những trận bóng lớn ở các giải đấu.
"Sau giai đoạn thăng trầm, đến EURO 2024 này, chúng ta đang thấy tuyển Đức trở lại khá mạnh mẽ, gặt hái thành công ở vòng bảng bằng lối đá tấn công (ghi 8 bàn/3 trận). Tôi nghĩ Đức có thể vào đến bán kết giải này" - nhà báo Trung Nghĩa.
* Anh thường chuẩn bị những gì cho chuyến đi tác nghiệp EURO? Có "hiểm nguy" nào anh từng trải qua?
- Cũng như nhiều đồng nghiệp khác, khi đi tác nghiệp một sự kiện quan trọng, dài ngày, như EURO, tôi thường chuẩn bị tầm nửa năm cho các thủ tục, thông tin (ví dụ đăng ký thẻ tác nghiệp với UEFA, các tư liệu liên quan đến chuyến đi, các dữ liệu về các đội và thành phố đăng cai, phương tiện di chuyển, tình hình an ninh…) và cả văn hóa lịch sử, đất nước con người của quốc gia chủ nhà.
Bởi quan điểm của tôi xưa nay khi tác nghiệp thể thao cũng tương đồng với một đồng nghiệp thân thiết là nhà báo, bình luận viên Trương Anh Ngọc (báo Thể thao và Văn hóa/ Thông tấn xã Việt Nam): Chú trọng tường thuật những gì mắt thấy tai nghe nơi vùng đất đăng cai, những thông tin đa dạng bên lề giải đấu, những nhân vật gặp gỡ, câu chuyện đời thường, gắn với sự kiện thời sự bóng đá.
Tác nghiệp nhiều giải đấu EURO, dĩ nhiên không phải lúc nào tôi cũng suôn sẻ hoàn toàn. Tôi từng suýt bị kẻ trộm cuỗm túi máy ảnh khi đang ngồi gõ bài trong tiệm Internet công cộng. Thậm chí từng bị trấn lột khi một mình đi tìm hiểu bên ngoài khu đèn đỏ khét tiếng ở Amsterdam (Hà Lan) để quan sát viết phóng sự. Hoặc khi sang các thành phố du lịch lớn như Roma, Paris thì lúc nào cũng phải khư khư ôm chặt bóp giấy tờ quan trọng như hộ chiếu, tiền nong, vì rất dễ bị kẻ gian móc túi…
* Mới đây chúng tôi có dịp trò chuyện với dịch giả Nguyễn Dương Hiếu về sách bóng đá. Cũng là một tác giả từng ra sách về thể thao, theo anh những cuốn sách này có sức hút với bạn đọc nói chung?
- Thể loại sách về thể thao, bóng đá có số lượng không nhiều trên thị trường (mỗi năm chừng vài đầu sách dịch, sách do tác giả trong nước biên soạn, tự viết càng hiếm hơn). Song chính vì vậy mà tựa sách nào ra mắt cũng được độc giả mê thể thao quan tâm.
Tôi sở hữu hầu như tất cả sách thể thao ấn hành trong những năm qua, từ Hồi ký Alex Ferguson, Hồi ký Arsene Wenger (người tôi có dịp chụp hình chung tại EURO 2016), Tự truyện Johan Cruyff, Luka Modric, sách về PELE, Messi vs. Ronaldo…, hoặc gần nhất có Lịch sử bóng đá bằng tranh (David Squires) và Đảo ngược kim tự tháp (tác giả Jonathan Wilson, Nguyễn Tuấn Bình dịch). Tôi cũng thích Những cô gái kim cương là quyển sách nhỏ sinh động, bắt mắt, tôn vinh đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam do NXB Kim Đồng ấn hành.
* Anh cũng vừa ra mắt cuốn sách tôn vinh, quảng bá văn hóa đọc mang tựa đề "Đọc sách cũng như yêu". Còn bóng đá thì sao, với anh xem một trận đấu có… giống như yêu không?
- (Cười) Bạn có nghe câu nói: "Bóng đá như tình yêu" chưa? Tôi nghĩ rằng bất cứ điều gì được so sánh với tình yêu đều hàm nghĩa là chúng ta rất trân trọng, nâng niu, quý mến và muốn trung thành và giữ mãi những điều tốt đẹp đó. Như tôi, nếu không đi tác nghiệp các giải đấu như EURO trong vai trò một phóng viên, nhiếp ảnh gia, thì cũng mơ đến một ngày mình ngồi trên khán đài thưởng thức trận cầu EURO bên cạnh người mình thương yêu.
Nhìn lại cả hành trình EURO của mình, tôi đã gặp rất nhiều người tốt nhiệt tình giúp đỡ mình dù quen hay lạ, rất nhiều kỷ niệm ấm áp về tình người, về bóng đá và các vùng đất châu Âu thanh bình, xinh đẹp, kiến trúc cổ kính và giàu lịch sử. Với tôi, đó là những điều trân quý của thời thanh xuân và cả cuộc đời.
* Cảm ơn anh.
5 lần EURO và 6 lần World Cup
Nhà báo Trung Nghĩa đã có 5 kỳ tác nghiệp tại giải UEFA EURO, vào các năm 2000 (Bỉ - Hà Lan đăng cai), 2004 (Bồ Đào Nha), 2008 (Áo - Thụy Sĩ), 2012 (Ba Lan - Ukraine), 2016 (Pháp); 6 kỳ giải FIFA WORLD CUP: 2002 (Hàn Quốc - Nhật Bản), 2006 (Đức), 2010 (Nam Phi), 2014 (Brazil), 2018 (Nga), 2022 (Qatar); 2 kỳ giải FIFA WOMEN'S WORLD CUP: 2015 (Canada), 2023 (Australia - New Zealand).
Trung Nghĩa cũng là tác giả của các sách thể thao như Cùng chơi bóng đá (dành cho thiếu nhi, NXB Trẻ), Đường đến thánh đường World Cup (ký sự, NXB Trẻ).
Tags