Nhẹ thì bị "nựng" má, vuốt mặt gạt mồ hôi, nặng hơn chút là ăn "cháo sườn", nhưng đáng buồn nhất là bị mua chuộc, bị biến thành con rối trên cái sân khấu 4 mặt là bóng đá...
Mới đây, trợ lý trọng tài Nguyễn Lê Nguyên Thành đã tố đội trưởng CLB Hà Nội, Nguyễn Văn Quyết, xâm phạm thân thể mình. Tình huống diễn ra sau khi trận đấu giữa CLB Hà Nội với Bình Định đã kết thúc trên sân Quy Nhơn ở vòng 7 V-League 2023 mới đây.
Văn Quyết nhận thẻ đỏ trực tiếp từ trọng tài chính Nguyễn Mạnh Hải. CLB Hà Nội đã thua trận, lại còn thiệt quân: Mất cầu thủ quan trọng nhất trong vài vòng đấu tiếp theo. Văn Quyết đã ghi 6 bàn thắng cho CLB Hà Nội ở V-League năm nay và chỉ xếp sau Rafaelson của Bình Định (7 bàn).
Đội trưởng CLB Hà Nội đã lên tiếng xin lỗi trợ lý Nguyên Thành và tổ trọng tài, xin lỗi người hâm mộ, nhưng lằn ranh yêu/ghét của tiền vệ này một lần nữa lại hơi lệch về vế 2 mất rồi.
Trở lại với vấn đề mà chúng ta đặt ra ở đầu bài viết, rằng liệu nghề trọng tài có phải là nghề nguy hiểm hay không? Dù luật bóng đá đã chặt chẽ hơn rất nhiều, với những án phạt nặng cho bất cứ hành vi xâm phạm thân thể nào với trọng tài; truyền thông, báo chí, mạng xã hội cũng lên án rất nhanh, có thể khiến cầu thủ (và đội bóng) thân bại, danh liệt..., nhưng những sự vụ như ở Quy Nhơn mới đây vẫn diễn ra theo một cách nào đó.
Lật giở lại lịch sử V-League thì thấy việc trọng tài bị đánh, bị hành hung, thậm chí bị dọa giết, bị mua chuộc..., không hiếm. Nếu không mở tốc độ nhanh và chạy zíc-zắc cực giỏi, ông Trương Thế Toàn khó mà thoát hiểm trong một trận đấu cách đây hơn 20 năm trên sân Vĩnh Long. Hay việc cố trọng tài Nguyễn Tuấn Hùng (còn gọi là ông Hùng "tiu") bị săn ở Cao Lãnh năm 1996 đến nay vẫn là một điển tích. Và điển tích ấy đi cùng án treo giò vĩnh viễn với cựu hậu vệ ĐTQG và CLB Công an TP.HCM (cũ), Chu Văn Mùi, dù ông Mùi nói, chẳng có văn bản kỷ luật cụ thể nào cả?!
VCK giải hạng Nhì ở Phú Yên năm 2018, với ít nhất 2 cầu thủ của Bà Rịa – Vũng Tàu bị kỷ luật, vì hành hung trọng tài, rồi mới nhất là trường hợp của "vua áo đen" Trần Ngọc Nhớ (Tiền Giang) bị cầu thủ Ngô Anh Vũ tát thẳng tay...
Trong nhiều năm nay, các trọng tài được lệnh không được phép bỏ chạy khi bị cầu thủ hay đội bóng quây. Phải, "vua" mà bỏ chạy thì mất mặt quá và mất luôn cả "giang san" ấy chứ. Điều này ứng với cả sới phủi, với bóng đá phong trào. Tấm khiên và áo giáp cho "vua áo đen" ở hạng mục sân chơi này, về lý là hơi mỏng, nhưng cũng không hiếm các án kỷ luật nặng cho cầu thủ và đội bóng nào vướng phải.
Tất nhiên, nói đi cũng phải nhắc lại, không phải vô cớ mà mà cầu thủ (và đội bóng) động thủ. Các trọng tài đã và vẫn sẽ mắc rất nhiều sai sót, mà lỗi không đơn thuần "vì họ cũng là con người". Điều này khiến mọi nỗ lực của họ bị đổ sông đổ biển. Đại án dàn xếp tỷ số của giới trọng tài Việt Nam năm 2005 vẫn còn chưa ráo mực. Trước và sau mùa giải ấy, vị nào dám vỗ ngực là hoàn toàn sạch, chí công vô tư?!
Nói nghề trọng tài "bạc" là mang cả 2 nghĩa của từ này, bạc bẽo và bạc tiền. Trọng tài là cái nghề có đầu tư, nên chắc chắn có thu hồi vốn và sinh lãi, bằng cách này hay cách khác, có cả những tai nạn nghề nghiệp.
Không ai mong mỏi điều tồi tệ cả, song thi thoảng điều tồi tệ vẫn xảy ra. Không may thì phải chịu vậy.