Nghệ thuật giá hợp lý

Chủ nhật, 29/11/2015 07:55 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Có thể nói, sau 3 lần xuất hiện, Art For You (Nghệ thuật giá hợp lý) do Manzi Art Space và Work Room Four đồng tổ chức trong một năm qua đã tạo được dấu ấn tốt đẹp với người tiêu dùng, sưu tầm nghệ thuật. Đặc biệt nhất là ở khía cạnh tạo ra môi trường giao dịch với nghệ thuật giá hợp lý, giá rẻ.  

Ban đầu, Manzi Art Space do Vũ Ngọc Trâm, Đặng Hoàng Giang (Giang Đặng) và Nguyễn Hoàng Long (Bill Nguyễn) thành lập, hiện nay do Vũ Ngọc Trâm và Nguyễn Hoàng Long (Bill Nguyễn) điều hành. Mục đích của Manzi: 1) Tìm kiếm, phát triển lượng khán giả/người tiêu dùng cho nghệ thuật đương đại; 2) Hỗ trợ các nghệ sĩ trẻ Việt Nam; 3) Tạo thêm không gian công cộng cho khán giả/người tiêu dùng nghệ thuật, văn hóa, tri thức… tại Việt Nam. Việc mời thêm các mô hình như Art For You cũng là để bổ sung cho các mục đích trên.

1. Gần đây, đầu tháng 11/2015, tại Mai’s Gallery (3A Tôn Đức Thắng, TP.HCM), Art For You đã giới thiệu hơn 90 nghệ sĩ và hơn 400 tác phẩm, với giá dao động từ 200.000 đồng đến hơn 18 triệu đồng/tác phẩm. Tại sao mức giá này được xem là hợp lý? Chỉ cần bước vào các cửa hàng tranh chép, tranh bờ hồ, khu đồ lưu niệm… thì sẽ thấy giá này rất cạnh tranh. Mà khác biệt quan trọng không phải ở giá cả, mà chính là sự bảo chứng bản gốc từ chính tác giả. Nhà tổ chức cũng rất có gu và tiêu chí chọn lựa, chứ không phải tác phẩm nào cũng bán, miễn có tiền.


“Phải tìm mọi cách mang nghệ thuật đến với mọi người, chứ không thể mong chờ điều ngược lại, đó là tiêu chí ngay từ đầu của chúng tôi. Chính vì vậy, những hoạt động như Art For You là việc “tự nhiên” đến trong quá trình tìm kiếm các phương thức tồn tại.

Thế mạnh của chúng tôi, nếu có thể nói vậy, chính là mối quan hệ hữu hảo với các nghệ sĩ từ trước khi Manzi ra đời, nên khi “xin xỏ” này kia, họ thường ủng hộ. Họ đã tìm cách “rút gọn” kích thước, chất liệu, đặc biệt giá cả tác phẩm để vừa “đôi giày nhỏ nhắn” mà Art For You đang mang. Nhiều người nói thẳng với tôi, họ muốn mượn Manzi để ủng hộ cho nghệ thuật đương đại Việt Nam và người “tiêu dùng” Việt Nam, nghĩa là Manzi chỉ là “trạm trung chuyển”, Vũ Ngọc Trâm (bà bầu Manzi) cho biết.

Có lẽ vì vậy mà họ có được tác phẩm của những họa sĩ giá ngất ngưởng như Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Quang Huy, Lê Quý Tông, Doãn Hoàng Lâm, Hà Mạnh Thắng, Ngô Văn Sắc…

Những không gian như Manzi Art Space hay Art For You còn hướng đến việc khích lệ sáng tạo, trưng bày của các nghệ sĩ mới xuất hiện. Dần dà qua năm tháng, khi có tên tuổi rồi, nhiều người sẽ quay trở lại khích lệ lớp nghệ sĩ mới hơn, thế là phía tổ chức lại có tác phẩm giá hợp lý.

2. Trên thế giới, các mô hình kiểu hội chợ nghệ thuật giá hợp lý (affordable art fair) phát triển mạnh mẽ trong khoảng 15 năm gần đây, với mục tiêu làm cho nghệ thuật rời chốn thượng lưu để cận nhân tình hơn. Thế nhưng, theo nhiều phân tích cho thấy đây cũng là cách chống lại sa sút và khủng hoảng kinh tế, trong khi tình yêu và nhu cầu sở hữu nghệ thuật thì vẫn nguyên vẹn. Bởi trước đó, nghe đến chợ nghệ thuật, phiên đấu giá là đồng nghĩa với xa xỉ, tốn kém, điều này cần được thay đổi.


Một góc của Art For You tại Mai’s Gallery (TP.HCM), với hơn 400 tác phẩm được bày bán, thu hút rất nhiều người mua và người xem. Ảnh do Art For You cung cấp 

“Tôi nhận thấy phần lớn công chúng Việt Nam hoặc coi nghệ thuật là một khái niệm xa vời, không cần thiết trong cuộc sống và là công cụ để thể hiện địa vị xã hội, hoặc coi nghệ thuật là thế giới dành riêng cho những phần tử lập dị, khác người, hoặc xem cái đẹp là một khái niệm được quyết định bởi nhiều tiêu chuẩn hàn lâm, bất di bất dịch và có chức năng chính là “trang trí” cho cuộc sống nhiều màu sắc và thơ mộng hơn. Ở Việt Nam, nghệ thuật không có một sân chơi chung để kết nối các nghệ sĩ, nhà phê bình, báo chí, tổ chức và công chúng với nhau, vì vậy công chúng khá mù mờ về tầm ảnh hưởng của nghệ thuật và mối quan hệ tương tác của nó với nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Vấn đề này cần thời gian để thay đổi, và nỗ lực của giới nghệ sĩ trong việc sáng tác và chạm đến công chúng cho đến nay vẫn chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, chưa có tiếng nói đồng nhất”.

“Chúng tôi mong muốn mọi người hiểu rằng nghệ thuật không phải là thứ xa vời ngoài tầm với. Cái đẹp không phải là sự xa xỉ mà là điều thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày. Bạn không cần phải hiểu biết về nghệ thuật ở mức độ hàn lâm hay phải giàu có thì mới biết trân trọng hoặc sở hữu được một tác phẩm nghệ thuật”, ông bầu trẻ Bill Nguyễn trả lời AnyArena.

“Khó khăn của chúng tôi là làm sao vừa duy trì được không gian, nhưng cũng duy trì được chất lượng và sự an toàn trong các hoạt động. Nếu quá thỏa hiệp thì Manzi chỉ còn cái xác vô hồn, nếu quá phiêu lưu thì Manzi có thể không còn cả địa điểm để hoạt động. Nước mình chưa có cơ chế hợp lý cho các mô hình nghệ thuật độc lập, nên cả đôi bên đều phải vừa làm vừa thăm dò lẫn nhau. Tôi nghĩ trong tương lai gần, các cơ chế này sẽ hình thành, vì đó là xu thế”, Vũ Ngọc Trâm cho biết.

Manzi Art Space và Work Room Four dự tính mỗi năm sẽ làm 2-3 lần Art For You, không chỉ ở Hà Nội, TP.HCM, mà còn mang đến những thành phố khác.

Art For You sẽ trở lại Hà Nội từ ngày 3 đến 7/12/2015, với tham vọng nâng cấp về mọi mặt. Với giá hợp lý, giới tiêu dùng và sưu tầm nghệ thuật sẽ có cơ hội sở hữu tác phẩm của các nghệ sĩ quốc nội như Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Quang Huy, Phạm Ngọc Dương, Nguyễn Thế Sơn, Nguyễn Phương Linh, Nguyễn Huy An, Lương Văn Việt, Maika Elan…; và các nghệ sĩ quốc tế như Maritta Nurmi, Simon Reddington, Lawrence D’Attilio, Ben Reich… Art For You cũng đã bắc nhịp cầu và tạo thêm tên tuổi cho các gương mặt trẻ đến từ Huế, TP.HCM, Hà Nội như Trương Công Tùng, Lê Thúy, Thái Nhật Minh, Lãng Đỗ, Ngô Đình Bảo Châu, Lê Hoàng Bích Phượng, Phan Thảo Nguyên, Khoa Lê, Nguyễn Đình Hoàng Việt, Kim Tố Lan Lê Giang, Nguyễn Hoàng Giang…

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›