Những năm cuối thập kỷ 70 thế kỷ XX, tôi vào làm việc ở Đà Nẵng, được chơi với vài ba anh bạn xứ Đà, họ đều có kỹ năng... đi chợ mua nguyên liệu làm mồi nhậu. Hồi đó khổ lắm, nhưng nhiều khi chỉ với mệnh giá tiền thấp nhất, họ vẫn mua được cái gì đấy về chế biến ra mồi nhậu ngon lành. Tôi cực kỳ khâm phục họ, và coi đó là những sáng tạo rất đáng quí, nhất là trong thời buổi đói kém. Làm thơ, cũng vậy…
Nhiều khi, với ít chữ nhất, với những chữ bình thường nhất, nếu anh tạo ra được một bài thơ hay, anh sẽ sánh ngang với những người làm mồi nhậu từ những nguyên liệu rẻ tiền. Đó là nghệ thuật tối giản, hay nghệ thuật tối thiểu, một nghệ thuật cao siêu chứ không phải dạng vừa.
Văn Cao, trong một số bài thơ của mình, đã làm và đạt thành công từ nghệ thuật ấy. Đó cũng là nghệ thuật mà tôi rất ưa chuộng, dù không phải lúc nào tôi cũng dùng và cũng thành công.
Nói thêm về chữ nghĩa trong thơ, những chữ nhỏ bé, tầm thường giống như những con cá nhỏ không tên tuổi mà dân biển thường đánh được mỗi khi ra khơi. Họ không bán những con cá này, chỉ để… nhậu. Thì hóa ra, những con cá nhỏ không nổi tiếng này lại ngon hơn những loài cá lớn danh tiếng nổi như cồn. Ngon hơn rất nhiều. Ăn rất lạ miệng.
Thơ cũng vậy. Nhiều khi với những con chữ tầm thường, mù mờ, mình có thể viết nên bài thơ “lạ miệng”, hơn là dùng những chữ to tát, những chữ “hoành văn tráng”. Thơ cũng giống như những con cá nhỏ, có thể nó ngon vì không nổi tiếng, nhưng nó ngon vì chính phẩm chất nội tại của nó. Khi ăn, hay khi đọc, người ta nhận ra ngay. Dù những con cá “lớn” có vẫy vùng trên bàn trên mâm bao nhiêu năm, thì người ta vẫn có cách để nhận ra vị ngọt ngon của những con cá nhỏ. Cái chính là bài thơ, chứ không phải nhà thơ.
Đi máy bay, tôi cũng đã vài lần ngồi vé VIP. Và có một lần ngồi “ghế súp” (ghế ngồi hành lang). Tôi nhớ mãi lần đó, chứ không nhớ những lần được coi như VIP. Bởi ở lần ngồi ghế súp năm 1985, tôi đã đi máy bay không… vé. Nhờ lời gửi của một người thân với hàng không, và nhờ tập thơ Khối vuông ru-bích tôi tặng các anh phi công, tôi đã được các anh ưu tiên cho ngồi gần buồng lái, với một cái… thùng đặt tạm làm ghế. Hơn một tiếng rưỡi đồng hồ từ Hà Nội vào Đà Nẵng, tôi đã cảm thấy mình may mắn vô cùng. Hồi ấy cực khó để mua được một cái vé máy bay.
Như thế, vấn đề của anh hay của thơ, là hoàn cảnh trong đó anh hay thơ xoay xở, chứ không phải sự đặt định. Bài thơ cũng phải tự xoay xở để thoát ra, để đi tới kết thúc, dù nó “ngồi” trên một cái tứ “VIP” hay một cái tứ “ghế súp”. Nhà thơ cũng vậy luôn. Ngồi ở đâu không quan trọng bằng ngồi như thế nào. Ngồi giữa chợ mà tươi vui, thanh thản vẫn sướng nhiều lần hơn ngồi phòng khách đặc biệt mà không thoải mái.
Ăn cũng vậy. Ăn bún ốc chợ Hàng Da cùng bạn hiền Đào Hùng (ngày anh Đào Hùng còn sống vui và khỏe mạnh) vẫn ngon hơn ăn súp bào ngư vi cá gì đó trong bữa tiệc với những người mình không ưa.
Thơ giành cho nó sự tự do, và cùng với thơ của mình, nhà thơ cũng tự do. Biết mình đang ở đâu, nhưng thơ vẫn kiên trì giành sự tự do cho mình. Ngôn ngữ “mờ” không hề nói với bạn rằng tự do trong bài thơ thiếu sáng. Ngược lại. Tôi có cảm giác Đặng Đình Hưng tự do tuyệt đối khi làm thơ, dù thơ ông rất mờ. Tự do hay không, tâm hồn quyết định.
- Hà Nội sẽ đẹp hơn với tượng Văn Cao
- Hiến tặng 'Tiến quân ca': Hoàn thành tâm nguyện lúc sinh thời của Văn Cao
- 20 năm ngày mất Văn Cao: Một họa sĩ trọn vẹn và rộng rãi
Nếu dân chủ là của cộng đồng thì tự do là vấn đề cá nhân. Từng cá nhân phải giành tự do về cho mình. Khi tự do là chuyện của cá nhân tôi thì suốt đời tôi có thể sống tự do, dù trong hoàn cảnh nào. Tại sao lại có “Ngục trung nhật ký”? Vì Hồ Chí Minh là người tự do. Người có tự do thì luôn biết tôn trọng tự do của người khác. Khi sự tôn trọng này lan tỏa ở tầm xã hội, thì xã hội ấy có tự do.
Xin giới thiệu một bài thơ thuộc “dòng thơ tối giản” của Văn Cao:
Một đêm Hà Nội
Xa xa xa
Đêm đông tiếng còi tàu
Hà Nội càng thêm cũ
Gió cuối năm luồn vào phố hẹp
Ruột phố Hà Nội cũ
Nhớ một cánh buồm
Xa ngoài sông Hồng thấp thoáng
Nhớ một điệu đàn
Vũng sao khuya sóng sánh
(Văn Cao)
Nhà thơ Thanh Thảo
Tags