Nghĩ chuyện nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Khi ta trở thành người già

Thứ Sáu, 27/12/2019 16:46 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Dư luận đang xôn xao về bài báo nói về nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý. Tôi hiểu tâm lý của nhạc sỹ khi già mà không sống cùng con cái. Nhưng tôi nghiêng về phía những ai chia sẻ và thấu hiểu hoàn cảnh của hai người con gái của ông như những gì tôi biết.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Chỉ có một ước mơ

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Chỉ có một ước mơ

Người nhạc sĩ của những Dư âm, Dáng đứng bến Tre, Mẹ yêu con, Người đi xây hồ kẻ gỗ đang sống những tháng năm tuổi già tại một căn nhà cũ kĩ với đồ đạc sơ sài và cũng không thể cũ hơn ở quận 1, TP.HCM.

 

Khi người ta trở nên già nua có rất nhiều điều không mong đợi đến với họ: bệnh tật, cảm giác cô đơn, mất trí nhớ, hay tủi thân, suốt ngày chỉ mong con cháu bên cạnh.... Nhưng không phải ai mong ước như vậy cũng được toại nguyện. Chúng ta khi chưa già lắm vẫn hay giễu chính mình khi già là ai hỏi "ăn cơm chưa" lại trả lời " từ sáng đến giờ chúng nó có cho ăn gì đâu" cho dù con cháu đã chăm sóc tử tế.

Tôi có một người họ hàng, cụ năm nay đã hơn 90 tuổi. Cụ có hai người con trai và một cô con gái. Nhưng cụ không chịu sống với bất cứ người con nào cho dù cụ rất yêu thương con cháu. Cụ chỉ muốn sống trong chính ngôi nhà cụ dựng lên và đã sống ở đó gần cả cuộc đời.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

Người già không chỉ sống với con cháu mà còn sống với ký ức và những kỷ niệm buồn vui của họ nữa. Còn các con cụ sống ở nơi khác vì công việc và hoàn cảnh của riêng họ. Họ tìm mọi cách đưa cụ đến ở với họ nhưng không bao giờ cụ chấp nhận. Vậy nên họ phải sống xa bố. Nhưng có thời gian là họ về thăm cụ. Họ đã làm tất cả để bố mình có một cuộc sống tốt. Thế nhưng, thiên hạ nhìn vào lại cho rằng những đứa con cụ bất hiếu vì bỏ cụ sống một mình với người giúp việc.

Ở nước ngoài, khi đã già, người ta thường chọn nhà dưỡng lão để sống cho dù con họ muốn họ sống cùng. Họ chọn nhà dưỡng lão để có thể sống với những người cùng tuổi. Đó cũng chính là một môi trường làm họ bớt đi nỗi cô đơn và có bạn đồng lứa chia sẻ.

Thực tế, tôi có thể ngồi cà phê trò chuyện với bạn đồng niên cả ngày nhưng chẳng mấy khi ngồi trò chuyện với con mình quá một giờ đồng hồ. Đấy là sự thật. Nhưng không vì thế mà tôi thấy con tôi xa cách hay bất hiếu.

Tôi thường nghĩ sự hiếu thảo của người con là làm cho cha mẹ luôn nghĩ rằng con mình hạnh phúc. Nếu những đứa con sống trong cùng một ngôi nhà mà chúng làm những điều để cha mẹ lo lắng và đau lòng thì chúng đã bất hiếu với cha mẹ rồi.

Hãy chia sẻ với những người già và hãy cảm thông với những đứa con (tất nhiên trừ những đứa con bất hiếu thực sự). Hãy thương yêu con mình bằng cách vượt qua những khó khăn của tuổi già. Khi cha tôi còn sống, mỗi lần ốm đau cha tôi không cho mẹ tôi báo cho chúng tôi biết vì sợ các con lo lắng và sợ ảnh hưởng đến công việc của các con. Và mỗi khi tôi gặp những chuyện buồn, tôi cũng không bao giờ để cho cha mẹ mình biết vì nếu biết con mình đang buồn, đang đau khổ thì cha mẹ đau khổ biết bao.

Cuộc sống là khó khăn, là bất trắc, là phiền muộn, là thách thức, là sai lầm....nhưng chúng ta vẫn muốn sống vì chúng ta vẫn luôn mang trong mình những giấc mơ về những điều tốt đẹp và hành động cho những giấc mơ ấy.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›