World Cup 1990, nhà thơ Nguyễn Duy viết ào ạt, lắt léo, khi lật cảnh, khi rót dầu… đường chữ khéo như đường bóng, tả chân môn thể thao vua: "hay với dở cần gì miệng lưỡi/ tốt với xấu phơi trần trên sân bãi/ thắng với bại đừng có hòng chối cãi/ quả bóng câm không gian lận bao giờ".
1. Trước Nguyễn Duy hơn nửa thế kỷ, Nguyễn Công Hoan cũng viết về bóng đá trong truyện ngắn Tinh thần thể dục, in trên Tiểu thuyết thứ Bảy (năm 1939), từng được đưa vào sách giáo khoa môn Ngữ văn. Truyện này, viết về bóng đá, nhưng là bóng trước giờ lăn trên sân, cho nên cả truyện 1.560 chữ, chỉ có vài mươi chữ có trái bóng dưới chân.
Dòng khai truyện: "Nay thừa lệnh Tỉnh đường, ngày 19 Mars này, tức 29 tháng Giêng An Nam, tại sân vận động huyện có cuộc đá bóng thi, nhiều chiến tướng đá rất hay, mọi nhẽ", Hai câu đối thoại cao trào: "Ốm gần chết cũng phải đi… không đi, thì người ta đá bóng cho chó xem à?" và "… ngu như lợn. Người ta cho xem đá bóng chứ ai làm gì mà cũng phải bắt…". Rồi tới câu kết truyện: "Mẹ bố chúng nó, cho đi xem đá bóng chứ ai giết chết mà phải trốn như trốn giặc!".
Nói theo ngôn ngữ bóng đá thì Nguyễn Công Hoan đã tận dụng độ nẩy của quả bóng để lật cảnh. Kể chuyện bóng đá, nhưng bỏ trái bóng mà đá vào chính sách mị dân của "mẫu quốc", đang bày ra các trò "vui khỏe trẻ trung" để người dân quên đi việc đòi quyền sống no ấm, quyền làm dân một nước độc lập. Lối viết của ông hệt như lối chạy không bóng của một hảo thủ để tới được vị trí đắc địa nhất trên sân… văn và túng cú sút… chữ nghĩa sắc nét!
2. Chuyện rằng nhà văn Hữu Mai rụng tóc hơi bị sớm, cho nên từ khi còn trẻ, dù không mưa nắng, ông cũng rất tề chỉnh… vấn đề mũ! Tề chỉnh đến độ có lần máy bay địch bỏ bom, đã chạy xuống hầm rồi, Hữu Mai lại chạy lên lấy cái mũ bỏ quên, rồi mới yên tâm trú ẩn.
Vậy mà trên sân cỏ, khi đội Thể Công ghi bàn, Hữu Mai lại có thể tung mũ (hơi bị quá tay) lên trời mà hò reo mừng chiến thắng! Để rồi cái mũ tình tình… mà gió bay!
3. Có thể nói, với dân văn nghệ quân đội, thì bóng đá là môn thể thao… toàn quân! Nhưng sang tận Mỹ, vào sân Foxboro mùa World Cup 1994 để xem một trận bóng thì "quân số" chưa đủ một tiểu đội, chỉ có Phạm Tiến Duật, Tô Nhuận Vĩ, Nguyễn Quang Thiều và Trần Đăng Khoa.
Ở bên ấy, nhà thơ thần đồng họ Trần đã tận mắt nhìn thấy thần đồng bóng đá Maradona chạy ảo diệu, chứ không như đa số ở nhà "… gí mũi lên cái màn hình bé hin hin, biến thành những chú mèo bị thu hết móng vuốt, chỉ còn biết đắm đuối đến bất lực, ngắm những bóng cá vàng nhào lộn tung tẩy trong cái bể nuôi cá cảnh có cái tên rất hiện đại là vô tuyến truyền hình".
Trong cơ trời ấy, Trần thần đồng không chiêm ngưỡng người hùng bóng đá quốc tế, ông lại tập trung bút lực, tường thuật tại chỗ những đồng đội vốn là tín đồ túc cầu giáo Việt Nam của mình! Xin trích nguyên văn: "Nhà văn Tô Nhuận Vĩ lột phăng áo vét, khoác cái áo phông rộng thùng thình, có in hình quả bóng mà anh vừa mua được ở một ki-ốt bên đường với giá đắt khét lẹt. Chiếc áo dài lướt thướt khiến người anh rúm ró như một chú hề trong rạp xiếc. Còn nhà thơ Phạm Tiến Duật thì không ngừng quát vào cái máy ghi âm. Một thi sĩ lừng danh, giờ hóa anh tường thuật bóng đá kiêm quảng cáo thuốc hôi nách ở một ga xép tỉnh lẻ. Còn nhà văn Nguyễn Quang Thiều và tôi thì chạy lăng xăng như hai thằng trẻ con già khọm".
Cùng với tường thuật, thần đồng thơ ca còn kiến nghị: "Trái bóng đâu có hiếm mà cũng đâu có đắt đến nỗi không mua nổi. Tại sao không tung ra vài chục quả cho anh em đá. Mỗi cầu thủ cứ chia cho vài quả. Tha hồ mà đá. Đá thoải mái. Chẳng việc gì phải chen chúc, xô đẩy và tranh cướp nhau như một lũ giặc ngày". Thật may! FIFA không nghe ông thần này và nhân loại vẫn còn được xem World Cup 2022 khai mạc tại Qatar vào tối qua.
4. Sân cỏ của nhà thơ Hoàng Cầm ở "bên này" sông Đuống, vì "bên kia" sông Đuống cỏ xanh trên bãi phù sa non thời trẻ đã bị ông… "vặt trụi" để tìm lá diêu bông! Cho nên khi Hoàng Cầm ra sân đá bóng là ra trong màu áo đội lão tướng.
Mời xem một đoạn văn xuôi của của nhà thơ: "Trong 90 phút giao tranh cũng diễn ra đủ các thứ mưu mẹo, lừa gạt gian dối, đủ các đức tính, dũng cảm bền bỉ, nhanh trí, lười biếng, ngu xuẩn, độc ác, đủ các thứ may rủi, đủ các loại bất ngờ. Mũi giày đang lúc găng go, chỉ chệch nửa li là bóng vào lưới, sai một li nó lại đi vọt ra ngoài, chính anh cầu thủ cũng không hiểu sao nó lại như thế. Tài giỏi như Platini mà rồi sút phạt đền, bóng lại bay ra ngoài cầu môn. Trận bóng đá nào cũng phải có 3 ông trọng tài, 1 chính 2 phụ. Như một nước thì phải có chính phủ, xã hội phải có quan tòa, trọng tài được phép độc đoán mới duy trì được luật lệ, còn tiếng còi khi đã huýt phạt, chưa biết đúng sai, cầu thủ cứ phải vâng theo đã".
5. Nhà văn Nguyên Hồng thì không mất công lý sự như thế! Thích thì cứ ra sân, rồi tranh thủ những lúc có đội thủng lưới thì ôm chầm lấy người bên cạnh mà hôn, dù người ấy là một bà đầm không hề quen biết, đang ngồi bên một ông khác. Đã nhiệt tình với người bên cạnh đến thế, Nguyên Hồng lại vẫn còn sức để chỉ đạo cầu thủ dưới sân.
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn kể, có lần cùng Nguyên Hồng xem trận đội tuyển Hải Phòng chơi với đội Algérie. Càng chơi ta càng thua đậm, cho nên mỗi khi bóng tới chân danh thủ Nguyễn Danh Túc là Nguyên Hồng lại gào lên chỉ đạo "tết đi, tết đi" (tiếng Pháp, "tête" nghĩa là đánh đầu), khiến Bùi Ngọc Tấn phải gàn: "Đội bạn cao thế Túc làm sao nhảy lên đánh đầu được". Nghe vậy, Nguyên Hồng hét lên như ra lệnh: "Nó đánh đầu bằng tay đấy! Nó là chuyên đánh đầu bằng tay".
Chẳng những biết đá… cuội, mà xem cuội cũng… rất nghề. Có lần, do không kiếm được vé vào sân Hàng Đẫy, sẵn bộ râu phủ hầu đạo mạo như một triết nhân, Nguyên Hồng vỗ vai anh soát vé, xuất trình lời tự giới thiệu dỏm "tao là bố thằng Hùng đây", thế là vào sân, công khai trốn vé.
6. Đá bóng trên sân khấu là đạo diễn Doãn Hoàng Giang. Chuyện này được PGS-TS nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái chứng kiến và kể lại. Vào mùa World Cup 1998, Doãn đạo diễn treo biển trước cửa nhà mình: "Bóng đá, mời vào! Công việc, mời ra! […].
Đóng cửa không làm việc, không dàn dựng suốt mùa World Cup 1998, không có nghĩa là ông lười làm việc sân khấu. Mà thực ra là ông học, say mê học từ sân cỏ để làm sân khấu. Với con mắt đạo diễn lâu năm, ông nhìn thấy ở sân cỏ những yếu tố sân khấu rất bản chất, đó là sự đối đầu căng thẳng, một mất một còn giữa hai lực lượng xung đột, là các cầu thủ của hai đội bóng trên sân cỏ. Đó là yếu tố bất ngờ liên tục, không một ai có thể dự đoán trước, suốt 90 phút giao tranh của hai bên trong trận bóng mà đôi khi, sau 90 phút những yếu tố bất ngờ lại còn khủng khiếp hơn, bởi những cú sút penalty định mệnh".
7. Cũng giỏi viết văn trên sân cỏ là nhà văn Trần Đức Tiến, ông viết nhân mùa World Cup 2018: "So một trận đá bóng với một truyện ngắn tưởng không đến nỗi lởm khởm. Cầu thủ sai khiến bóng thì nhà văn sai khiến chữ. Rườm rà chậm chạp tất nhiên là dở rồi. Nhanh nhẹn khéo léo nhưng đều đều một điệu chưa chắc đã hay. Tối quan trọng là tiết tấu. Lúc nhẹ nhàng khoan thai, lúc gấp gáp hổn hển. Đang bật tường qua lại phía sân nhà như không có gì xảy ra, bỗng vọt một đường chuyền vượt tuyến, một cú chọc khe xẻ nách đối thủ. Như khúc cua gấp trong mạch văn. Nó thức tỉnh người xem. Làm người xem giật mình, mừng, lo, toát mồ hôi. Giữ chặt lấy họ đến phút cuối cùng. Tuyệt đỉnh công phu đấy…".
"Tuy thế, bóng vẫn có những chỗ khác văn. Chẳng hạn như bóng phải chơi tập thể, còn văn thì chơi một mình. Đã là nhà văn cứ một mình với computer đá thoải mái, không cần giờ giấc, bất chấp luật lệ, không huấn luyện viên, cũng chẳng trọng tài. Tuýt còi, việt vị, phạt đền, thẻ vàng thẻ đỏ... tính sau. Tức là có thể lãnh đủ khi trận đấu kết thúc. Trên sân cỏ trả đũa nhau bằng đá nguội, thúc cùi chỏ, sưng chân u đầu cũng chỉ xịt cho tí thuốc tê rồi kéo nhau đứng dậy. Trường văn trận bút lại dùng đòn âm, một chữ quăng ra đủ cho đối phương thành tật cả đời" - Trần Đức Tiến viết.
8. Cho nên, gần như ở phút 89, trong bài thơ về bóng đá, nhà thơ Nguyễn Duy đã rê dắt chúng ta vào hài đàm này, khéo nhắc: "… đá/ đá/ và đá/ Đá quả bóng tròn/ không đá nhau!"
Tags